Hiệu quả từ mô hình điều trị "tháp 3 tầng"

- Thứ Hai, 25/10/2021, 15:41 - Chia sẻ
Thời gian gần đây, TP. Hồ Chí Minh đã áp dụng mô hình "tháp 3 tầng" nhằm giảm tỷ lệ tử vong và tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng. Chiến lược điều trị đem tới tín hiệu khả quan với những chuyển biến rõ rệt. Có thể nói, đây cũng là bài học kinh nghiệm trong phòng, chống dịch cho địa phương chịu tác động mạnh bởi dịch Covid-19.

Chiến lược kịp thời, đúng đắn

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế ThS.BS. Nguyễn Trọng Khoa, mô hình điều trị "tháp 3 tầng" trong điều trị Covid-19 là mô hình được triển khai trong bối cảnh các cơ sở điều trị, các bệnh viện dã chiến không đủ khả năng thu dung, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19. TP. Hồ Chí Minh đã nhanh chóng triển khai mô hình này trong bối cảnh điều chỉnh lại hệ thống cơ sở theo diễn biến của dịch.

Mô hình tháp 3 tầng tại TP. Hồ Chí Minh mang lại hiệu quả tích cực

Ở giai đoạn đầu, TP. Hồ Chí Minh chỉ thiết kế, bố trí đa tầng theo hướng tận dụng một số khu chung cư cũ để làm bệnh viện dã chiến, thu dung, cách ly bệnh nhân không triệu chứng, triệu chứng nhẹ cần theo dõi ở mức độ trung bình là tầng 1. Tầng 2 là bệnh viện chuyển đổi công năng cơ bản điều trị thu dung và tầng 3 là một số Trung tâm Hồi sức thuộc bệnh viện tuyến thành phố như Bệnh viện Trưng Vương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch.

“Sau đó, dịch nhanh chóng lan rộng với số ca mắc không ngừng tăng nên công tác điều trị đã gặp gánh nặng rất lớn” - ông Nguyễn Trọng Khoa chia sẻ.

Các bệnh viện khẩn trương thiết lập chuyển đổi công năng, áp dụng mô hình bệnh viện tách đôi, thiết lập thêm rất nhiều bệnh viện dã chiến để thu dung bệnh nhân. Đồng thời, thiết lập thêm các khu cách ly ở tại các quận, huyện; thậm chí là tại các phường, xã bằng cách tận dụng các cơ sở như khu chung cư, trường mầm non... chuyển đổi thành khu cách ly tập trung F1, F0. Diễn biến dịch nhanh, đột ngột là yếu tố bắt buộc khiến TP. Hồ Chí Minh phải triển khai thu dung, tách người bệnh nhiễm Covid-19 khỏi cộng đồng, nhằm hạn chế nguy cơ lây lan.

Bộ Y tế quyết định thành lập và đầu tư có trọng điểm các trung tâm hồi sức lớn, đặt tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam do giám đốc các bệnh viện tuyến Trung ương đảm nhận và điều hành. Đây là quyết định sáng suốt, giúp cho việc điều trị ở tầng cao nhất cho bệnh nhân nặng, nguy kịch tập trung nhân lực và trang thiết bị hiện đại để cứu sống bệnh nhân.

Đặc biệt, ngành y tế đã triển khai thêm 1 loại hình nữa áp dụng tại TP. Hồ Chí Minh là quản lý điều trị tại nhà với những trường hợp được xét nghiệm, sàng lọc ít nguy cơ. Trạm Y tế lưu động tại các địa bàn vừa có trách nhiệm theo dõi hàng ngày, chăm sóc, cung cấp bình oxy, tiêm chủng, vận chuyển cấp cứu trường hợp trở nặng.

Như vậy, mô hình tháp 3 tầng tại TP. Hồ Chí Minh có những điểm đặc biệt và cũng có những điểm mới so với tình huống dịch ở Bắc Giang, nhưng trong bối cảnh của TP. Hồ Chí Minh thì cách làm này đã đi đúng hướng và đem lại hiệu quả tích cực, góp phần sớm khống chế và đẩy lùi dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.

Những tín hiệu tích cực

Theo nhận định từ các chuyên gia, tới đầu tháng 10.2021, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đã vượt qua giai đoạn đỉnh dịch, dù số ca nhiễm vẫn chưa thể giảm nhanh, nhưng số ca bệnh nhân chuyển nặng và số tử vong giảm.

“Các Trung tâm hồi sức là chỗ dựa về mặt chuyên môn, tham gia trong chỉ đạo tuyến; hỗ trợ tầng 2 nâng cao chất lượng điều trị; thực hiện chuyển tuyến phù hợp, có sự hỗ trợ chuyên môn để phân loại bệnh nhân tốt; đánh giá đúng nguy cơ để chuyển bệnh viện phù hợp, chuyển tuyến an toàn. Đó là những điểm hết sức quan trọng và là thành công lớn trong công tác điều trị, góp phần giảm số ca tử vong trên địa bàn thành phố” - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh nhấn mạnh.

Ngành y tế cũng đã đưa các gói thuốc điều trị cho bệnh nhân tại nhà, bệnh nhân trong các khu cách ly. Cùng với đó, việc kết hợp quản lý F0 có sự hỗ trợ của tổ y tế lưu động, có sự tư vấn từ xa và triển khai các gói thuốc, bệnh nhân được can thiệp kịp thời ngay khi có dấu hiệu thiếu oxy tại nhà, từ đó, việc chuyển bệnh nhân nặng đến bệnh viện giảm đi rất nhiều.

Hiện nay, số ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh đã giảm từ mức dưới 200 đến dưới 100 trường hợp. Trong khi trước đó, ở thời điểm cao điểm đầu tháng 8, có đến 340 trường hợp tử vong/ngày; nghĩa là đã giảm đi khoảng 70% số ca tử vong. Có thể thấy, can thiệp 3 tầng điều trị đến nay đã thực sự phát huy hiệu quả và mang lại tín hiệu tích cực.

ThS.BS. Nguyễn Trọng Khoa đánh giá, đây là chiến lược đúng đắn với việc nhanh chóng triển khai đồng loạt các giải pháp phù hợp tình hình thực tế đã đưa thành phố trở lại trạng thái khả quan. Đồng thời, ông cũng đề cao chiến lược bao phủ vaccine toàn thành phố cho người dân khi tỷ lệ bao phủ mũi 1 đã hơn 94% và mũi 2 đang tiếp tục tăng lên tùy theo lượng vaccine đang có.

Với mô hình “tháp 3 tầng” địa phương sẽ đủ khả năng thu dung, tập trung nguồn lực cho những tầng trên; triển khai đầy đủ các can thiệp về y tế, giúp cho những bệnh nhân nặng và nguy kịch có cơ hội điều trị khỏi. Tầng 1 là điều trị các trường hợp triệu chứng nhẹ và không triệu chứng; tầng 2 là các bệnh viện dã chiến, bệnh viện chuyển đổi công năng chuyên thu dung các trường hợp có triệu chứng trung bình, có bệnh nền; tầng 3 là điều trị các trường hợp nặng và nguy kịch.

.

Hoàng Yến