Hiệu quả từ chính sách hỗ trợ

- Thứ Ba, 31/08/2021, 05:41 - Chia sẻ
Việc triển khai, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã giúp người lao động và doanh nghiệp có sự chuẩn bị cần thiết để tiếp tục tham gia thị trường lao động. Đó là ý kiến đánh giá từ cuộc giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh Bắc Ninh tại một số đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Đoàn giám sát khảo sát thực tế tại Tổng Công ty May Đáp Cầu

Bảo đảm hỗ trợ đúng đối tượng

Qua giám sát thực tế tại các đơn vị như Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh; Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Tổng công ty May Đáp Cầu và giám sát qua báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các đơn vị liên quan, Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh đã đánh giá và chỉ rõ ưu điểm về việc triển khai chính sách hỗ trợ.

Tại các cuộc giám sát, đa số các đơn vị cho rằng, so với gói hỗ trợ lần 1 (năm 2020), gói hỗ trợ lần này được mở rộng phạm vi, đối tượng và điều kiện hỗ trợ, thể hiện tính nhân văn của chính sách, đem lại hiệu quả tích cực, tạo động lực để mọi người chung sức chống đỡ và vượt qua đại dịch, tiếp tục duy trì và phát triển sản xuất, phục hồi nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội cho mọi người dân.

Theo báo cáo, đến ngày 19.7.2021, BHXH tỉnh đã tạm tính và gửi thông báo về việc đủ điều kiện được giảm mức đóng vào Quỹ Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 6.630 đơn vị, 356.396 lao động với số tiền giảm đóng 12 tháng là 143,04 tỷ đồng. Đến ngày 10.8, thực hiện xác nhận cho 126 đơn vị, 2.782 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương; 58 đơn vị, 2.218 lao động ngừng việc; 7 đơn vị, 515 lao động ngừng việc để vay vốn; 9 đơn vị, 5.233 lao động được người sử dụng lao động đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất (đối với người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động); 1 đơn vị, 71 lao động được người sử dụng lao động đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất (trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng).

Đối với lao động có giao kết hợp đồng lao động, đã tập trung hỗ trợ đúng đối tượng khó khăn nhất, bị ảnh hưởng nhiều nhất, đáp ứng yêu cầu hỗ trợ thông qua các quy định như tạm thời dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất; hỗ trợ cho lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp; người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc; lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương.

Kết luận sau cuộc giám sát, Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh khẳng định, Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23 được triển khai thực hiện trong một thời gian ngắn đã mang lại kết quả. Những quy định của chính sách khá rõ ràng, chi tiết, song thực tế, việc hỗ trợ diễn ra đa dạng, phong phú và phức tạp với nhiều tình huống phát sinh, nên khi vận dụng còn gặp không ít khó khăn, dẫn đến một số đối tượng khó tiếp cận chính sách. Vì vậy, đòi hỏi phải linh hoạt, đơn giản trong thiết lập hồ sơ nhưng vẫn bảo đảm tính minh bạch, chính xác của chính sách, tránh trục lợi.

Kịp thời tháo gỡ vướng mắc

Bên cạnh những kết quả đạt được từ chính sách, còn một số tồn tại và khó khăn khi triển khai chính sách hỗ trợ đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác (theo rà soát toàn tỉnh có khoảng 64.542 đối tượng) tại điểm 12 Mục II, Nghị quyết số 68/NQ-CP. Bên cạnh đó, việc thiết lập hồ sơ hỗ trợ theo Quyết định số 23/QĐ-TTg chưa cụ thể; nhiều doanh nghiệp không bố trí cho người lao động sinh hoạt và làm việc tại cơ sở theo Thông báo số 56/TB-UBND ngày 26.5.2021 của UBND tỉnh Bắc Ninh, mà chủ động tạm dừng hoạt động, trong khi không có văn bản yêu cầu tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch của cơ quan nhà nước có thẩm quyền… 

Mặt khác, theo Điểm b, Khoản 2, Điều 38 Quyết định số 23/QĐ-TTg, điều kiện vay vốn trả lương cho người lao động khi phục hồi sản xuất kinh doanh đối với người sử dụng lao động đang hoạt động trong lĩnh vực hàng không, vận tải, du lịch, dịch vụ lưu trú và xuất khẩu lao động là "đã hoàn thành quyết toán thuế năm 2020". Tuy nhiên, cơ quan thuế chỉ thông báo quyết toán khi đã thực hiện kiểm tra quyết toán thuế với doanh nghiệp còn với doanh nghiệp không được kiểm tra thì chỉ có thông báo xác nhận doanh nghiệp đã tự kê khai và nộp thuế. Việc này khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc vay vốn phục hồi sản xuất.

Đa số các doanh nghiệp không có văn bản cá biệt tạm dừng hoạt động theo quy định tại Điều 13 và Điều 21 Quyết định số 23/QĐ-TTg “Quy định về tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19” nên không thiết lập được hồ sơ hỗ trợ. Bên cạnh đó, điều kiện hỗ trợ người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc cho người lao động chặt chẽ, trong khi mức vay thấp nên một số người sử dụng lao động chưa thực sự quan tâm tới chính sách hỗ trợ này. Mặt khác, để người lao động được hỗ trợ đòi hỏi phải có giấy tờ gốc, trong khi người lao động đã nộp bản chính các giấy tờ cho doanh nghiệp để thực hiện thanh toán tiền lương, chế độ ốm đau; nhiều trường hợp bị mất giấy tờ gốc, dẫn tới khó khăn trong việc lập hồ sơ hỗ trợ… 

Phan Phương