Hành lang pháp lý chưa hoàn thiện?

- Chủ Nhật, 01/08/2021, 09:32 - Chia sẻ
Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng của Quốc hội và Quyết định 1058 của Thủ tướng Chính phủ đã tạo ra những dấu ấn rõ nét và chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng. Đặc biệt, việc hình thành sàn giao dịch mua bán nợ đã được đề cập tới nhưng vì nhiều lý do, việc thành lập chưa thực hiện được.

Theo đánh giá của đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, việc thành lập sàn giao dịch nợ sẽ thúc đẩy, phát triển thị trường mua bán nợ xấu tại Việt Nam. Khi đã hình thành thị trường mua bán nợ tập trung và có sự tham gia của các thành phần kinh tế sẽ tăng tính thanh khoản của thị trường mua bán nợ, thu hút nhiều nhà đầu tư cũng như dòng vốn trên thị trường.

Về nguồn cung hàng hóa - nợ xấu, theo nhận định của Ngân hàng Nhà nước và của Công ty quản lý tài sản (VAMC) là rất "dồi dào", với lượng hàng hóa tối thiểu lên tới 3.000 tỷ đồng - ngay khi thị trường hình thành. Ngoài ra, báo cáo tài chính quý I.2021 cũng cho thấy nhiều ngân hàng có nợ xấu tăng mạnh, chưa kể một lượng lớn nợ xấu tại VAMC, bởi vậy nguồn cung là điều không cần phải tính tới. Vậy nên cái chính vẫn là hành lang pháp lý cho hoạt động này như thế nào?

Trong một báo cáo mới đây, Bộ Tài chính đã nêu nhiều tồn tại, hạn chế về khuôn khổ pháp lý của hoạt động mua bán nợ. Cụ thể, chính sách, khuôn khổ pháp lý quy định điều chỉnh hoạt động của các chủ thể tham gia thị trường mua bán nợ chưa hoàn chỉnh, đồng bộ mà rải rác tại các văn bản. Bởi vậy mỗi nhóm đối tượng có các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau điều chỉnh hoạt động mua bán nợ nên quyền và nghĩa vụ cũng khác nhau dẫn đến trong quá trình hoạt động, các chủ thể này cũng có những tồn tại, hạn chế nhất định.

Bên cạnh đó, là việc Bộ luật Dân sự năm 2015 đã bỏ quyền thu giữ tài sản bảo đảm của bên nhận bảo đảm, cụ thể bên nhận bảo đảm không thể chủ động thu giữ tài sản bảo đảm khi các chủ tài sản không đồng thuận, cố tình chống đối, thậm chí tạo ra các tranh chấp khác liên quan đến tài sản bảo đảm để khởi kiện ra tòa nhằm kéo dài thời gian xử lý. Ngoài ra còn là việc mua nợ hiện vẫn chỉ thực hiện chủ yếu thông qua phương thức hợp đồng, tức bên mua nợ và bên bán nợ ký kết hợp đồng chuyển giao quyền và nghĩa vụ đối với một hoặc một số khoản nợ cụ thể. Ngoài phương thức này, hiện chưa có cơ chế chuyển các khoản nợ thành một loại hàng hoá có thể chuyển nhượng, giao dịch dễ dàng.

Vậy nên cho dù VAMC đã được Ngân hàng Nhà nước đồng ý xây dựng sàn giao dịch nợ xấu, dự kiến ra mắt vào đầu quý III/2021 nhưng thực tế để có một thị trường mua bán nợ chính thức còn rất nhiều vướng mắc. Ví dụ như việc Nghị quyết 42 chỉ còn hiệu lực hơn một năm nữa - đồng nghĩa với việc hành lang pháp lý để xử lý nợ xấu sẽ càng "hẹp" hơn. Ngoài ra, các nghiệp vụ phái sinh cho khoản nợ xấu trong đó có chứng khoán hóa chưa có nên dù sàn có được thành lập cũng sẽ dẫn đến thiếu nhà đầu tư có năng lực, thiếu tính thanh khoản của các khoản nợ, làm giảm tính hấp dẫn, giá trị và nguồn lực để xử lý các khoản nợ, khiến quá trình mua bán nợ theo giá thị trường càng khó khăn.

Nợ xấu của các ngân hàng và các tổ chức tín dụng luôn phát sinh bởi nhiều nguyên nhân. Bởi vậy, việc ban hành khung pháp lý hoàn chỉnh, vững chắc về xử lý nợ xấu cũng như việc hình thành thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp không chỉ giúp ngân hàng xử lý nhanh nợ xấu mà còn là cơ sở để các nhà đầu tư yên tâm khi tham gia thị trường.

Ninh Hà