Câu chuyện đại biểu

Hãy để dã quỳ trong veo như màu của nắng

- Thứ Hai, 30/11/2020, 07:13 - Chia sẻ
Có lẽ, cái sâu xa nhất mà đại biểu và chính bản thân mỗi người dân Tây Nguyên lo lắng đó chính là cái chất Tây Nguyên đang nhạt nhòa trong tim một số người. Làm thế nào để giữ mãi được nét trong veo của dã quỳ như màu của nắng?

Tháng 11 của Tây Nguyên, tháng của những ngày núi lạnh, tháng của sắc vàng rực rỡ của nắng của dã quỳ - loài hoa vàng tươi, trong veo như màu của nắng. Câu chuyện của nữ ĐBQH Ksor H’Bơ Khăp - người con gái của núi rừng Tây Nguyên đã thôi thúc tôi tìm về những rừng cao su bạt ngàn, chìm đắm trong cái hoang dại, ngút ngàn của dã quỳ.

Một góc hồ Ea Kao, xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk
Ảnh: Bình Nguyên

Thoáng đãng, mộc mạc...

Sau bao nhiêu năm tôi mới có dịp thả bộ dọc các con phố ngập nắng. Cũng con đường quen thuộc dẫn ra ngã 6 nơi có tượng đài chiến thắng Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk tôi đi ngược lên cây số 3, ngắm nhìn những tòa nhà cao lớn, những hàng cây xòe tán rộng.

Điều khiến tôi ngạc nhiên khi trở lại mảnh đất này ngoài phố xá vươn mình trong sắc nắng ban mai, đó là hình ảnh những cụm đèn tín hiệu giao thông. Đất rộng, đường to nên cột đèn cao hơn nhưng đèn tín hiệu lại không to như ở miền Trung và miền Bắc. Những chiếc đèn xanh đỏ vàng nhỏ xinh, dễ thương nổi bật trên những gam màu đủ màu sắc của thủ phủ cà phê khiến cho khách phương xa có dịp dừng chân cũng thấy ấn tượng. Cuộc sống đổi thay nhưng cái chất, cái hồn của người Tây Nguyên thoáng đãng, mộc mạc ít nhiều vẫn không thay đổi.

Đến Buôn Ma Thuột, bạn rất dễ tìm được những điểm dừng chân lý thú. Ngoài thả bộ trên những con phố rợp bóng những hàng cây gỗ quý, cây cảnh đặc trưng của Tây Nguyên, bạn cũng có thể ngồi lại một góc quán nhỏ, thưởng thức hương vị cà phê nguyên chất thơm lừng, ngất ngây. Vào buổi tối, tha hồ thưởng thức các món ăn ngon, pha trộn nhiều vùng miền quy tụ về đây. Ngắm nghía phố thị về chiều thì đúng là thời khắc tuyệt vời cho những lữ khách đa tình.

Không chỉ giàu mà còn đẹp mãi

Thu mình trong góc quán nhỏ, nhìn xuống thủ phủ cà phê buồn man mác, có cái gì đó gợi nỗi nuối tiếc trái ngược với lầu cao, gác tía, xe cộ ngược xuôi… Một cậu bé ăn mặc gọn gàng, lịch thiệp, tầm 9 tuổi chìa ra trước mắt tôi 1 khay đựng mấy túi cóc và đậu phộng luộc (lạc luộc) mời tôi mua. Tôi đưa cho cậu một ít tiền và từ chối mua nhưng cậu bé trả lại tôi tiền và khăng khăng: Con lấy tiền mẹ con mắng. Dì phải mua cho con. Nó nói như ra lệnh cho tôi và mắt rơm rớm. Miễn cưỡng tôi lấy 1 túi đậu phộng nhỏ nhỏ với giá 20 nghìn đồng cậu bé đưa ra. Nó giật tiền, cười mỉm và chạy đi rất nhanh sang bàn khác mặc cho tôi tròn mắt ngạc nhiên. Cô bé bán trà sữa cười bảo: “Có bài cả rồi chị ạ. Học không lo học, ba mẹ đã bày cách đi kiếm tiền kiểu đó. Cũng thương nhưng cũng thấy sao sao ý”. Tự nhiên thấy buồn. Một nỗi buồn tiếc xâm chiếm đưa tôi đến cảm giác thất vọng.

