Theo dòng sự kiện:

Hiểu điều dân muốn, làm điều dân cần

- Thứ Ba, 30/03/2021, 08:26 - Chia sẻ
“Chúng tôi rất ấn tượng về một Chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động, quyết liệt và phục vụ Nhân dân. Ấn tượng về một Chính phủ với nhiều quyết tâm lớn, trong đó có quyết tâm xây dựng một Chính phủ không tham nhũng, một Chính phủ nói đi đôi với làm; một Chính phủ gần dân, sát dân, quan tâm, giải quyết kịp thời những vấn đề quan trọng, bức xúc, những vấn đề phát sinh liên quan tới đời sống của Nhân dân; một Chính phủ quyết tâm phục vụ vì nhân dân”, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) nêu nhận định khi phát biểu đầu tiên tại phiên họp sáng qua của Quốc hội.

Nhiều đại biểu Quốc hội cũng có những đánh giá tương tự về hoạt động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021. Đó không phải là những mỹ từ, càng không phải là sự khích lệ, động viên xuôi chiều, mà ở đó là sự ghi nhận, trân trọng của các đại biểu Quốc hội từ quá trình đồng hành, theo sát từng hoạt động của Chính phủ trong một nhiệm kỳ nhiều “sóng to, gió lớn”.

Cũng chính từ sự đồng hành, theo sát hoạt động như thế nên các đại biểu Quốc hội cũng nhìn thấy, nhận diện sâu sắc những điểm còn tồn tại, hạn chế trong tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ. Đó là việc xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển, hành động đã làm chuyển động bộ máy hành chính Nhà nước - nhưng “chuyển còn chậm và chưa vững chắc”, “động chưa nhiều, chưa đều và chưa đồng bộ”. Tức là vẫn chưa khắc phục triệt để những bất cập trong phân cấp, phân quyền và đây đó vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, "trên bảo dưới không nghe", "trên nóng dưới lạnh" và vẫn còn cơ chế xin - cho, vẫn còn tham nhũng quyền lực, tham nhũng chính sách. Hay trong xây dựng Chính phủ liêm chính, Chính phủ phục vụ nhân dân xuất phát từ quan điểm thân dân, lấy dân làm gốc. Nhưng trên thực tế, chất lượng dịch vụ công ở đâu đó vẫn còn hạn chế, vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức vì lợi ích cá nhân chi phối, được gọi là công bộc của dân nhưng chưa thật sự toàn tâm, toàn ý phục vụ Nhân dân. Một số cơ quan hành chính nhà nước cũng đang bị đánh giá là “hành dân là chính”. Nạn tham nhũng vặt vẫn tiếp tục làm xấu hình ảnh công chức, hình ảnh cơ quan hành chính nhà nước. Chính phủ thực hiện dân chủ, phát huy dân chủ nhưng đâu đó, sự tham gia của người dân vẫn chưa cao, thậm chí còn mang tính hình thức, nhiều việc dân chưa được biết, chưa được bàn và chưa được tham gia, chưa có cơ hội để kiểm tra...

“Khi một cỗ máy đang vận hành chỉ cần một số chi tiết nhỏ, thiếu đồng bộ hay một quy trình lỡ nhịp thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới hiệu suất hoạt động của bộ máy đó. Bộ máy hành chính nhà nước cũng tương tự như vậy”, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa bình luận.

Chưa bao giờ chúng ta có cơ đồ, tiềm lực và vị thế như ngày nay. Nhưng những thách thức, sóng gió mà đất nước phải đương đầu trong giai đoạn tới đây cũng không nhẹ bớt hơn so với giai đoạn 5 năm vừa qua, nếu không muốn nói là những khó khăn, thử thách ấy sẽ còn ở những hình thái phức tạp và khó lường hơn. Rất nhiều nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế - xã hội đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo với Quốc hội ngay tại phiên khai mạc Kỳ họp này. Nhưng đúng như nhận định của các đại biểu Quốc hội, nỗ lực của Thủ tướng, của Thường trực Chính phủ thôi vẫn chưa đủ. Phải tạo ra “đòn bẩy” có đủ lực để xóa bỏ căn cơ các trở lực đối với sự vận hành của bộ máy hành chính Nhà nước thời gian qua.

“Đòn bẩy” đó nên bắt đầu ngay bằng việc phát huy mạnh mẽ dân chủ, sự công khai, minh bạch trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là trong phát hiện, tuyển chọn và trọng dụng nhân tài làm việc cho các cơ quan nhà nước. Tập trung xây dựng một bộ máy công quyền công tâm, có trách nhiệm giải trình cao, một Chính phủ “mở” và một nền hành chính nhà nước “mở” để người dân và doanh nghiệp được tiếp cận thông tin một cách bình đẳng, thuận lợi và minh bạch. Có như vậy, Chính phủ mới có thể xóa bỏ được sự chi phối của lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ hiện vẫn tồn tại và vẫn đang là một trong những yếu tố níu kéo khiến các nỗ lực cải cách chưa thể đột phá như mong đợi. Người dân và cộng đồng doanh nghiệp phải được lắng nghe nhiều hơn, được tham gia thực sự vào quá trình xây dựng và thực thi chính sách. Nói cách khác, Chính phủ và từng “mắt xích” trong bộ máy Nhà nước phải hiểu được điều dân muốn, phải làm được điều dân cần và phải lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo hiệu quả hoạt động.

Quỳnh Chi