Quốc hội thảo luận tình hình kinh tế - xã hội và phòng, chống dịch Covid-19

Hết sức thận trọng với nâng trần nợ công

- Thứ Ba, 09/11/2021, 16:24 - Chia sẻ
Đề xuất nâng trần nợ công để có thêm nguồn lực chống dịch được một số đại biểu Quốc hội đưa ra tại phiên thảo luận hôm nay. Tuy nhiên, một số đại biểu Quốc hội cũng cảnh báo cần hết sức cân nhắc vấn đề này.

Có thể nới trần nợ công lên từ 50 – 52% GDP?

Ảnh: Quang  Khánh
ĐBQH Hà Đức Minh (Lào Cai)
Ảnh: Quang Khánh

Tại phiên họp chiều nay, ĐBQH Hà Đức Minh (Lào Cai) đề xuất, trong thời gian tới, việc triển khai thực hiện các mục tiêu kép cần đạt được 5 mục tiêu cụ thể gồm: linh hoạt các phương án phòng, chống dịch và kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh, nâng cao khả năng chữa trị cho hệ thống y tế; bảo đảm việc làm cho người dân và ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; khởi động lại các hoạt động kinh tế sau phong tỏa, giãn cách; xây dựng lại một cấu trúc kinh tế có khả năng chống chịu tốt trước thảm họa; tăng cường khả năng đối phó với các thảm họa trong tương lai. 

Để hiện thực hóa 5 mục tiêu này, theo đại biểu Hà Đức Minh, yếu tố nguồn lực là tiên quyết. Bởi, nền kinh tế đang phải chịu tác động rất lớn từ sự bùng phát của đợt dịch Covid - 19 lần thứ 4 trong khi năng lực chống chịu của nền kinh tế thì có hạn. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì cú sốc đối với tăng trưởng và tính ổn định của nền kinh tế sẽ rất khó lường trong thời gian tới. Cùng với đó, theo đại biểu Hà Đức Minh, có thể tăng thêm mức bội chi ngân sách. Ông phân tích, bội chi ngân sách nhà nước năm 2021 là gần 344 nghìn tỷ đồng, bằng 4% GDP; dự kiến phương án đang trình ra Quốc hội năm 2022 là gần 373 nghìn tỷ đồng, cũng bằng khoảng 4% GDP. Trong khi đó tổng chi đầu tư phát triển năm 2022 dự kiến tối thiểu là 526 nghìn tỷ đồng. Tính toán dư địa bội chi theo Luật Ngân sách nhà nước còn khoảng ít nhất là 153 nghìn tỷ đồng, đại biểu Hà Đức Minh kiến nghị có thể tăng bội chi ngân sách lên 100 nghìn tỷ đồng và nên thực hiện trong ngắn hạn (2022 – 2024), được đặt trong chương trình tổng thể phục hồi, kịp thời phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị có thể nới trần nợ công lên từ 50 – 52% GDP, có thể kéo dài trong 3 năm. Bởi, hiện nay, trần nợ công của nước ta quy định ở mức khoảng 60% GDP, nhưng trên thực tế chỉ mới đạt khoảng 44 - 45% GDP. "Như vậy là hoàn toàn có thể nới nợ công để có thể tiếp tục huy động vốn để vừa chống dịch vừa hỗ trợ doanh nghiệp và người dân", đại biểu tỉnh Lào Cai nhấn mạnh. 

