Hàng không vẫn chờ được hỗ trợ

- Chủ Nhật, 05/12/2021, 05:21 - Chia sẻ
Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không (Vaba) vừa gửi văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ các hãng hàng không Việt Nam bị thiệt hại nặng nề do đại dịch Covid-19 gây ra. Theo Vaba, các hãng hàng không cần nhất lúc này là vốn ưu đãi lãi suất để duy trì và phát triển.
Mở cửa đón khách quốc tế sẽ giúp ngành hàng không và du lịch phục hồi

Thống nhất cao nhưng chậm hỗ trợ  

Theo Vaba, từ khi bùng phát dịch lần thứ 4 ở Việt Nam tới nay, các hãng hàng không lâm vào tình trạng nguy hiểm, doanh thu giảm 80 - 90%; dòng tiền thiếu hụt nghiêm trọng; nợ gốc và lãi tăng cao; các nguồn lực về tài sản, tài chính tích lũy của các hãng bị cạn kiện... Báo cáo của các hãng hàng không Việt Nam đều cho thấy: Nhu cầu cần được hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về vốn là cấp bách và quan trọng nhất. 

Mặc dù Vaba và các hãng đã có nhiều văn bản đề nghị được hỗ trợ vốn nhưng đến nay chỉ VNA được vay 4.000 tỷ đồng lãi suất tái cấp vốn (0%) trong 3 năm. Vì vậy, Vaba đề nghị Bộ Giao thông Vận tải có văn bản kiến nghị Chính phủ và Quốc hội ban hành Nghị quyết cho hãng hàng không tư nhân vay gói tái cấp vốn 4.000 - 6.000 tỷ đồng, lãi suất 0% như đã thực hiện với VNA. Mục đích là nhằm bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng theo chủ trương, chính sách của đảng và pháp luật của Nhà nước nhằm giúp hãng hàng không tư nhân giải quyết thanh khoản. Số vay cụ thể căn cứ vào nhu cầu của từng hãng, vào quy mô, thị phần, đóng góp cho ngân sách trong thời gian qua và khả năng đáp ứng của ngân sách.

Vaba đề nghị Bộ Giao thông Vận tải có ý kiến bằng văn bản với Chính phủ, với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phê duyệt gói vay 30.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất (Nhà nước cấp bù lãi suất 4 - 5%) cho các hãng hàng không. Cũng trong văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Vaba đề nghị Bộ giảm phí dịch vụ hàng không trong năm 2022. Cụ thể là cho phép áp dụng khung giá với mức tối thiểu bằng 50% mức tối thiểu, mức tối đa bằng 50% mức tối đa quy định tại Thông tư số 53/2019 của Bộ Giao thông Vận tải về mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam. Đồng thời, đề nghị cho phép giảm 50% phí dịch vụ tại nhà ga trong năm 2022 đối với khách bay nội địa để góp phần kích cầu du lịch. 

Theo ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Vaba, tuy từ lâu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước… đều đã thống nhất ưu tiên cho các hãng hàng không vay vốn ưu đãi lãi suất nhưng Bộ Giao thông Vận tải, cơ quan quản lý ngành hàng không, chưa có văn bản chính thức đề nghị hỗ trợ cho các hãng hàng không tư nhân vay vốn ưu đãi lãi suất.

Bên cạnh chính sách hỗ trợ vốn và thuế, phí, Vaba cũng đề nghị Chính phủ cho phép mở đường bay thương mại quốc tế định kỳ từ ngày 15.12 và không cách ly đối với khách bay đã tiêm đủ 2 mũi, có kết quả xét nghiệm âm tính. “Nhiều quốc gia đã mở bay quốc tế rất nhộn nhịp, hàng không, du lịch và kinh tế đang phục hồi. Ta không thể đóng cửa bầu trời mãi được, không thể tiếp tục tự gây thêm khó khăn cho ngành hàng không như hiện nay”, ông Bùi Doãn Nề nói.

Nhân tố mang lại thắng lợi khi phục hồi kinh tế 

Trước đó, tại cuộc họp với Vaba, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho rằng, các hãng hàng không đang rất khó khăn. Tuy nhiên, dư địa phát triển của các hãng bay trong nước tương đối khả quan, nếu được bay, các hãng sẽ có dòng tiền và có khả năng hồi phục phát triển sau dịch. “Hiện nay, dư nợ tín dụng ngành hàng không là 24.000 tỷ đồng. Việc ngành hàng không đề xuất cho vay ưu đãi 30 nghìn tỷ đồng nữa, thành hơn 50 nghìn tỷ đồng, không phải là lớn, nhất là so với quy mô tổng dư nợ tín dụng của toàn bộ nền kinh tế”, ông Tú nói và cho biết: Hiện các bộ, ngành như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải đang phối hợp để trình Chính phủ gói tín dụng ưu đãi lãi suất (ngân sách cấp bù lãi suất) cho các hãng hàng không để trình Chính phủ.    

Sự chậm trễ trong việc hỗ trợ các hãng hàng không đã gây thêm nhiều khó khăn cho các hãng hàng không, đồng thời đứng trước nguy cơ thị trường quốc tế bị thu hẹp khi Chính phủ các nước đều hỗ trợ ở mức cao cho các hãng hàng không của họ.  

Chuyên gia hàng không, TS. Bùi Sỹ Hưng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị VNA cho rằng: “Hàng không có vai trò, ý nghĩa rất lớn. Hàng không là một trong những thành phần quan trọng của hạ tầng giao thông đất nước, mang lại hiệu quả lớn về đầu tư và kinh tế… Hàng không là “đại sứ” mở rộng bầu trời đưa Việt Nam ra thế giới và đưa thế giới về Việt Nam”.

Đánh giá của các chuyên gia trong và ngoài nước cũng cho thấy: Hàng không là động lực phát triển của nền kinh tế. Các hãng như VNA, Vietjet là thương hiệu quốc gia, đóng góp hàng năm cho ngân sách rất lớn, trực tiếp và gián tiếp lên tới 8.000 - 9.000 tỷ đồng/hãng/năm. 

Một số chuyên gia kinh tế cũng cho rằng: Quan trọng nhất là hàng không có triển vọng bùng nổ phát triển sau dịch rất cao, đặc biệt là hàng không tư nhân. Tỷ lệ người dân Việt Nam sử dụng máy bay để di chuyển vẫn còn thấp, dư địa phát triển của thị trường hàng không Việt Nam còn rất lớn. 

Ngành hàng không có sứ mệnh rất lớn trong việc duy trì chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị. Khi kinh tế thế giới phục hồi, Việt Nam phải tận dụng cơ hội để lấy lại đà tăng trưởng. Một trong những ngành tạo ra yếu tố thắng lợi, chính là ngành hàng không. "Tôi nghĩ rằng, nếu không có giải pháp từ phía Nhà nước thì vô hình trung, chúng ta hạ thấp vị thế của ngành hàng không Việt Nam và gây ra khó khăn khi phục hồi", TS. Hưng nói. Hỗ trợ hãng hàng không tức là tăng cơ hội phục hồi, bật dậy sau dịch của nền kinh tế. 

Phạm Nguyễn