Thảo luận tại Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Lai Châu Khóa XV

Hiến kế phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh

- Thứ Bảy, 25/12/2021, 06:53 - Chia sẻ
Tại Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Lai Châu Khóa XV mới đây, các đại biểu đã thẳng thắn chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế như: tình trạng kết dư, chuyển nguồn ngân sách kéo dài; khó khăn khi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; ảnh hưởng của môi trường đến đời sống người dân khi triển khai các nhà máy thủy điện; bất cập trong triển khai các chính sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số… Qua đó, đề xuất nhiều giải pháp thiết thực nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Đại biểu tham gia thảo luận tại kỳ họp Ảnh: Tường Vy
Đại biểu tham gia thảo luận tại kỳ họp
Ảnh: Tường Vy

Tăng cường hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách

Thời gian qua, chính quyền các cấp tỉnh Lai Châu đã quan tâm chỉ đạo, điều hành công tác chuyển nguồn kinh phí ngân sách nhà nước (NSNN) sang năm sau. Mục tiêu đề ra là: rà soát, quản lý chặt để giảm mạnh số chi chuyển nguồn, chỉ thực hiện chuyển nguồn đối với một số khoản chi còn nhiệm vụ và thực sự cần thiết theo đúng quy định; kiểm soát chặt, đúng quy định, hạn chế việc ứng trước dự toán NSNN, giảm số chi chuyển nguồn sang năm sau. Những kết quả bước đầu mang lại hết sức đáng ghi nhận, dù vậy, theo nhận định của nhiều đại biểu, công tác chuyển nguồn NSNN sang năm sau để sử dụng vẫn còn một số hạn chế, lặp lại trong nhiều năm. Trong đó, tỷ trọng chi chuyển nguồn trong chi cân đối ngân sách địa phương luôn ở mức cao, làm hạn chế hiệu quả chi NSNN; số chi chuyển nguồn có xu hướng gia tăng và chưa có biểu hiện giảm.

Để giải quyết vấn đề này, theo đại biểu Nguyễn Xuân Thức (Tổ huyện Sìn Hồ), các đơn vị sử dụng ngân sách cần lập dự toán sát thực; nguồn lực NSNN được bố trí phải bảo đảm đúng, đầy đủ các nhiệm vụ chi cần thiết, quan trọng. Trong đó, ưu tiên các nhiệm vụ chi theo quy định của pháp luật và phù hợp với điều kiện thực tiễn của mỗi đơn vị. Quá trình quản lý, sử dụng ngân sách bám sát dự toán đã được phê duyệt và việc chuyển nguồn kinh phí sang năm sau tuân thủ đúng trình tự, thủ tục, các quy định hiện hành. Đối với nguồn kinh phí thuộc các chương trình, dự án hết nhiệm vụ chi sớm báo cáo, chủ động chuyển trả ngân sách tỉnh hoặc báo cáo UBND các cấp điều chỉnh vốn kịp thời tránh để hết năm ngân sách mới chuyển nguồn ngân sách.

Bên cạnh đó, để gia tăng hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng NSNN chuyển sang năm sau, một số đại biểu HĐND tỉnh cho rằng, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước cấp trên, HĐND các cấp. Đối với các cơ quan tài chính, kế hoạch các cấp, cần tăng cường hướng dẫn các đơn vị dự toán trong quản lý, sử dụng kinh phí được giao bảo đảm theo quy định. Đồng thời, tham mưu cho UBND các cấp phân bổ ngân sách, bổ sung, kịp thời điều chỉnh dự toán để các đơn vị thực hiện có hiệu quả kinh phí được giao.

Tại phiên thảo luận, vấn đề bảo vệ môi trường sống của người dân trong đầu tư, xây dựng các dự án thủy điện nhỏ và vừa được nhiều đại biểu phản ánh. Theo các đại biểu, quá trình thi công, nhiều đơn vị vẫn chưa chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường. Cá biệt, có đơn vị đổ thải đất, đá trực tiếp xuống khu vực sông, suối; sử dụng chất nổ để khai thác đá, làm đường hầm... gây ô nhiễm môi trường nước, làm xói lở, thay đổi dòng chảy sông, suối. Do đó, UBND tỉnh cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào nông nghiệp

Liên quan đến vấn đề thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, theo các đại biểu còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Số đơn vị đầu tư vào nông nghiệp chỉ chiếm 2% trong tổng số doanh nghiệp, HTX toàn tỉnh. Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách hỗ trợ còn nhiều vấn đề cần sớm được tháo gỡ như: Cơ chế tích tụ đất đai, tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, hạ tầng kỹ thuật vùng sản xuất, thủ tục hành chính...

Các đại biểu đề nghị UBND tỉnh sớm có cơ chế, chính sách khuyến khích các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI đầu tư vào phát triển các sản phẩm nông sản chủ lực. Phát triển các trung tâm dịch vụ hậu cần nông nghiệp như: Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao về giống, cơ giới hóa trong sản xuất, tài chính, thương mại, logistic. Ưu tiên thu hút doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp đầu tư vào phát triển các sản phẩm có lợi thế. Đầu tư liên kết với các hợp tác xã, tổ hợp tác, các trang trại, hộ nông dân để sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông sản theo chuỗi giá trị. Thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp, các hợp tác xã, tổ hợp tác, nông hộ đang sản xuất, kinh doanh các sản phẩm đặc sản, có lợi thế của tỉnh để tiếp tục nâng cao giá trị nông sản theo định hướng chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, gắn với phát triển du lịch tại các địa phương.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Trọng Hải cho rằng, khí hậu, thổ nhưỡng của Lai Châu rất phù hợp với sản xuất nông nghiệp, tạo ra được các sản phẩm đặc trưng. Tuy nhiên, khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải là hạ tầng giao thông kết nối. Hiện nay, Chính phủ đã quan tâm cho phép đầu tư các tuyến đường nối từ cao tốc Hà Nội - Lào Cai đi Lai Châu, đặc biệt là đầu tư hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên. Đây dự kiến sẽ là động lực để các nhà đầu tư đến với Lai Châu nhiều hơn. Bên cạnh đó, thời gian tới tỉnh sẽ chú trọng giải quyết vấn đề tập trung đất đai để thúc đẩy phát triển nông nghiệp.

Đào Cảnh