Hiểu đúng để thực hiện thống nhất

- Thứ Ba, 19/10/2021, 12:38 - Chia sẻ
Phát biểu tại Tọa đàm Nghị quyết 128 - Hướng tới bình thường mới, nhiều ý kiến cho rằng, đây là chủ trương, quyết sách đúng đắn, sáng tạo và kịp thời. Dù vậy, vấn đề mấu chốt vẫn là hiểu đúng để thực hiện thống nhất.

Sau gần 2 năm ứng phó với dịch Covid-19, nước ta đã đạt được những kết quả quan trọng, trong đó nổi bật nhất là dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát; số người mắc và số người tử vong liên tục giảm; cuộc sống đang dần trở về trạng thái bình thường mới; các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội đang được khôi phục và ngày càng sôi động hơn. Tuy nhiên, vấn đề cần đặc biệt lưu ý khi triển khai thực hiện Nghị quyết 128 về quy định tạm thời Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 là vừa bảo đảm thống nhất, thông suốt trên toàn quốc, không cát cứ, không chia cắt, tránh mỗi nơi làm một kiểu, vừa đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của các địa phương.

Phản ánh cụ thể tình trạng mỗi nơi thực hiện một kiểu thời gian qua, đại diện Bộ Giao thông - Vận tải cho biết, trong lĩnh vực giao thông - vận tải, từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đến người dân, doanh nghiệp đều phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong lưu thông hàng hóa, tổ chức chưa đồng bộ dẫn đến những bất cập. Do đó, dứt khoát lần này phải giải quyết bất cập này. Phải đồng bộ từ công tác tuyên truyền, tập huấn. Chủ trương là đúng nhưng thực hiện ở các chốt kiểm dịch còn chưa đồng bộ, hiểu chưa đúng, triển khai chưa cụ thể dẫn đến bất cập trong vấn đề lưu thông. Do đó, sau khi Nghị quyết 128 ra đời, Bộ đã ban hành các quy định về lĩnh vực đường bộ, hàng hải và hàng không. Mặc dù vẫn dựa vào Quyết định 4800 của Bộ Y tế để xây dựng nhưng Bộ cũng cụ thể hóa với các lĩnh vực của ngành đồng thời phối hợp, tham khảo ý kiến của Bộ Y tế. Đây là cơ sở để các địa phương áp dụng thực hiện đồng bộ trên cả nước.

Ở góc nhìn khác, Phó trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng đặt vấn đề: Từ Nghị quyết đến hành động có 3 vấn đề lớn: Một là phải hiểu đúng; hai là đánh giá đúng tình hình địa phương; ba là phải đúng quy định nhưng quy định này phải bằng các văn bản quy phạm pháp luật, tránh tình trạng "ăn đong", nay chỉ đạo thế này mai chỉ đạo cái khác. Các địa phương trên cơ sở Nghị quyết 128 thống nhất ban hành các văn bản để quy định ở địa phương mình. Vừa qua, chúng ta đã có kinh nghiệm, cơ sở từ việc áp dụng Chỉ thị 15, 16, 19 và nay thêm Nghị quyết 128, Chính phủ trao quyền các địa phương thích ứng mà các địa phương không thích ứng nữa thì có lẽ phải đình chỉ, loại trừ, cách chức một số lãnh đạo không tuân thủ, không hòa cùng "nhịp đập" của cả nước hoặc vì câu chuyện cá nhân hay địa phương của mình mà ngăn cản các địa phương khác, ngăn cản các chủ thể khác, như thế thì không chấp nhận được. Đặc biệt, không thể để xảy ra tình trạng "trên bảo dưới không nghe", Trung ương điều hành mà địa phương không tuân thủ là việc không thể chấp nhận được.

Thực tế, để phòng chống dịch, nhiều địa phương đã có cách làm sáng tạo, khoa học, trên cơ sở nắm chắc tình hình và đánh giá chính xác nguy cơ xâm nhập, lây lan, từ đó đưa ra những biện pháp phù hợp, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, cùng với đó, đã có không ít văn bản, quy định của một số địa phương gây tranh cãi, áp dụng những biện pháp thái quá, gây khó khăn cho người dân, người lao động và doanh nghiệp...

Bởi vậy, khi Nghị quyết 128 được ban hành, trong đó có nội dung đặc biệt quan trọng là không cát cứ, không chia cắt, tránh mỗi nơi làm một kiểu thì điều quan trọng là phải hiểu đúng để tổ chức triển khai thống nhất từ Trung ương đến địa phương.

Khánh Ninh