Hiệu quả từ tái cơ cấu nông nghiệp toàn diện

- Thứ Hai, 11/05/2020, 08:11 - Chia sẻ
Thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đã thúc đẩy nông nghiệp Đồng Nai phát triển toàn diện theo hướng bền vững. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ nông sản ngày càng đặt ra nhiều yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm, do vậy ngành nông nghiệp tỉnh cần tiếp tục có những bứt phá.

Cơ cấu nguồn vốn đầu tư

Theo tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đồng Nai, dư nợ tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh đến tháng 2.2020 là 52,2 nghìn tỷ đồng, tăng gần 0,4% so với cuối năm 2019. Hiện nguồn vốn cho vay trong nông nghiệp, nông thôn đang chiếm gần 24,3% tổng dư nợ cho vay.


Trồng tiêu cho năng suất cao tại Đồng Nai

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, dù nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chỉ chiếm dưới 8% trong cơ cấu phát triển kinh tế của tỉnh, song nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực này lại rất lớn, gấp gần 3 lần so với bình quân chung cả nước, cho thấy mức độ thu hút và quan tâm của doanh nghiệp với ngành nông nghiệp Đồng Nai. Đây cũng là một trong những yếu tố giúp cho nông nghiệp, nông thôn của tỉnh phát triển, thu nhập bình quân trên 1ha đất sản xuất nông nghiệp cao hơn nhiều so với bình quân cả nước. Trong năm 2020, tỉnh Đồng Nai sẽ ưu tiên nguồn vốn vay cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân vùng nông thôn.

Mặc dù vậy, nông nghiệp vẫn là ngành có mức độ thu hút vốn bấp bênh, bởi mức độ rủi ro trong nông nghiệp cao, phụ thuộc nhiều yếu tố khách quan như thiên tai, dịch bệnh, thời tiết; nhu cầu đầu tư vốn cao và thời gian thu hồi vốn lâu. Để hạn chế rủi ro, phần lớn nguồn vốn chảy vào ngành nông nghiệp được tập trung đầu tư cho công nghệ cao.

Những năm gần đây, nông nghiệp công nghệ cao đã được ứng dụng vào sản xuất tại Đồng Nai, trong đó, ngoài 573ha cây trồng sản xuất theo chuẩn VietGAP, hơn 46 nghìn ha ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm; 100% diện tích cây trồng sử dụng giống mới... những mô hình này đã cho kết quả khả quan.

Theo nhiều “tỷ phú nông dân”, dù đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao cần số vốn không nhỏ, nhưng bù lại thu nhập mang lại rất lớn. Sau gần 10 năm gắn bó với nghề trồng lan và trải qua không ít khó khăn, thất bại, chị Vũ Thị Lan (khu phố 4, Phường Trảng Dài, TP Biên Hòa) đã phát triển vườn lan lên trên 20.000m2, trung bình mỗi tuần cung cấp cho thị trường trên 1.000 cành lan các loại. Theo chị Lan, để trồng 1.000m2 hoa lan, chi phí đầu tư khoảng 400 - 500 triệu đồng, với trên 20.000m2, chị đã phải bỏ ra số tiền gần chục tỷ đồng. “Đây là số tiền rất lớn với nông dân, nhưng nếu chúng ta có niềm đam mê và mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất thì nhất định sẽ làm giàu thành công” - chị Lan chia sẻ.

Giấc mơ cánh đồng lớn

Tại Đồng Nai đang sẵn có 4 loại hình tổ chức sản xuất nông nghiệp bao gồm: Nông hộ, hợp tác, trang trại và doanh nghiệp. Xu thế sản xuất mới hiện nay là khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25.10.2013 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, có 2 loại hình tổ chức sản xuất cần được tăng nhanh về số lượng và chất lượng là hợp tác xã nông nghiệp và doanh nghiệp.

Ngoài vai trò là hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, HTX còn có vai trò rất quan trọng trong liên kết sản xuất với các doanh nghiệp, đại diện cho nông dân, có tư cách pháp nhân tham gia các hình thức liên danh, liên kết hợp tác với doanh nghiệp trong cung ứng, sản xuất và bao tiêu sản phẩm nông sản.

Đi đầu trong thực hiện liên kết với nông dân xây dựng cánh đồng lớn là dự án trên cây ca cao của Công ty TNHH ca cao Trọng Đức. Theo ông Đặng Tường Mỹ, Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức, thời điểm ban đầu việc liên kết gặp rất nhiều khó khăn do kiến thức trồng, chăm sóc cây ca cao còn hạn chế và nhất là nông dân chưa thực sự tin vào hiệu quả của loại cây này. Năm 2015, khi dự án cánh đồng lớn cây ca cao được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt cũng là lúc những khó khăn của cây ca cao dần được tháo gỡ.

Sau nhiều năm triển khai dự án, diện tích cây ca cao trong dự án đã phát triển hơn 100%. Cụ thể, nếu như năm 2015, toàn tỉnh chỉ có khoảng 120ha, dự kiến cuối năm 2020, diện tích cây ca cao ở Đồng Nai đạt khoảng 800 - 1.000ha, trở thành vùng nguyên liệu quan trọng, bền vững cho ngành chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm từ cây ca cao. “Đây là minh chứng cho hiệu quả của dự án cánh đồng lớn mà công ty đang triển khai khi không chỉ doanh nghiệp mà cả nông dân đang có động lực rất lớn để thực hiện dự án” - ông Đặng Tường Khanh, Tổng Giám đốc Công ty Ca cao Trọng Đức cho biết.

