Hầu hết chỉ tiêu ngành xây dựng đều đạt và vượt kế hoạch

- Thứ Bảy, 18/12/2021, 17:06 - Chia sẻ
Sáng 18.12, Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị tổng kết thực hiện nhiệm vụ năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ghi nhận ngành xây dựng duy trì được tốc độ tăng trưởng, giá trị sản xuất toàn ngành vẫn tăng so với năm 2020. Trong điều kiện dịch bệnh ảnh hưởng lớn nhưng hầu hết các chỉ tiêu quản lý ngành đều đạt và vượt kế hoạch.

Giá trị tăng thêm tăng 0,2 - 0,5%

Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, đại dịch Covid-19 đã tác động nặng nề đến các lĩnh vực của ngành. Tuy nhiên, từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid - 19”, kinh tế Việt Nam đã có bước chuyển biến tích cực, trong đó có ngành xây dựng.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành dự; lãnh đạo Bộ Xây dựng chủ trì hội nghị.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành dự; lãnh đạo Bộ Xây dựng chủ trì hội nghị

Cụ thể, giá trị tăng thêm ngành xây dựng ước quý IV.2021 tăng 33% so với quý III.2021, trong đó, hoạt động xây dựng chuyên dụng ước tăng 51%, xây dựng công trình kỹ thuật dận dụng ước tăng 39%, xây dựng nhà ở các loại ước tăng 25%.

“Mặc dù tăng trưởng khá trong quý IV nhưng các tháng đầu năm bị ảnh hưởng do dịch bệnh nên nhìn chung giá trị tăng thêm ngành xây dựng năm 2021 ước thực hiện tăng 0,2 - 0,5% so với năm 2020, đây là một kết quả khá tích cực”, Thứ trưởng Lê Quang Hùng cho biết.

Về công tác tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh những lĩnh vực bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Bộ Xây dựng đã kiểm tra công trường xây dựng bệnh viện dã chiến, địa phương có dịch, cơ sở hỏa táng, cơ sở cách ly, thu dung, cơ sở chữa bệnh nhân Covid-19 tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An...; xây dựng và ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các địa phương về công tác phòng chống, dịch trên công trường xây dựng trong dịch bệnh.

Bên cạnh đó, Bộ đã trình Chính phủ ban hành các Nghị định góp phần để giải quyết các bất cập, đẩy nhanh trình tự, thủ tục triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng, bất động sản, hỗ trợ phát triển thị trường bất động sản với mục đích cân đối cung cầu, cân đối cơ cấu sản phẩm bất động sản trên thị trường để hạn chế tình trạng đầu cơ.

Năm 2022, ngành xây dựng phấn đấu, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất xây dựng ước 4,96 - 5,56%. Diện tích nhà ở bình quân cả nước phấn đấu đạt 25,5 m2/người. Tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt 41,5 - 42%.

Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại hội nghị.
Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại hội nghị

“Lấy quyết tâm mới, nỗ lực mới thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, đoàn kết, thống nhất đi đôi với siết chặt kỷ cương, kỷ luật công tác, đạo đức công vụ, nâng cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới tư duy, không được bảo thủ, trì trệ, tận tụy với công việc để hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ công tác năm 2022 của ngành xây dựng”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nêu rõ.

Theo đó, Bộ tập trung thực hiện 3 khâu đột phá của ngành xây dựng: Hoàn thiện thể chế pháp luật về xây dựng để tăng cường công tác quản lý nhà nước đồng thời tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, phân cấp mạnh cho địa phương; tập trung cho công tác quy hoạch, quản lý phát triển đô thị; đẩy mạnh công tác quản lý phát triển nhà ở, thị trường bất động sản.

