Hàn Quốc thử nghiệm đồng tiền kỹ thuật số quốc gia

- Thứ Năm, 12/08/2021, 06:28 - Chia sẻ
Trong tháng 8 này, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) sẽ bắt đầu chương trình thử nghiệm để kiểm tra tính khả thi của đồng tiền kỹ thuật số (CBDC) do Ngân hàng Trung ương phát hành. Mặc dù việc thí điểm không phải cam kết phát hành CBDC, nhưng quyết định đó sẽ đưa Hàn Quốc tiến gần hơn đến việc trở thành một xã hội không tiền mặt với nhiều tác động đáng kể cho cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng.

Tăng cường giao dịch kỹ thuật số

Trong thập kỷ qua, Hàn Quốc đã tiến xa hơn trên con đường hướng tới giao dịch kỹ thuật số. Việc sử dụng tiền mặt giảm từ 66% giao dịch trong năm 2010 xuống còn ước tính 34% vào năm 2020 khi thanh toán điện tử tăng 33% trong đại dịch Covid-19. Những xu hướng này có thể sẽ tiếp tục, vì các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy 77% người Hàn Quốc thích thực hiện các giao dịch mà không cần tiền mặt.

			Nguồn ITN
Nguồn: ITN

Các tài sản ảo như Bitcoin cũng nhận được sự quan tâm của công chúng Hàn Quốc liên quan đến đổi mới tài chính kỹ thuật số trong những năm gần đây. Thực tế, chúng rất phổ biến ở Hàn Quốc, đặc biệt là trong thế hệ trẻ. Ước tính, đất nước kim chi chiếm 10% giao dịch tiền mã hóa (cryptocurrency) toàn cầu và có một thị trường sôi động cho các loại tiền mã hóa altcoin.

Được thúc đẩy bởi sự phát triển của tiền mã hóa, hầu hết các Ngân hàng Trung ương trên thế giới đã bắt đầu nghiên cứu tác động của CBDC hoặc tiền tệ fiat được phát hành kỹ thuật số. Một số ít ngân hàng Trung ương như Riksbank của Thụy Điển và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cũng đã hướng tới các dự án thí điểm CBDC.

Hầu hết các Ngân hàng Trung ương mong đợi đồng CBDC sẽ được phát hành trong tương lai gần. Theo cuộc khảo sát gần đây của UBS với các nhà quản lý dự trữ tại nhiều Ngân hàng Trung ương, gần 40% mong đợi đồng CBDC bán sỉ sẽ được tung ra trong 3 năm tới và ít nhất một Ngân hàng Trung ương trong nhóm G7 sẽ phát hành CBDC bán lẻ trong 3 - 5 năm tới. Quyết định của BOK trong việc tiếp tục thí điểm CBDC có khả năng đưa vấn đề trên vào vị trí hàng đầu cho những ưu tiên thay đổi trong lĩnh vực tài chính.

Cuộc thử nghiệm kéo dài 10 tháng của BOK là bước đầu tiên trong việc kiểm tra khả năng tồn tại của CBDC trên sổ cái phân tán hoặc blockchain và sẽ sử dụng sổ cái Klaytn do bộ phận blockchain Ground X của Kakao xây dựng. Nó sẽ được tiến hành trong hai giai đoạn, trong đó giai đoạn đầu tiên chạy đến hết năm 2021 và sử dụng môi trường ảo để kiểm tra các vấn đề liên quan đến tính khả thi kỹ thuật của việc phát hành, phân phối và mua lại các CBDC. Giai đoạn thứ hai kéo dài đến tháng 6.2022 và tập trung vào thanh toán ngoại tuyến, mua tài sản kỹ thuật số và chuyển tiền quốc tế.

