Hậu Giang xây dựng cụm liên kết ngành trong nông nghiệp

- Thứ Ba, 28/09/2021, 04:40 - Chia sẻ
Ngày 27.9 tại buổi làm việc với tỉnh Hậu Giang, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đề nghị tỉnh Hậu Giang nên xây dựng cụm liên kết ngành trong nông nghiệp, thay vì xây dựng khu, cụm công nghiệp độc lập như hiện nay.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, trong phát triển nông nghiệp, Hậu Giang cần có tư duy tích hợp các sản phẩm vào để sản xuất. Theo đó, tỉnh có thể xây dựng các cụm liên kết công nông nghiệp. Từ đó, gắn kết chặt chẽ giữa nông nghiệp và công nghiệp; nông nghiệp và dịch vụ bằng các mô hình cụm liên kết ngành trong nông nghiệp, kể cả du lịch nông nghiệp nông thôn.

“Trong thời gian tới, tỉnh phát triển nông nghiệp không chỉ đơn thuần là phát triển kỹ thuật mà tích hợp nhiều giá trị vào nông nghiệp như văn hóa, du lịch, cộng đồng. Đồng thời, ngành nông nghiệp sẽ đổi mới trong công tác khuyến nông thay vì thực hiện từ tỉnh xuống huyện, từ huyện xuống xã thì sẽ hình thành khuyến nông từ cộng đồng, từ các hộ nông dân với nhau và kết hợp khuyến nông doanh nghiệp. Song song đó, tỉnh phát huy sự thống nhất giữa các cấp và có chính sách nhất quán, đồng bộ từ trên xuống để cùng doanh nghiệp, nông dân gắn kết thành một khối phát triển bền vững, mạnh mẽ hơn” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay.

Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành cho biết, trong thời gian tới tỉnh xác định nông nghiệp sẽ chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, xem chất lượng, giá trị là mục tiêu phát triển. Hậu Giang đề ra phát triển nông nghiệp của tỉnh phải có định hướng, có quy hoạch để tối ưu hóa giá trị. Vì vậy, địa phương sẽ tập trung quy hoạch diện tích cây trồng vật nuôi phù hợp thị trường; đầu tư hạ tầng nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn, hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Tỉnh Hậu Giang xác định trong thời gian tới đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, trên cơ sở xây dựng bản đồ thổ nhưỡng và quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu từng địa bàn. Theo đó, chuyển đổi một phần đất trồng lúa sang cây trồng khác có hiệu quả cao hơn hoặc làm đất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn.

Đồng thời, tỉnh xác định rõ vị trí, vai trò và nhiệm vụ của tỉnh Hậu Giang trong quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long để kết nối trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, thủy sản và phát triển các dịch vụ hỗ trợ, hậu cần phục vụ nông nghiệp.

Song song đó, tỉnh tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn kết sản xuất theo chuỗi và nhân rộng mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Cụ thể tỉnh sẽ hỗ trợ khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, hợp tác xã nông nghiệp và các tổ hợp tác. Cũng như phát triển thị trường, thương hiệu nông sản, thúc đẩy tiêu thụ đối với các sản phẩm chủ lực có tiềm năng; phát triển dịch vụ và hạ tầng logistic phục vụ nông nghiệp.

Duy Khương