Hiệu quả từ đổi mới công tác dân nguyện của Quốc hội

- Thứ Sáu, 26/11/2021, 05:04 - Chia sẻ
Dù trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng Báo cáo Công tác dân nguyện của Quốc hội (tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân) trong tháng 9, tháng 10 cho thấy có chuyển biến tích cực. Sự chuyển biến này được nhiều Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá là do thực hiện báo cáo và chỉ đạo hàng tháng đối với công tác dân nguyện - là một trong những đổi mới của Quốc hội trong lĩnh vực này.

Có sự chuyển biến tích cực

“Có sự chuyển biến tích cực” là ghi nhận của Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường qua xem xét thông tin, số liệu về các công tác tiếp nhận, giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri; tiếp công dân; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo trong tháng 9 và tháng 10 của Quốc hội được Ban Dân nguyện báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thực tế, qua báo cáo của 37 Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về kết quả tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV, Ban Dân nguyện tổng hợp được 536 kiến nghị của cử tri và đã chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Đến nay, đã có 306/536 kiến nghị được giải quyết, trả lời, đạt tỷ lệ 57,1%. Số kiến nghị còn lại đang được các cơ quan xem xét, giải quyết, trả lời cử tri theo quy định.

Qua rà soát, tổng hợp và sơ bộ đánh giá kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri của các cơ quan có thẩm quyền, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nhận thấy, các cơ quan đã có cố gắng, tích cực giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri một cách nhanh chóng. Đặc biệt, dù chưa đến thời hạn giải quyết, trả lời nhưng một số cơ quan đã giải quyết, trả lời đạt tỷ lệ 100% kiến nghị cử tri gửi đến như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tòa án Nhân dân tối cao, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Dân tộc, Ban Tổ chức Trung ương, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Pháp luật... 

Với công tác tiếp công dân, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều Đoàn ĐBQH khó có thể thực hiện tiếp công dân trực tiếp để lắng nghe ý kiến, kiến nghị của người dân. Tuy nhiên, nhiều Đoàn ĐBQH đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo có biện pháp phù hợp, ưu tiên hình thức nhận đơn thư, phản ánh kiến nghị qua các kênh trực tuyến, hộp thư điện tử, gọi điện… Do vậy, việc tiếp nhận, xử lý đơn thư được duy trì và thực hiện nghiêm túc; đơn thư công dân gửi đến được xử lý kịp thời, bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh việc chuyển đơn thư đến cơ quan có thẩm quyền, Ban Dân nguyện ghi nhận, trong tháng 9 và tháng 10, có 6 Đoàn ĐBQH đã quan tâm, chủ động nghiên cứu giám sát đối với 10 vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, nổi cộm ở địa phương để tham gia, phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết dứt điểm vụ việc.

“Công tác theo dõi, đôn đốc và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo được quan tâm, có sự chuyển biến tích cực, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đã góp phần thúc đẩy và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, nhất là đối với vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp kéo dài”, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nhấn mạnh.

Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 23.11

Ảnh: Quang Khánh 

“Nhờ có báo cáo và chỉ đạo hàng tháng”

Sự chuyển biến tích cực và đã dần đi vào nền nếp của công tác tiếp nhận và giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, cũng như giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, là nhờ việc chúng ta (Ủy ban Thường vụ Quốc hội - PV) có báo cáo và chỉ đạo hàng tháng. Trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cơ quan Quốc hội có 624 đơn đủ điều kiện thì đã chuyển 47 đơn cho các cơ quan. Đồng thời, nhiều Đoàn ĐBQH trực tiếp giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo, kể cả tiếp công dân đông người, đôn đốc, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Dù có những chuyển biến tích cực, nhưng Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, công tác xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân gửi đến các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH vẫn chủ yếu là xem xét, chuyển đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Để tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các cơ quan của Quốc hội cần rà soát quy chế làm việc, phân công, phân nhiệm, cũng như tiến hành sàng lọc, phân loại đơn thư, tập trung giải quyết một số vụ việc có kết quả, tạo tính chất lan tỏa. Với đơn thư chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết cũng phải tiến hành giám sát việc thực hiện trong thực tế.

Về giải quyết khiếu nại, tố cáo và kết quả tiếp công dân, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị, Ban Dân nguyện tham mưu, làm việc với các Đoàn giám sát, nhất là Đoàn giám sát về giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân, để thống kê, kiểm đếm các vụ việc của Trung ương, các tỉnh, thành phố, bộ, ngành, nhất là các vụ việc về đất đai, môi trường và vấn đề phức tạp khác. Qua đó, lập danh mục, phân loại các vụ việc này, trách nhiệm giải quyết thuộc về cấp nào, không thể chung chung, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Dù trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp thời gian qua, nhưng các công tác dân nguyện của Quốc hội được ghi nhận có nhiều chuyển biến tích cực và đã dần đi vào nền nếp. Nhưng, với tinh thần trách nhiệm trước cử tri và nhân dân, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đặt ra nhiều yêu cầu với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, các Đoàn ĐBQH về công tác này. Đặc biệt, qua xem xét một số vụ án cụ thể và vấn đề nhận được nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đặt ra một số yêu cầu cụ thể với Chính phủ liên quan đến công tác xử lý rác thải, nâng cao chất lượng giám định tư pháp môi trường, tác động của một số dự án điện gió… và cũng là những yêu cầu đang nổi lên trong thực tiễn cuộc sống.

Lê Bình