Kỳ họp Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu lần thứ 6

Hành động vì một hành tinh đáng sống hơn

- Thứ Năm, 28/06/2018, 09:21 - Chia sẻ
Hôm qua, Kỳ họp Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu lần thứ 6 (GEF 6) đã khai mạc tại Cung hội nghị quốc tế Ariyana Đà Nẵng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và gửi đi thông điệp mạnh mẽ: “Việt Nam sẵn sàng đồng hành vì sự phát triển bền vững cho thế hệ hiện tại và các thế hệ tương lai”.

Khẳng định vị thế, vai trò

Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) được thành lập năm 1991 nhằm giải quyết các vấn đề môi trường nóng trên phạm vi toàn cầu. Trong chu kỳ 6 của GEF, Việt Nam được phân bổ hơn 26 triệu USD cho 3 lĩnh vực: Biến đổi khí hậu (hơn 11 triệu USD), suy thoái đất (hơn 1,5 triệu USD) và đa dạng sinh học (hơn 13 triệu USD). Đến hết năm 2016, Văn phòng GEF Việt Nam đã đồng thuận 15 dự án với số kinh phí trong hệ thống phân bổ nguồn lực minh bạch (STAR) là 24,6 triệu USD, trong đó GEF toàn cầu đã đồng thuận 6 dự án với tổng số kinh phí trong STAR là hơn 18,8 triệu USD. Ngoài ra, trong chu kỳ này, GEF còn tài trợ cho Việt Nam gần 15 triệu USD đối với các lĩnh vực: Hóa chất và chất thải, các vùng nước quốc tế, quản lý rừng bền vững, các cách tiếp cận tổng hợp.

Trải qua 5 nhiệm kỳ, GEF đã và đang chủ động, tích cực triển khai các chính sách đổi mới như xây dựng các dự án hiệu quả. Giám đốc điều hành, kiêm Chủ tịch GEF Naoko Ishii nhấn mạnh: Kỳ họp lần này là cơ hội để thế giới chung tay kiến tạo nên một hành tinh an toàn hơn, bảo đảm hơn và đáng sống hơn. “Kịch bản phát triển thông thường sẽ tạo ra thảm họa và thay đổi mang tính gia tăng sẽ không bao giờ đủ. Giải pháp duy nhất chính là quá trình chuyển đổi. Chúng ta phải thay đổi hệ thống lương thực, đô thị, năng lượng và chuyển đổi thành nền kinh tế tuần hoàn. Chúng ta phải hành động ngay bây giờ, tất cả các quốc gia, tổ chức phải nỗ lực hơn nữa để cùng nhau chuyển đổi sang hệ sinh thái bền vững hơn. Đó chính là những gì GEF mong muốn”, bà Naoko Ishii cho hay.

Kể từ khi thành lập, GEF đã viện trợ 14,5 tỷ USD và huy động thêm 75,4 tỷ USD cho gần 4.000 dự án về môi trường. Đã có gần 30 quốc gia cam kết dành 4,1 tỷ USD cho chu kỳ 7 của GEF (GEF7) nhằm bảo vệ tốt hơn nữa tương lai của hành tinh và sức khỏe con người. Cho đến nay, GEF Việt Nam đã vận động tài trợ được 153 triệu USD để thực hiện 56 dự án về môi trường trong nhiều ngành, lĩnh vực và tại nhiều địa phương. Ngoài ra, Việt Nam đã tham gia thực hiện 47 dự án khu vực và toàn cầu của GEF với tổng số tài trợ là 318 triệu USD. Hỗ trợ của GEF đã và đang đóng góp quan trọng và tích cực trong giải quyết các vấn đề môi trường ở Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu tại phiên họp GEF 6

Việt Nam - địa điểm thuận lợi để thực hiện dự án mới

Phát biểu tại Phiên họp toàn thể, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc trong gần ba thập kỷ kể từ khi thành lập đến nay, Quỹ Môi trường toàn cầu đã góp phần quan trọng giải quyết các thách thức to lớn về môi trường, biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là sự hỗ trợ của GEF dành cho các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay: Việt Nam phải đối mặt với nhiều vấn đề về suy thoái, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Mặc dù còn nhiều khó khăn, hạn chế về nguồn lực, Chính phủ Việt Nam đã kiên quyết triển khai lồng ghép các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, huy động nguồn lực, sự sáng tạo, chung tay của cả cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Kiên quyết không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, làm ảnh hưởng tới phát triển bền vững. Trên thực tế, Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (SDGs 2030), cam kết tại COP-21 về biến đổi khí hậu. Tại Hội nghị G7 mở rộng tại Canada ngày 9.6.2018, Việt Nam đánh giá cao vai trò quan trọng, sự hợp tác hiệu quả của Quỹ Môi trường toàn cầu và sẽ cùng Quỹ thực hiện dự án vùng, vì một đại dương không có rác thải nhựa.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn Việt Nam tiếp tục nhận được nhiều hơn nữa sự tư vấn, hợp tác, hỗ trợ nguồn lực quý báu của các nước. Thủ tướng khẳng định: Việt Nam là địa điểm thuận lợi để GEF thực hiện các dự án mới về bảo vệ môi trường và sẵn sàng tham gia các dự án toàn cầu, liên vùng, liên lĩnh vực, nhằm chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm xử lý các vấn đề môi trường toàn cầu như rác thải nhựa đại dương, bảo tồn đa dạng sinh học. “Liệu hành tinh của chúng ta có đủ sức chống chịu trước những rủi ro thiên tai ? Tương lai của nhân loại có bền vững hay không? Các châu lục có còn tràn đầy sức sống hay không? Câu trả lời phụ thuộc vào chính mỗi người chúng ta, tùy thuộc vào hành động của chúng ta ngay từ hôm nay, vì một hành tinh có sức chống chịu tốt, bền vững và tràn đầy sức sống. Việt Nam sẵn sàng đồng hành cùng quý vị vì sự phát triển bền vững cho thế hệ hiện tại và các thế hệ tương lai”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.  

CHÍ TUẤN