Hiến pháp sửa đổi sẽ tạo động lực mới, tạo sự đồng thuận trong nhân dân trong công cuộc phát triển, hội nhập và bảo vệ đất nước

- Thứ Năm, 24/10/2013, 11:30 - Chia sẻ
Cho ý kiến về bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, nhiều ĐBQH cho rằng dự thảo Hiến pháp sửa đổi đã sát với các ý kiến đóng góp của nhân dân, phù hợp với định hướng chính trị và định hướng phát triển của đất nước; đủ điều kiện để thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu. Theo các đại biểu, Hiến pháp sửa đổi khi được thông qua sẽ tạo ra động lực mới cũng như sự đồng thuận trong nhân dân trong công cuộc phát triển, hội nhập và bảo vệ đất nước.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Lê Minh Thông: Việc thông qua Hiến pháp lần này sẽ là một trong những động lực để thúc đẩy đất nước phát triển

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội lần này đã tiếp thu khá đầy đủ ý kiến của các tầng lớp nhân dân, phù hợp với định hướng chính trị và định hướng phát triển của đất nước. Đồng thời, đã bám sát các kết luận của Trung ương, định hướng sửa đổi Hiến pháp mà Nghị quyết Trung ương 2 đã nêu ra, bám sát các kết luận của Trung ương 5, 8, các kết luận của Bộ Chính trị… Mặt khác, dự thảo cũng đã tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu liên quan đến vấn đề về Hiến pháp, cũng như tiếp thu kinh nghiệm lập hiến của quốc tế. Trên cơ sở đó, Ủy ban sửa đổi Hiến pháp sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của các ĐBQH để hoàn thiện hơn nữa, để có một bản dự thảo đủ chất lượng và sẵn sàng để QH thảo luận, thông qua trong Kỳ họp này, nhằm đáp ứng ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Bởi Hiến pháp định ra những khuôn khổ hiến định to lớn, ổn định cho một quá trình phát triển lâu dài, tác động tích cực đến sự phát triển của đất nước trong tương lai. Một mặt là tạo ra các khuôn khổ hiến định phù hợp hơn với nhu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới, mặt khác là phúc đáp được nhiều quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, đồng thời, góp phần thúc đẩy sự hợp tác và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Do vậy, theo tôi việc thông qua Hiến pháp lần này sẽ là một trong những động lực để thúc đẩy đất nước phát triển, tạo nên sự đồng thuận mới, đoàn kết nhất trí trong nhân dân để thực hiện các nhiệm vụ phát triển đất nước.

Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng Trần Ngọc Vinh: Hiến pháp đã đủ điều kiện để thông qua

Tôi đánh giá rất cao về dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này. Có thể thấy, dự thảo đã tiếp thu đầy đủ ý kiến đóng góp của cử tri, ý kiến của các nhà khoa học, của các ngành, các giới. Tuy nhiên, dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này vẫn còn một số điều mà dư luận và cử tri rất quan tâm, QH cần tiếp tục thảo luận như vấn đề chính quyền địa phương, bởi đây là một mô hình rất mới, nên cần có quy định và tính toán cụ thể.

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã tiếp thu tương đối đầy đủ các ý kiến của cử tri, vì vậy, theo tôi dự thảo Hiến pháp đã đủ điều kiện để QH thông qua. Bởi việc sửa đổi lần này đã được triển khai thực hiện một cách thận trọng, không nên quá cầu toàn, nếu không trong quá trình thực thi, chấp hành sẽ bị “bó”, ảnh hưởng đến sự phát triển.

Việc thông qua Hiến pháp có vai trò hết sức quan trọng, tác động rất nhiều về mặt phát triển kinh tế và quản lý của đất nước; mặt khác chỉ khi Hiến pháp được thông qua thì mới có thể triển khai thực hiện sửa đổi, bổ sung một số đạo luật khác như Luật Tổ chức hoạt động của Chính phủ, HĐND, UBND...

ĐBQH Bùi Thị An (Hà Nội): Dự thảo sửa đổi Hiến pháp xuất phát từ mục tiêu nhà nước của dân, do dân và vì dân

Tôi rất hoan nghênh bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này đã tiếp thu ý kiến của nhân dân ở tất cả các vùng miền, lĩnh vực; đặc biệt là đã linh động trong việc kéo dài thời gian tiếp thu ý kiến của cử tri. Về cơ bản, dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này với các điều khoản đã xuất phát từ mục tiêu nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Nhưng tôi vẫn còn băn khoăn về một số nội dung. Thứ nhất, về quy định các thành phần kinh tế, Điều 51 hiến định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo là đúng. Nhưng làm thế nào để kinh tế nhà nước chủ đạo thực sự, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, để là định hướng dẫn dắt các nhóm kinh tế khác là vấn đề cần tìm giải pháp cụ thể, rõ ràng. Thứ hai, tại Điều 54 dự thảo Hiến pháp sửa đổi quy định thu hồi đất để phục vụ các dự án kinh tế - xã hội, đồng thời việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật. Đây là những quy định cần thiết, nhưng cần phải làm rõ hơn như thế nào là công khai đủ độ, minh bạch đủ độ và chặt chẽ như thế nào? Vấn đề này cần phải quy định rõ ràng để tránh những bất cập trong việc thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng trong thời gian qua.

Theo tôi, về cơ bản, bản Hiến pháp đã đủ điều kiện để thông qua tại QH kỳ này. Việc ban hành hiến pháp sẽ làm cơ sở để hoàn thiện bộ máy hành chính nhà nước, tăng cường quyền làm chủ của nhân dân, tạo động lực cho sự ổn định và phát triển đất nước.

Hà An- Lê Hoa- Tự Cường