Rủi ro rất lớn cho an ninh tài chính quốc gia

Tranh luận về đề xuất tăng trần nợ công lên 50 - 52% GDP, ĐBQH Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu) cho rằng, mức tăng này sẽ khiến dư nợ công đến năm 2025 tăng gấp 2 lần so với đầu nhiệm kỳ, tạo ra rủi ro rất lớn cho an ninh tài chính quốc gia. Lý do là bởi: 

ĐBQH Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu)
Ảnh: Quang Khánh

Thứ nhất, nhìn vào nợ công của năm 2021 và đang chuẩn bị cho năm 2022, dư nợ công vào khoảng 44% GDP. Nhìn tỷ lệ thì thấp nhưng là do năm 2021 đã điều chỉnh GDP tăng hơn 1 triệu tỷ đồng, tương đương với mức tăng 25%. Như vậy, mẫu số tăng lên, số dư nợ tuyệt đối không giảm, mức độ tăng nợ vẫn còn. Do đó cần hết sức quan tâm vì đến năm 2021, mức trả nợ lãi và gốc đã xấp xỉ mức 25%, có nghĩa là cứ 4 đồng chi tiêu thì sẽ có 1 đồng cho chi cho trả nợ.

Thứ hai, thời gian qua nợ công tăng đều và liên tục qua các năm. Trong giai đoạn 2011 – 2015, tốc độ tăng nợ bình quân là 18,1%/năm. Nhận thức được điều đó, đến giai đoạn 2016 – 2020, Quốc hội, Chính phủ đặt ra mục tiêu ưu tiên kiểm soát nợ công để bảo đảm an ninh tài chính và cân đối vĩ mô. Cho nên, tốc độ tăng nợ công được rút xuống còn trên 6,54 % và trong kế hoạch tài chính 5 năm hiện nay đã xác định tăng khoảng 11%.

"Nếu tăng trần nợ công lên đến 51% vào năm 2025 thì dư nợ công lúc đó khoảng 6,5 triệu tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với đầu nhiệm kỳ. Do đó, phải hết sức thận trọng", đại biểu Nguyễn Hữu Toàn nhấn mạnh. 

Kiến nghị chuyển 100.000 tỷ đồng đầu tư công sang phòng, chống dịch

ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân (TP Hồ Chí Minh)
Ảnh: Quang Khánh

Ở góc độ khác, nêu thực tế từ một trong những địa phương chịu tác động nặng nề nhất của đại dịch Covid - 19 vừa qua, ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân (TP Hồ Chí Minh) cho biết, mặc dù năm nay TP Hồ Chí Minh dự kiến tăng trưởng âm 5% song các tiền đề vật chất, tinh thần quan trọng nhất của nền kinh tế thành phố, nơi đóng góp 23% GDP, 27% thu ngân sách vẫn còn nguyên vẹn. Tuy nhiên, sau gần 4 tháng ngưng sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp không có thu nhập, không có tiền mua nguyên liệu, vật tư cho giai đoạn sản xuất sắp tới, không có tiền để trả lương cho người lao động khi chưa tiêu thụ sản phẩm, không có tiền để trả tiền điện, tiền nước, trả chi phí vận tải…

"Đoàn tàu kinh tế TP. Hồ Chí Minh còn nguyên đầu tàu và các toa tàu, đường ray, trưởng tàu, lái tàu, trưởng toa và 92% nhân viên các toa tàu, 8% thì đã về quê. Như vậy, cần kinh phí để có thể mua dầu thì đoàn tàu sẽ chạy trở lại khi tàu trở lại bán được vé, có tiền trả nợ vay". Với 288.000 doanh nghiệp và 400.000 hộ kinh doanh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân đề nghị nên dành khoảng 4% GDP để hỗ trợ các doanh nghiệp. "Hiện nay, chúng ta đã chi hơn 100.000 tỷ đồng, dự kiến còn 100.000 tỷ đồng, thiếu 100.000 tỷ đồng, số tiền 100.000 tỷ đồng này có sẵn đó chính là trong đầu tư công chưa dùng hết vì điều kiện không cho phép để thực hiện". Do đó, đại biểu kiến nghị Quốc hội cho phép chuyển 100.000 tỷ đồng đầu tư công không chi hết năm nay sang hỗ trợ các doanh nghiệp và phòng, chống dịch để giúp các doanh nghiệp tăng tốc trong thời gian tới.

N. Thành