Hành trình kết nối người yêu sách

- Thứ Bảy, 27/02/2021, 07:46 - Chia sẻ
Tại các nhà văn hóa, trường học, bệnh viện, ký túc xá… ở cả thành thị và nông thôn, những điểm đọc sách dần được mở ra miễn phí, nhân rộng. Từ sự kết nối của người yêu sách các tỉnh, thành phố, 45 cơ sở đã được dự án Điểm đọc Việt Nam xây dựng từ tháng 7.2018 đến nay, với mong muốn lan tỏa văn hóa đọc.

Một sách cho đi - Triệu sách điểm lại

Điểm đọc Đông Tây, số 16, ngõ 248 Hoàng Ngân, Hà Nội, vừa được khai trương cuối tháng 1.2021, thu hút đông đảo người dân xung quanh đến đọc sách tại chỗ miễn phí, chọn mua sách ở phiên chợ sách Đông Tây (với các hoạt động bán hàng gây quỹ cho Điểm đọc). Đây là một trong các Điểm đọc đã được mở ra trên các tỉnh, thành phố, và là mô hình café - sách đầu tiên của dự án.

	Không gian sách dần lan tỏa tại các tỉnh, thành - Ảnh: Điểm đọc Việt Nam
Không gian sách dần lan tỏa tại các tỉnh, thành
Ảnh: Điểm đọc Việt Nam

“Trừ sách giáo khoa và sách tham khảo thì tỷ lệ đọc sách của người Việt là 1 quyển/năm/người. Khi tôi và bạn có thể vẫn dành thời gian cho sách thì ngoài kia còn rất nhiều người không thể cầm nổi trên tay một cuốn sách để đọc và hoàn thành nó vì vô vàn lý do. Tôi cũng như các bạn. Tôi có một ước mơ, ước mơ đó đẹp như bao con người khác. Ước mơ về... Một ngày, khắp nơi, từ trẻ chăn trâu cho tới người giàu sang phú quý, nhờ sách mà trở thành bạn bè tâm giao tri kỷ. Một ngày, ai ai cũng tìm ra cuốn sách đầu tiên mà bản thân thuộc về. Để từ đó khơi nguồn cảm hứng đọc sách cho đến mãi sau này. Một ngày mà ở khắp mọi miền Tổ quốc đều có một tủ sách dùng chung hoạt động từ năm này qua năm khác với số lượng sách tăng đều. Một ngày hình ảnh người đọc sách là hình ảnh đời thường bình dị nhất của người Việt, tạo nên văn hóa cho một nền tri thức mới…” - Cao Thị Sao Mai chia sẻ. Đó cũng là lý do cô kêu gọi kết nối người yêu sách trên các tỉnh, thành phố, để cùng xây nên các Điểm đọc miễn phí, đem sách đến tay người cần, tạo không gian cho "mọt sách" giao lưu và lan tỏa văn hóa đọc.

Ý tưởng này được Sao Mai ấp ủ từ khi là sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. “Khi ấy, tôi viết bài thông qua các group sách, không ngờ lại được hưởng ứng mạnh mẽ, nhiều bạn ở các tỉnh kết nối. Và từ việc hướng dẫn xây dựng, vận hành, Điểm đọc đầu tiên ở Đắk Nông đã ra đời, dù còn khá đơn sơ, nhưng đã đưa sách tới người dân nơi đây” - Sao Mai kể.

Từ đó tới nay, các điểm đọc cứ thế dần mở ra. Năm 2020 - 2021, dù ảnh hưởng nhiều của dịch Covid-19, nhưng các điểm đọc vẫn ngày một nhiều. Vừa qua Điểm đọc được mở tại Trường THPT Chương Mỹ B (Hà Nội), mang sách và tinh thần khuyến đọc đến với thầy cô và các em học sinh; hay Điểm đọc CT18, tòa Happy House Garden, Long Biên, Hà Nội, tạo không gian cho sách tại nhà cộng đồng ở khu dân cư…

Cộng hưởng nhiệt huyết

Các Điểm đọc tại nhà văn hóa, trường học, bệnh viện, ký túc xá, làng trẻ, trại giam… đã được mở ra, vận hành, từ nỗ lực của người yêu sách ở các tỉnh, thành phố. Nếu ở các nhà văn hóa, việc quản lý, duy trì còn gặp nhiều khó khăn, thì ở các trường học, dự án dễ thực hiện hơn vì có Ban giam hiệu, thầy cô đồng hành, mỗi lớp 50 - 100 cuốn sách, các lớp trao đổi lẫn nhau, tạo nguồn sách dồi dào cho học sinh.

