Hiến kế “giải vây” cho startup Việt

- Thứ Ba, 24/11/2020, 14:57 - Chia sẻ
Công tác xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi, các doanh nghiệp lớn cũng chưa thể hiện được vai trò dẫn dắt của mình trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Đó là nhận định của các chuyên gia tại Hội nghị “Vai trò của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đối với sự phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương” do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam tổ chức, ngày 23.11.

Startup Việt vẫn “khát” vốn

Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp startup khó tồn tại, phát triển do ảnh hưởng từ việc thiếu vốn và thị trường, sự dẫn dắt của các doanh nghiệp lớn… Đã có không ít startup rơi vào tình trạng phá sản do doanh thu không đủ bù đắp chi phí vận hành và lãi vay.

Tại Hội nghị, Trưởng Ban Biên tập Cổng tri thức Thánh Gióng Hoàng Tuấn Việt nhận định: “Trong quá trình khảo sát cơ sở, Hội LHTN Việt Nam nhận được rất nhiều ý kiến cho rằng công tác xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) tại các địa phương còn gặp nhiều khó khăn khi mà các doanh nghiệp hiện vẫn chưa thể hiện được vai trò của mình trong hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST. Mặt khác, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa không cho thấy nhu cầu áp dụng các yếu tố ĐMST vào hoạt động kinh doanh. Đặc biệt, các doanh nghiệp lớn vẫn chưa phát huy rõ vai trò dẫn dắt hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST qua các hoạt động như đầu tư, cố vấn hay sử dụng dịch vụ, sản phẩm của startup vào chuỗi giải pháp cung cấp ra thị trường.

Trưởng Ban Biên tập Cổng tri thức Thánh Gióng Hoàng Tuấn Việt  phát biểu tại Hội nghị
Trưởng Ban Biên tập Cổng tri thức Thánh Gióng Hoàng Tuấn Việt phát biểu tại Hội nghị
Ảnh: Đức Hiệp

Các chuyên gia cũng cho rằng, đối với một doanh nghiệp khởi nghiệp, mọi yếu tố từ ý tưởng, thị trường, sản phẩm, môi trường… đều quan trọng. Tuy nhiên, yếu tố quyết định đến sự sinh tồn của các doanh nghiệp chính là vốn. Công ty không có vốn cũng như cơ thể con người không có máu, không thể có sự sống. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam luôn sống trong cảnh “khát” vốn mà khó tìm được nguồn huy động vốn. Các chuyên gia chỉ rõ, các doanh nghiệp startup có quy mô nhỏ, thời gian hoạt động ngắn nên chưa thể đủ điều kiện được vay vốn từ ngân hàng. Một số doanh nghiệp tồn tại và hoạt động trong thời gian dài hơn vẫn phải chật vật tìm nguồn vốn từ các kênh khác nhau. Nguyên nhân khiến phần lớn các doanh nghiệp gặp phải tình trạng này là do chủ doanh nghiệp chưa biết cách xây dựng một phương án kinh doanh khả thi chứ chưa nói đến chiến lược nguồn vốn và cấu trúc vốn doanh nghiệp để tạo sự tin tưởng từ các nhà đầu tư. Nhất trí với quan điểm đó, Th.s Phạm Anh Đới Học viện Agile cũng cho rằng, các doanh nghiệp khởi nghiệp hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc huy động các nguồn lực… Bên cạnh đó, họ cũng hạn chế về năng lực quản trị, chuyển đổi linh hoạt để thích nghi với thị trường.

Th.s Phạm Anh Đới Học viện Agile phát biểu tại Hội nghị
Th.s Phạm Anh Đới Học viện Agile phát biểu tại Hội nghị
Ảnh: Đức Hiệp

Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam Nguyễn Kim Quy chia sẻ, thời gian qua các startup đã và đang gặp nhiều áp lực do ảnh hưởng của Covid-19. Họ cũng đã nhận được sự hỗ trợ về vốn, đầu ra của sản phẩm, sự tư vấn, dẫn dắt từ một số doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, để tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển các startup cần nhiều hơn nữa sự hỗ trợ trong việc huy động vốn đầu tư, kết nối thị trường, chuyển giao công nghệ chế biến tiêu chuẩn kỹ thuật cao, miễn giảm, gia hạn nộp thuế...

