HĐND thực hiện chức năng quyết định - thực tiễn từ Thái Nguyên

- Thứ Năm, 24/12/2020, 09:06 - Chia sẻ
Mặc dù HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIII chưa đi hết chặng đường của nhiệm kỳ 2016 - 2021, nhưng với nhiều đổi mới về tổ chức và hoạt động, chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả các quyết định, quyết sách, HĐND tỉnh đã góp phần quan trọng trong thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra.

Trúng, đúng, kịp thời

Quyền lực của HĐND thể hiện ở chức năng quyết định và giám sát. Để quyết định đúng, trúng, sát thực tiễn, triển khai nghị quyết vào cuộc sống, trong nhiệm kỳ vừa qua, HĐND tỉnh Thái Nguyên đã phát huy trí tuệ tập thể, tinh thần trách nhiệm, dân chủ, công khai, minh bạch trong thực hiện quyền đại diện thay mặt nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức 15 kỳ họp, trong đó có 12 kỳ họp thường lệ, 1 kỳ họp chuyên đề, 2 kỳ họp bất thường. Qua các kỳ họp, đã ban hành 270 nghị quyết, trong đó có 59 nghị quyết quy phạm pháp luật. Nghị quyết đã được ban hành đúng trình tự, thủ tục luật định, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, phù hợp với chủ trương của Tỉnh ủy; tạo cơ sở pháp lý trong công tác quản lý, điều hành của UBND tỉnh, là căn cứ để xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Nhiều nghị quyết đã đi vào cuộc sống, đáp ứng nguyện vọng của cử tri.

Các nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, các quy hoạch, chương trình, đề án phát triển… được ban hành là những định hướng lớn, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Các nghị quyết về các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư đã mang lại hiệu quả tích cực. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 166 dự án FDI với tổng số vốn đầu tư đăng ký hơn 8,5 tỷ USD, vốn đầu tư thực hiện hơn 8,2 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đạt 238 ngàn tỷ đồng trong giai đoạn 2016 - 2020. Những chính sách này đã tác động tích cực đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh và bứt phá ở khu vực công nghiệp; cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực, thu nhập bình quân đầu người cao hơn bình quân chung của cả nước; giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh từ 13,4% năm 2016 xuống còn 3,1% vào năm 2020, giảm bình quân 2,06%/năm.

Các nghị quyết về hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, chính sách dồn điền đổi thửa, hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP, chính sách phát triển nông nghiệp chủ lực, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ đã góp phần đổi mới diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Các Nghị quyết của HĐND tỉnh về cơ chế hỗ trợ cho các đối tượng chính sách xã hội được quan tâm. Nghị quyết về chương trình công tác dân tộc nhằm phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã thu hút được cả hệ thống chính trị vào cuộc…

Trong điều kiện các ngành, các cấp phải tập trung cho công tác phòng, chống dịch bệnh, phục hồi, phát triển kinh tế, HĐND tỉnh Thái Nguyên đã luôn đồng hành, sát cánh cùng chính quyền địa phương. Cụ thể hóa thành các nghị quyết, ban hành cơ chế, chính sách, các biện pháp thiết thực, lựa chọn vấn đề cấp thiết, căn bản có yếu tố tác động tới sự phát triển KT - XH, đưa ra các quyết sách kịp thời và tổ chức thực hiện, giám sát thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Trung ương cũng như của địa phương.

Đại biểu đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết tại Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Thái Nguyên Khóa XIII  

Thành quả nỗ lực đổi mới

Nhìn lại chặng đường đã qua của nhiệm kỳ HĐND tỉnh Thái Nguyên Khóa XIII, có thể nói, những đổi mới trong tổ chức và hoạt động, nhất là trong việc tổ chức các phiên chất vấn, giải trình của HĐND, của Thường trực HĐND tỉnh về các vấn đề mà xã hội quan tâm, được cử tri và nhân dân trong tỉnh đánh giá cao, qua đó khẳng định, HĐND tỉnh đã thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên Phạm Hoàng Sơn cho rằng, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả các quyết sách của HĐND, trước tiên phải chọn đúng nội dung để quyết định. Để quyết định đúng và trúng, chương trình ban hành nghị quyết của HĐND phải bám sát vào nhiệm vụ chính trị của địa phương; căn cứ vào yêu cầu từ thực tế thông qua hoạt động giám sát và tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri, qua thực tế điều hành công việc và các kênh thông tin khác; căn cứ vào điều kiện thực tế, khả năng thực hiện của địa phương.

Với mục tiêu phấn đấu thực hiện ngày một tốt hơn, hiệu lực, hiệu quả hơn chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn và khẳng định vai trò, vị thế của cơ quan dân cử, các cơ quan của HĐND tỉnh, các tổ đại biểu và từng đại biểu HĐND tỉnh cần phải tiếp tục thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong việc xem xét, quyết định mục tiêu, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, an sinh xã hội trong giai đoạn 2021 - 2025 bảo đảm triển khai thực hiện hoàn thành các nội dung, chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra.

Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên Phạm Hoàng Sơn nhấn mạnh, trong thời gian tới, HĐND tỉnh Thái Nguyên sẽ chú trọng hơn nữa trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng ban hành nghị quyết; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; tăng cường đối thoại trực tiếp với công dân theo quy định. Với quyết tâm đó, tin tưởng chắc chắn đại biểu HĐND tỉnh sẽ phát huy tốt nhất vai trò dân chủ đại diện của mình, thực sự xứng đáng với niềm tin, sự tín nhiệm của cử tri và xứng tầm là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

Duy Anh