Lợi ích đi kèm thách thức

Mô hình đang được thí điểm giải quyết một số thách thức mà CBDC đặt ra, chẳng hạn như vai trò của các ngân hàng tư nhân và những lo ngại về quyền riêng tư. Thay vì mô hình mà trong đó mỗi người dân có tài khoản ngân hàng riêng của họ với ngân hàng Trung ương, BOK quyết định tiếp tục “in” tiền kỹ thuật số nhưng để các ngân hàng và tổ chức tài chính tư nhân phân phối cho người tiêu dùng. Giai đoạn hai của thí điểm cũng sẽ thử nghiệm công nghệ bảo mật nâng cao, nhưng việc đặt ví điện tử tại các tổ chức tư nhân thay vì tại chính ngân hàng Trung ương sẽ làm dấy lên một số lo ngại về quyền riêng tư, phát sinh từ việc các ngân hàng Trung ương có quyền truy cập vào hồ sơ giao dịch với CBDC.

Những lợi ích của CBDC đối với người tiêu dùng Hàn Quốc ban đầu có thể không rõ ràng. Theo chuyên gia, những giao dịch với CBDC cần phải hoạt động tương tự như các giao dịch hiện tại, vốn rất thuận lợi thông qua các phương thức mua hàng qua thiết bị di động hoặc thẻ, nhưng với tốc độ giao dịch tăng lên và giảm chi phí giao dịch. Và trong khi CBDC và các loại tiền mã hóa thường được quảng bá như phương tiện tạo điều kiện thuận lợi cho giao dịch kỹ thuật số cho những người thiếu tài khoản ngân hàng, ước tính chỉ có 5% người Hàn Quốc là không sử dụng các dịch vụ của ngân hàng.

Đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng, một tính năng quan trọng sẽ là khả năng tương tác với các blockchain dành cho đồng CBDC của nhiều nước khác. Với doanh nghiệp, điều đó sẽ giúp giảm thời gian và chi phí giao dịch thương mại với đối tác nước ngoài. Trong khi đó, nó cũng mang lại tiềm năng cho người tiêu dùng được mua hàng trực tiếp ở nước ngoài một cách thuận lợi hơn trong bối cảnh trào lưu mua sắm ngày càng trở nên phổ biến ở Hàn Quốc. Thực tế, mua hàng trực tiếp ở nước ngoài đã tăng từ 1,5 tỷ USD năm 2015 lên 3,1 tỷ USD vào năm 2019.

Giai đoạn thứ hai của chương trình thí điểm còn dự kiến sẽ đưa ra hỗ trợ cho các hợp đồng thông minh, cho phép doanh nghiệp tăng tốc thời gian giao dịch với các khoản thanh toán tự thực hiện một khi các điều khoản của hợp đồng thông minh được hoàn thành. Tuy nhiên, nhiều vấn đề bảo mật phát sinh trong hợp đồng thông minh trên các blockchain hiện tại vẫn cần được giải quyết.

Những lợi ích đáng kể nhất cho người tiêu dùng và doanh nghiệp từ CBDC rất có thể sẽ đến từ khả năng viết các chương trình mới trên sổ cái phân tán và những đổi mới tài chính trong tương lai có thể nảy sinh từ khả năng tương tác đó. Và cho dù quá trình thí điểm diễn ra suôn sẻ, BOK sẽ không có khả năng ngay lập tức chuyển sang giai đoạn ban hành CBDC. Trước khi công bố thí điểm, BOK từng tiến hành nghiên cứu về vấn đề pháp lý liên quan đến CBDC. Nghiên cứu kết luận rằng, mặc dù CBDC khác với tài sản ảo và do đó không chịu sự điều chỉnh của Luật Thị trường vốn, thì Luật Ngân hàng Hàn Quốc vẫn sẽ cần được sửa đổi để cho phép phát hành đồng won kỹ thuật số.

Theo nghĩa trên, việc chuyển sang đồng CBDC ở Hàn Quốc có thể sẽ là quyết định chính trị hơn là quyết định của BOK nhằm tiến xa hơn trên con đường kỹ thuật số dành cho thanh toán ở xứ sở kim chi.

Ngọc Minh