“Liều thuốc” cho startup

Thực tế khi gặp khó khăn về vốn, tùy theo từng loại hình và các đặc điểm cụ thể, các startup có thể dùng nhiều phương thức tạo vốn, huy động vốn cũng như các nguồn lực khác… Tuy nhiên, đa số các doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn đang phải “tự bơi”. Họ đang phải “gồng mình” chống chọi và tìm cách thích nghi với bối cảnh khó khăn hiện nay để có thể tồn tại và phát triển dài hạn.

Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam Nguyễn Kim Quy chia sẻ, nhằm thực hiện tốt phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi”, Trung ương Hội LHTN Việt Nam đã phối hợp với các bộ, ngành, doanh nghiệp tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ cho thanh niên khởi nghiệp. Đồng thời tổ chức nhiều chương trình tạo môi trường kết nối khởi nghiệp, thu hút các nhà đầu tư. Thời kỳ hiện nay, để thúc đẩu hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển đòi hỏi chúng ta có thêm nhiều hoạt động sáng tạo thiết thực hơn nữa trong hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Đặc biệt là hoạt động khởi nghiệp ĐMST, từ đó tạo ra những sản phẩm sáng tạo thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. “Trong thời gian qua, Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Hội LHTN Việt Nam các tỉnh, thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động như: đào tạo, tư vấn, kết nối về khởi nghiệp cho thanh niên… thông qua đây tạo nên một hệ sinh thái khởi nghiệp đầy tiềm năng trong thời đại kinh tế số hiện nay. Đặc biệt là đã tổ chức nhiều cuộc thi, hành trình khởi nghiệp cho các bạn thanh niên. Từ đó tạo môi trường cho các bạn giao lưu, chia sẻ kinh nghiệp và kết nối với các nhà đầu tư khởi nghiệp.

Quang cảnh buổi Hội nghị

Ảnh: Đức Hiệp

Tại Hội nghị các chuyên gia cũng cho rằng, để giúp các startup phát triển bền vững, hiệu quả trong thời đại kinh tế số hiện nay, trước tiên cần một hệ thống pháp lý phù hợp. Điều này sẽ gióp phần tạo ra những giải pháp phát triển phù hợp, phát huy được vai trò xung kích của thanh niên trong việc phát triển kinh tế - xã hội; tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp vừa và nhỏ...

với số vốn ít, tiềm lực mỏng, kinh nghiệm non trẻ dễ lâm vào cảnh phá sản
Với số vốn ít, tiềm lực mỏng, kinh nghiệm non trẻ các startup rất dễ lâm vào cảnh phá sản
Ảnh: Internet

Th.s Phạm Anh Đới cho rằng, để tồn tại, phát triển bên cạnh sự hỗ trợ từ Nhà nước và các doanh nghiệp lớn, bản thân các startup cần phải linh hoạt để thích ứng nhanh chóng với sự thay đổi của thị trường bên trong và bên ngoài. Bên cạnh đó, các startup cần phản hồi nhanh chóng và linh hoạt với nhu cầu của khách hành. Dẫn dắt sự thay đổi theo cách vẫn đạt được năng suất, hiệu quả và chi phí mà không hy sinh chất lượng. Liên tục duy trì được lợi thế cạnh tranh, hiện có khoảng gần 50 cơ sở ươm tạo khởi nghiệp, tổ chức thúc đẩy kinh doanh đang hoạt động trên cả nước; có khoảng 40 quỹ đầu tư mạo hiểm đang hoạt động tại Việt Nam. Các chuyên gia cũng cho rằng, trong quá trình hội nhập, doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ càng khó cạnh tranh. Vì vậy, các startup cần tận dụng mọi cơ hội để tồn tại và phát triển...

Đức Hiệp