Hàng Việt không dễ bị “bóp nghẹt”!

- Thứ Hai, 01/11/2021, 06:47 - Chia sẻ
Theo ông NGUYỄN BÌNH MINH, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, giảng viên Đại học Thương mại, khi tham gia sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp Việt đã quan tâm đến truy xuất nguồn gốc, để tránh sản phẩm kém chất lượng. Nhờ vậy, hàng Việt vẫn có chỗ đứng trên các sàn thương mại điện tử và không dễ bị "bóp nghẹt".

Các con số phản ánh đúng thực tế

- Trong báo cáo iPrice Group vừa công bố, sản phẩm mang thương hiệu Việt chỉ chiếm trung bình 17% mặt hàng được tìm mua trên sàn thương mại điện tử trong năm 2020 và nửa đầu 2021. Ngược lại, 83% sản phẩm được quan tâm nhất là hàng ngoại nhập. Ông nghĩ sao về những con số này?

- Số liệu của iPrice hoàn toàn có cơ sở và phù hợp với thị trường Việt Nam hiện tại. Năm 2020, Việt Nam chống dịch thành công, nhờ vậy có điều kiện tốt để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Sang năm 2021, dịch biến chuyển phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các khu vực sản xuất chính, đặc biệt là đầu tàu kinh tế TP. Hồ Chí Minh. Hoạt động thương mại tại các khu vực này tê liệt, dịch vụ hậu cần (logistics) cũng trở thành khâu yếu, tác động mạnh đến các nhà sản xuất Việt Nam, các thương hiệu Việt bị đuối sức và suy giảm là điều tất nhiên. 

Trong khi đó, các sản phẩm nước ngoài có một số lợi thế nhờ chống chịu dịch bệnh tốt và có sự chuẩn bị về nguồn hàng để tránh bị đứt gãy.

- Thực tế này có cho thấy những điểm yếu nào của doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia thương mại điện tử?

- Chúng ta nằm trong khu vực có thể nói là công xưởng của thế giới, nhưng năng lực sản xuất, văn hóa tiêu dùng của Việt Nam vẫn còn yếu. Khi nói về độ phủ sóng, sự đa dạng của các sản phẩm Việt vẫn chưa cao, trong khi các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, đặc biệt là Trung Quốc có hàng hóa đa dạng hơn. Mặc dù các sản phẩm thiết yếu vẫn phục vụ người Việt là chính, nhưng lại không phổ cập trên các sàn thương mại điện tử.

Một điểm nữa là doanh nghiệp Việt vẫn chưa có sự quan tâm đúng mức tới thương mại điện tử. Thực tế, khi đã thành công ở môi trường truyền thống, doanh nghiệp ngại chuyển sang môi trường mới. Dịch bệnh có thể đã mang đến rất nhiều khó khăn nhưng nó cũng có một ưu điểm là buộc các doanh nghiệp phải thay đổi để thích nghi.

Hàng Việt vẫn có chỗ đứng!

- Một số chuyên gia từng cảnh báo, thương mại điện tử Việt Nam đang bị nước ngoài chi phối giống thương mại bán lẻ trực tiếp, làm dấy lên nỗi lo hàng Việt đang bị “bóp nghẹt”. Quan điểm của ông ra sao?

- Chúng ta phải hiểu nhu cầu là do thị trường quyết định. Nếu người Việt muốn dùng hàng Việt thì người ta phải bán, kể cả sản phẩm nước ngoài nếu người tiêu dùng không thích thì cũng không thể bán được, chứ không phải lệ thuộc vào sàn thương mại điện tử. Kể cả các sàn thương mại điện tử nước ngoài khi đến Việt Nam thì cũng phải cung cấp các sản phẩm Việt theo nhu cầu của thị trường.

Cùng với đó, khi tham gia vào sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp Việt cũng đã quan tâm nhiều đến việc truy xuất nguồn gốc, để tránh những sản phẩm kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái. Do đó các sản phẩm Việt vẫn có một chỗ đứng trên các sàn thương mại điện tử, nên việc “bóp nghẹt” hàng Việt thực sự không dễ.

Để sản phẩm Việt có thể ngày càng chiếm thị phần cao hơn trên các sàn thương mại điện tử, cần hướng đi như thế nào?

- Khi tình hình dịch đã cơ bản được kiểm soát, việc đầu tiên là mở rộng, đa dạng nhiều chủng loại hàng hơn. Trước đây, do nhu cầu và nhóm khách hàng ít nên doanh nghiệp trong nước thường cậy vào các sản phẩm có sẵn từ Trung Quốc. Các doanh nghiệp vẫn luôn mắc kẹt trong nhận thức phải đi theo hướng rẻ, trong khi người tiêu dùng Việt đã chuyển đổi và đi theo hàng có chất lượng.

Nếu không có khả năng cạnh tranh sản phẩm giá rẻ với các công xưởng lớn của thế giới thì doanh nghiệp nên tập trung vào các sản phẩm có chất lượng cao, xây dựng được thương hiệu. Một ví dụ về việc Việt Nam đang đi theo hướng chất lượng hơn đó là gạo, nhiều sản phẩm gạo nước ta đã giành được thứ hạng cao trên thế giới, số lượng mua có thể ít nhưng giá trị ngày càng cao hơn. Đó sẽ là hướng đi bền vững và dài hạn.

- Các cơ quan quản lý có thể hỗ trợ gì cho doanh nghiệp?

- Cách tốt nhất là tạo ra hành lang pháp lý tốt, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sớm triển khai hoạt động thương mại điện tử. Chúng ta đang sửa đổi Luật Giao dịch điện tử, hay Nghị định về thương mại điện tử vừa được sửa đổi, ban hành tháng 9.2021 cũng tạo ra khung pháp lý hoàn chỉnh hơn.

Chung quy lại, hỗ trợ về mặt chính sách như miễn giảm thuế, chính sách cho vay dễ dàng hơn sẽ là động lực để giúp doanh nghiệp tập trung vào hoạt động kinh doanh.  Bên cạnh đó, cần có các đơn vị chuyên trách hỗ trợ thủ tục chính sách sẽ giúp các doanh nghiệp yên tâm hơn khi tham gia sàn thương mại điện tử.

 - Xin cảm ơn ông!

Hạnh Nhung thực hiện