Tối lang thang dọc quán cháo sườn, đường phố nhộn nhịp trong ánh đèn huyền ảo. Chị chủ quán thoăn thoắt tiếp đãi khách còn mấy đứa nhỏ mỗi đứa ôm 1 cái điện thoại, ipad thi nhau đánh bùm chéo… Có vẻ như người lớn bận quá nên giao nhiệm vụ quản trẻ cho mấy công cụ thông minh này…

Ngày mới, theo con đường Y Wang về với xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột, tôi ngạc nhiên hơn bởi nơi này nay đã khác xưa, tốc độ đô thị hóa dường như đã thay áo mới hoàn toàn cho cả xã. Đường về nhựa thảm mượt như nhung, hai bên đường hàng quán tấp nập, chợ cũng mọc lan dài trước cả cổng trường mầm non mặc dù có biển cấm họp chợ ở nơi này. Cô em dẫn đường bảo tôi chính quyền tuyên truyền, thậm chí ra yêu cầu chấm dứt nhưng được vài bữa lại đâu vào đấy… Rồi nó kể đã có dự án phát triển khu du lịch hồ Ea Kao, chính là cái hồ ngày xưa chị em tôi từng ra đây câu cá, thả diều, cái hồ tự nhiên lớn nằm trong khu vực xã Ea Kao - nơi cung cấp dòng nước ngọt lành nuôi dưỡng bạt ngàn cà phê, hồ tiêu cho vùng quê trù phú, cái hồ được cho là không bao giờ cạn nước. Tôi hốt hoảng: Thế họ có biến hồ thành nơi du ngoạn, chèo thuyền không? Cô em bảo theo cam kết thì giữ nguyên trạng. Tôi thở phào nhưng vẫn thấy lo lo.

Mấy ngày lang thang các nẻo phố, đi giữa bạt ngàn sắc vàng của dã quỳ, lắng nghe câu chuyện tình buồn thương làm nên truyền thuyết của màu hoa hoang dã…. Nhưng tôi tìm mãi, tìm hoài không thấy cái nguyên sơ trong veo của dã quỳ năm nào nữa. Có cái gì đang trở mình nơi mảnh đất Tây Nguyên giàu đẹp, nơi chứa nhiều cái “tự nhiên” nhất và cũng là cái mà tôi tự hào nhất đối với quê hương thứ hai của mình. Chẳng trách trong bài tranh luận từ trái tim của nữ ĐBQH của núi rừng Tây Nguyên lại có cái gì đó dữ dội và đanh thép, dám nói lên những bức xúc của người dân trước thực trạng sạt lở đất, để mất rừng và biến đổi khí hậu toàn cầu khiến cho thiên tai, lũ lụt xuất hiện với tần suất ngày càng dày hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng và tài sản của Nhân dân.

Và có lẽ cái sâu xa nhất mà đại biểu lo ngại và chính bản thân mỗi người dân Tây Nguyên lo lắng đó chính là cái chất Tây Nguyên đang nhạt nhòa trong tim một số người. Làm thế nào để giữ mãi được nét trong veo của dã quỳ như màu của nắng? Có lẽ lời đáp đã, đang và sẽ được chính quyền, các đại biểu dân cử cũng như mỗi một người dân của mảnh đất này trả lời trong tương lai. Tôi cũng hy vọng ngày trở lại dã quỳ sẽ trong veo trong nắng, trẻ em sẽ hồn nhiên sống với tuổi thơ của mình. Để Tây Nguyên tương lai không chỉ giàu mà còn đẹp mãi.

Lê Hồng Hạnh - Phó trưởng ban Kinh tế - Xã hội HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh