Mô hình đổi rác lấy thực phẩm

Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn

- Thứ Năm, 11/11/2021, 06:54 - Chia sẻ
Trước thách thức về tình trạng rác thải nhựa, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về những tác hại của thói quen sử dụng các sản phẩm làm từ nhựa và túi nilon đã và đang được đẩy mạnh. Hưởng ứng phong trào này, một số địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng đã có những mô hình, sáng kiến, hành động thiết thực để giải quyết vấn đề rác thải nhựa, giảm thiểu, phân loại, tái sử dụng, tái chế chất thải.

 

Đổi phế liệu lấy thực phẩm sạch

Gần một tháng qua, khi di chuyển trên những con phố của Hà Nội, không khó để bắt gặp những gian hàng “đổi rác lấy thực phẩm sạch”. Các mặt hàng bày bán khá đa dạng, phong phú từ gạo, rau xanh, củ quả, thịt, cá, đến các loại nước uống tinh khiết, nước ngọt... Để bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm, các sản phẩm đều được kiểm định đạt chuẩn VietGAP, không chất bảo quản và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Điều đặc biệt ở những gian hàng này, ngoài bày bán các sản phẩm như bình thường, những gian hàng này còn là nơi tập kết các loại phế liệu, rác thải nhựa do người dân mang đến để đổi lấy thực phẩm.

Chia sẻ về mô hình này với phóng viên, giám đốc Kinh doanh Công ty E và C Vũ Hoài Nam cho biết: Ý tưởng “Đổi rác lấy thực phẩm sạch” nằm trong chuỗi chương trình “Đổi phế liệu lấy thực phẩm sạch” được triển khai từ ngày 22.9. Trước đó, khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, chương trình đã tham gia cấp phát lương thực, thực phẩm cho người dân ở những khu vực có dịch. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, cuộc sống dần ổn định trở lại, mô hình “đổi rác lấy thực phẩm sạch” vẫn tiếp tục được triển khai. Tất cả phế liệu, rác sau khi được thu gom, phân loại sẽ được vận chuyển đi tái chế theo đúng quy định.

Đối với nhiều người, việc một ngày có thể đổi những chiếc chai nhựa, xoong, chậu cũ, để lấy thực phẩm về cho gia đình là điều mà họ chưa từng nghĩ đến. Gian hàng “Đổi rác lấy thực phẩm sạch” còn tạo điều kiện cho những lao động nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội được tiếp cận với những nguồn thực phẩm bảo đảm an toàn cho sức khỏe. Khi người dân mang các loại rác có khả năng tái chế như: giấy, bìa cứng, chai nhựa, vỏ lon, xoong nồi cũ... sẽ được quy đổi sang giá tiền niêm yết để mua lương thực, thực phẩm tại những gian hàng này. Với những ý nghĩa thiết thực đó, ngay từ những ngày đầu vận hành, mô hình “đổi rác lấy thực phẩm sạch” đã thu hút được sự quan tâm của nhiều người.

Mô hình thực sự có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay, khi vấn đề ô nhiễm trắng đang là thách thức đối với tất cả các nước, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình, trước tiên nên triển khai thử nghiệm, có đánh giá ưu và hạn chế của mô hình, từ đó đưa ra các quyết định phù hợp. 

(TS Thái Thị Thanh Minh, Giảng viên Đại học Tài nguyên và Môi trường)

Cần nhân rộng mô hình

Là một trong nhiều người dân thường xuyên đến cửa hàng số 3 Văn Miếu,  Quốc Tử Giám đổi những vật dụng đã cũ như ấm, chảo, chai nhựa, ông Nguyễn Hào ở phố Tôn Đức Thắng cho biết: Sự xuất hiện của các cửa hàng “đổi rác lấy thực phẩm sạch” là cách làm mang nhiều ý nghĩa thiết thực, nhất là trong những ngày dịch bệnh, chai nhựa, bìa, giấy cũ bỏ đi, đồng nát thì không tìm thấy, không bỏ thì chật nhà, mà bỏ ra ngoài đường xe rác hốt cả thì gây ô nhiễm môi trường. “Môi trường sống đang bị đe dọa bởi thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa. Sự xuất hiện của mô hình “đổi rác lấy thực phẩm sạch” góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân chúng tôi, bởi nó từ cách làm này giúp chúng tôi luôn có suy nghĩ rác còn là tiền, có thể đổi lấy lương thực, thực phẩm, từ đây cũng hình thành thói quen, ý thức phân loại rác cho mỗi cá nhân, gia đình.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Ngọc Tuấn, quản lý gian hàng “đổi rác lấy thực phẩm” tại số 3 Văn Miếu, Quốc Tử Giám cũng cho biết: từ thực tế trong lúc dịch bệnh khó tìm được người thu mua phế liệu, mô hình “đổi rác lấy thực phẩm sạch” của Công ty E và C vừa giúp người dân có ý thức phân loại rác thải, dọn dẹp nhà cửa, vừa có thể mua được thực phẩm an toàn. Thời gian đầu khi mô hình mới triển khai, nhiều người còn bỡ ngỡ, nhưng đến nay mọi người đã quen dần với mô hình và nhiệt tình hưởng ứng. Trung bình mỗi ngày cửa hàng số 3 Văn Miếu thu được từ 250kg rác, chủ yếu từ các chai lọ nhựa và thùng bìa. Thay vì đi chợ dân sinh để mua đồ thì người dân có thể thu gom rác thải trong chính ngôi nhà của mình để đổi lấy thực phẩm tại các gian hàng “đổi rác lấy thực phẩm sạch”.

Rõ ràng, việc triển khai mô hình đổi rác lấy thực phẩm sạch được triển khai trên một số quận, huyện của Hà Nội đã và đang dần đạt được mục tiêu kép góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường nói chung, ô nhiễm “ trắng” nói riêng. Đồng thời hỗ trợ tiêu thụ nông sản, giúp người dân tiếp cận được với những thực phẩm tươi ngon, bảo đảm chất lượng an toàn trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Với những ý nghĩa thiết thực đó, mô hình đổi rác lấy thực phẩm, đổi rác lấy sữa sẽ được nhân rộng trong thời gian tới bằng nhiều hình thức phong phú để tiếp tục lan truyền thông điệp chung tay bảo vệ môi trường tới cộng đồng xã hội nhằm góp phần tạo thói quen lâu dài cho người dân trong việc phân loại rác thải sinh hoạt trong gia đình theo đúng quy định. Dẫu vậy, theo đại diện Công ty E và C - đơn vị triển khai mô hình cho biết: Muốn làm được việc này, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ và ủng hộ của các cấp chính quyền, sự liên kết chặt chẽ của các đơn vị thu mua, tái chế rác.

Hải Thanh