Lập và quản lý quy hoạch là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ghi nhận, ngành xây dựng tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng, giá trị sản xuất toàn ngành vẫn tăng so với năm 2020. Trong điều kiện dịch bệnh ảnh hưởng lớn nhưng hầu hết các chỉ tiêu quản lý ngành đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Công tác xây dựng thể chế được tập trung thực hiện và đạt được kết quả nổi bật. Qua thống kê, số lượng hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính gửi về cơ quan chuyên môn về xây dựng của Bộ Xây dựng xử lý giảm qua từng năm và đã giảm mạnh vào năm 2021 (chỉ bằng 50% so với năm 2020) cho thấy các giải pháp phân cấp phân quyền đã phát huy hiệu quả, tạo sự chủ động cho các địa phương.

Các hoạt động quy hoạch - kiến trúc và quản lý phát triển đô thị tiếp tục được quan tâm, thực hiện có hiệu quả. Công tác quản lý đầu tư xây dựng có những chuyển biến quan trọng; chất lượng công trình cơ bản được kiểm soát, đảm bảo an toàn công trình.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng các cá nhân, tập thể đạt thành tích xuất sắc của ngành xây dựng.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng các cá nhân, tập thể đạt thành tích xuất sắc của ngành xây dựng

Bộ Xây dựng đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương theo dõi, kiểm soát chặt chẽ diễn biến thị trường bất động sản, nhất là những thời điểm thị trường bất động sản có biến động bất thường; chủ động đề xuất với Chính phủ và triển khai các giải pháp góp phần duy trì sự ổn định và tăng trưởng của thị trường bất động sản.

Phó Thủ tướng đề nghị năm 2022, Bộ Xây dựng cần tập trung cải cách hành chính, rà soát, sửa đổi các thủ tục trong các văn bản hành chính; tổ chức lập và quản lý các quy hoạch. “Những quy hoạch có chất lượng, bảo đảm tầm nhìn sẽ mở ra không gian và định hướng phát triển cho từng ngành, từng địa phương cũng như cả nước. Cùng với việc phê duyệt quy hoạch cần phải kiểm soát tốt quá trình quản lý thực hiện theo quy hoạch, đặc biệt là việc điều chỉnh quy hoạch phải hết sức thận trọng”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Cùng với đó, ngành xây dựng cần quan tâm tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm trong thực hiện quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng (xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch), nhất là tại các đô thị và khu vực phát triển mới, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp,…

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030. Coi việc giải quyết nhu cầu về nhà ở cho nhân dân, trước hết là nhà ở cho người có công, người nghèo, công nhân trong các khu công nghiệp - cụm công nghiệp là một trụ cột của chính sách an sinh xã hội.

Ước một số chỉ tiêu cơ bản ngành xây dựng năm 2021

- Giá trị tăng thêm dự kiến tăng 0,2 - 0,5% so với cùng kỳ năm 2020

- Chỉ số giá xây dựng tăng 4,34% so với cùng kỳ năm 2020

- Chỉ số giá giao dịch một số loại bất động sản so với cùng năm trước tăng khoảng 3,1% .

- Diện tích nhà ở bình quân cả nước ước đạt 25 m2/người.

- Về vật liệu xây dựng: Ước tính sản lượng tiêu thụ một số vật liệu xây dựng chủ yếu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020 như sau: Xi măng tiêu thụ ước đạt 105,6 triệu tấn, tăng khoảng 2%; Kính xây dựng 186 triệu m2, tăng 24%; Sứ vệ sinh  16 triệu sản phẩm, tăng 7%; Đá ốp lát 17 triệu m2, giảm 10%; Gạch ốp lát 440 triệu m2, giảm 13%; Vôi công nghiệp 2,3 triệu tấn, giảm 8%; Tấm lợp amimăng 36 triệu m2, giảm 20%; Gạch nung 18,4 tỷ viên, giảm 26%; Gạch không nung 3,35 tỷ viên, giảm 33%.

- Tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc năm 2021 ước đạt 40,5%.

- Tỷ lệ dân cư khu vực thành thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung ước đạt 92% (tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020).

- Tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch giảm còn 17,2% (giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2020).

H.Lan