“Đối với dự án cộng đồng như Điểm đọc, có rất nhiều khó khăn, nhưng phụ thuộc phần lớn vào người có đủ tâm huyết” - Sao Mai chia sẻ. Tài chính cũng là một khó khăn lớn, khi để có Điểm đọc, các thành viên phải tự thân vận động chi phí, nguồn sách, vận hành hoàn toàn miễn phí. Bởi vậy, đã có người bỏ cuộc sau một thời gian, nhưng cũng có nhiều người tìm đến và gắn bó.

Đáng chú ý là các thành viên của Điểm đọc Việt Nam đều rất trẻ và là những người yêu sách, mong muốn có thể lan rộng tri thức tới được nhiều người, ở nhiều nơi. Nguyễn Hằng, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, tham gia và gắn bó với dự án cho biết: “Dự án kêu gọi mọi người không có tiền hãy góp sách. Nếu không góp sách hãy góp sức. Nếu không góp sức hãy chia sẻ… Tôi cảm nhận là dự án trên tinh thần tối ưu những gì đang có, hiện tại kinh phí chưa nhiều thì mọi người góp sức tham gia các hoạt động để gây quỹ, kết nối những người yêu sách”.

Nhằm lan tỏa văn hóa đọc, Điểm đọc Việt Nam cũng tạo mô hình có tính nhân bản cao, có những nơi không nhất thiết lấy tên Điểm đọc, nhưng dự án vẫn đồng hành hỗ trợ xây dựng tủ sách hiệu quả, với mục tiêu là đưa sách đến mọi người nhiều hơn. Không chỉ thành lập các nhóm yêu sách, xây dựng thư viện miễn phí, tủ sách trên khắp cả nước, dự án còn triển khai các lớp đào tạo Đại sứ văn hóa đọc nhằm lan tỏa sự hiểu biết về khuyến đọc đến với những ai đang trăn trở về nó; tổ chức chuỗi sự kiện, tọa đàm và các lớp học cộng đồng thông qua Điểm đọc tự học… “Khơi nguồn đọc sách - Kết nối yêu thương - Lan tỏa tri thức” là những điều mà dự án hướng tới.

Từ thành công ban đầu, kết nối vẫn đang được mở rộng. Những lá thư từ mọi miền được gửi tới nói về sách và mong muốn đọc sách đã trở thành niềm động viên để Sao Mai và các thành viên của dự án tiếp bước. Mới đây, một bức thư đầy tình cảm được gửi từ trại giam Thanh Lâm (Thanh Hóa) tới cho Sao Mai, bày tỏ niềm mong muốn được đọc sách để chuyển hóa thân tâm, cùng nhau trau dồi kiến thức và làm những việc tốt. Khi biết đến Điểm đọc Việt Nam, họ có nguyện vọng được chia sẻ kinh nghiệm để mọi người có thêm tư duy rộng mở, cách đọc sách hiệu quả, cũng như mong muốn được bổ sung sách vào trại giam… Từ tâm nguyện của họ, dự án đã kêu gọi quyên góp sách cho nơi đây.

“Việt Nam còn quá ít thư viện, ở vùng sâu, vùng xa lại càng thiếu. Nếu đến thời điểm nào đó mà đi tới đâu cũng bắt gặp người đọc sách, mọi người tự thấy rằng mỗi gia đình đều cần có tủ sách và tự xây dựng thì dự án đã hoàn thành sứ mệnh của mình” - Sao Mai trăn trở khi nói về dự định sắp tới.

Thảo Nguyên