Hiểu quá khứ để chọn tương lai

- Thứ Sáu, 10/09/2021, 06:14 - Chia sẻ
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, bên cạnh sự linh hoạt, sáng tạo và chủ động, khả năng giải quyết vấn đề, năng lực sử dụng tiếng Anh... các công dân toàn cầu còn cần có hiểu biết, ý thức về giá trị, bản sắc dân tộc. Đây là nội dung mà ngành giáo dục và đào tạo cần quan tâm trang bị cho các thế hệ học sinh, sinh viên thời gian tới.

Đưa di sản văn hóa đến giới trẻ

Về phương hướng, nhiệm vụ năm học 2021 - 2022, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo chú trọng xây dựng môi trường văn hóa học đường; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên.

Tại buổi làm việc giữa Ủy ban Văn hóa, Giáo dục với Bộ Giáo dục và Đào tạo về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2021, dự kiến kế hoạch công tác năm 2022 và định hướng 5 năm (2021 - 2026) sáng 9.9, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Trần Việt Anh đề cập đến nhiệm vụ “dạy làm người” của giáo dục, hay việc trang bị kỹ năng mềm cho công dân hội nhập toàn cầu. “Tôi may mắn được làm việc với GS.VS. Phan Huy Lê, người đã đặt nền móng cho ngành Việt Nam học và phát triển. Ông dặn tôi là làm thế nào để cho các cháu (học sinh) hiểu về lịch sử, truyền thống văn hóa của cha ông. Tôi cũng từng hợp tác với ngành giáo dục Thủ đô trong chương trình giáo dục công chúng, cụ thể là giáo dục di sản và văn hóa. Trong 5 năm triển khai, được sự bảo trợ của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, lãnh đạo TP. Hà Nội, đến nay chương trình đã có kết quả tích cực”.

Ông Trần Việt Anh từng làm Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội. Và chương trình giáo dục di sản tại Di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long mà ông Việt Anh đề cập nay đã lan tỏa đến các tỉnh đồng bằng sông Hồng, đặc biệt là Hải Phòng, Hưng Yên. Chương trình có thông điệp đến với quá khứ để chọn tương lai, được UNESCO đánh giá cao khi góp phần đưa di sản văn hóa tới công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Không chỉ Hoàng thành Thăng Long, nhiều khu di sản, bảo tàng ở Hà Nội, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Bình... cũng tổ chức giáo dục di sản và đạt được những kết quả tích cực.

Theo ông Trần Việt Anh, việc phối hợp giữa ngành giáo dục và ngành văn hóa trong giáo dục di sản đã mang lại kết quả, thể hiện ở sự hiểu biết của học sinh về lịch sử, về văn hóa, di sản của tiền nhân để lại. Về phía ngành văn hóa, di sản là sự diễn giải nội dung sinh động, để học sinh vừa học vừa chơi, trải nghiệm và sáng tạo, khám phá và tìm hiểu di sản...

Nâng cao hiểu biết cho thế hệ trẻ về bản sắc dân tộc

Ảnh: Nhandan.vn 

Vươn ra thế giới với tâm hồn Việt

Hòa nhập quốc tế, việc giao lưu, giao thoa văn hóa rộng rãi dễ dẫn đến mất dần bản sắc dân tộc. Bởi vậy, theo các chuyên gia, để thế hệ trẻ Việt Nam vươn ra thế giới với tâm hồn Việt, chương trình giáo dục cần giúp học sinh hiểu và biết trân trọng, tự hào về truyền thống, có ý thức gìn giữ và quảng bá tinh hoa dân tộc.

Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030 nêu rõ: “Lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”. Cùng với quan điểm đó là đột phá chiến lược: Tiếp tục phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự cường và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam...

Nâng cao hiểu biết cho thế hệ trẻ về bản sắc dân tộc luôn là việc làm cần thiết; trong đó chương trình giáo dục di sản văn hóa trong nhà trường thiết nghĩ cần được chú trọng hơn. Thực tế, trong chương trình giáo dục phổ thông mới, ngoài nội dung thống nhất 80% trong cả nước cũng có 20% giáo dục địa phương để học sinh tìm hiểu về vùng đất nơi mình đang sinh sống... 

Ông Trần Việt Anh mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm hơn đến việc trang bị kỹ năng mềm cho học sinh, sinh viên trong hội nhập quốc tế, ở cấp quốc gia là thông qua bộ môn Việt Nam học và khoa học phát triển, hay ở địa phương là giáo dục địa phương, ở Hà Nội là Hà Nội học và khoa học phát triển Thủ đô... "để các em tự hào về giá trị, bản sắc dân tộc và trở thành sứ giả, đóng góp đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới”.

Ngọc Phương