Ngoài dự án cánh đồng lớn cây ca cao, Đồng Nai đã phê duyệt 16 dự án và đang xây dựng 16 dự án cánh đồng lớn khác đối với nhiều loại cây trồng như điều, lúa, ngô... Kết quả nổi bật và quan trọng nhất là hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất cho đến chế biến, tiêu thụ theo quy trình khép kín, đạt các tiêu chuẩn chất lượng cao, giúp nâng cao giá trị nông sản, gia tăng thu nhập một cách ổn định, bền vững cho nông dân.


Cánh đồng mẫu lớn ngô cao sản

Bài toán nhân lực nông nghiệp

Dân số Đồng Nai là cơ cấu dân số trẻ cộng với quá trình phát triển nhanh chóng của các khu công nghiệp tạo áp lực cho nguồn nhân lực ngành nông nghiệp ngày một thu hẹp. Những người còn gắn bó với đồng ruộng, chăn nuôi chủ yếu là lao động già hoặc người trẻ tận dụng thời gian nhàn rỗi.

Cộng thêm, Đồng Nai nằm trong vùng kinh tế trọng điểm quốc gia thu hút nhiều dự án đầu tư, do đó nhu cầu lao động tăng nhanh, lao động trong tỉnh không đủ đáp ứng, do đó hằng năm Đồng Nai thu hút lượng lớn lao động từ các tỉnh khác về làm việc. Tỷ lệ gia tăng dân số cơ học cao lại trở thành tín hiệu vui cho lĩnh vực cung cấp dịch vụ sinh hoạt như: nhà trọ, quán ăn… của người dân địa phương. Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp quy mô nông hộ không mang lại kinh tế cao, thu nhập không ổn định lại vất vả dẫn đến thiếu hấp dẫn người trẻ. Với việc “già hóa” nguồn lao động đòi hỏi ngành nông nghiệp Đồng Nai phải cải thiện chất lượng nguồn lao động. Mặc dù chất lượng lao động trong nông nghiệp tỉnh Đồng Nai luôn được xếp ở mức trung bình khá so với các tỉnh phía Nam, song vẫn luôn là điều đang lo ngại bởi số lao động trực tiếp làm nông nghiệp rất ít người qua trường lớp đào tạo dù chỉ là kỹ thuật cơ bản về trồng trọt và chăn nuôi, mà chủ yếu dựa trên kinh nghiệm đã lỗi thời.

Trong khi đó, mục tiêu phát triển nông nghiệp của tỉnh đòi hỏi người lao động không chỉ có kiến thức về kỹ thuật đơn thuần mà cần nhiều hơn nữa kiến thức về công nghệ mới, an toàn thực phẩm, hợp tác quản lý và kinh tế thị trường. Sự thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn sâu đặt ra yêu cầu cấp bách cho đào tạo nhân lực của tỉnh.

Từ năm 2008 đến nay, Đồng Nai đã tổ chức dạy nghề cho 55.550 lao động nông thôn, trong đó có 29.280 người học nghề nông nghiệp, chiếm 52,71% tổng số lao động học nghề. Trình độ đội ngũ cán bộ, công chức các cấp cũng từng bước được nâng lên rõ rệt: Trình độ chuyên môn trung cấp trở lên đạt 95,12%, trong đó trình độ đại học trở lên đạt 70,7%. Bộ máy làm công tác quản lý nhà nước về nông nghiệp, nông thôn được quan tâm, kiện toàn, đổi mới với lực lượng lao động cơ bản bảo đảm về số lượng và chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Song song với đào tạo cán bộ quản lý, lao động kỹ thuật, tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lao động cho nông dân bằng các hình thức phù hợp: Đào tạo ngắn hạn, tập huấn, đặc biệt là hình thức lấy nông dân giỏi hướng dẫn nông dân, đã có tác động rõ trong việc nâng cao trình độ đối với người lao động theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW của Trung ương. Nông dân được đào tạo có trình độ sản xuất ngang bằng các nước tiên tiến trong khu vực và đủ bản lĩnh chính trị, đóng vai trò làm chủ nông thôn mới. Kết quả, nông dân chủ động tiếp nhận các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Thông qua sản xuất đã xuất hiện nhiều nông dân sản xuất giỏi, với danh hiệu gắn với mặt hàng cụ thể (vua bắp, vua tiêu, vua bưởi, vua xoài...) được thị trường cả nước và thế giới vinh danh, công nhận; xuất hiện nhiều tấm gương “kỹ sư chân đất”…

Nông nghiệp công nghệ cao là nền sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, tích hợp nhiều ngành từ công nghệ cơ khí, điện tử, tự động hóa, hóa học, công nghệ số thông tin truyền thông, công nghệ sinh học, khí tượng, tài chính - quản trị kinh doanh, chế biến, bảo quản... để hình thành sản phẩm nông nghiệp chất lượng và hiệu quả cao. Thành công của nông nghiệp công nghệ cao không chỉ dựa vào vốn, đất, thể chế, mà quan trọng hơn là yếu tố nhân lực. Nhân lực nông nghiệp công nghệ cao là bài toán khó và thành quả từ nông nghiệp Đồng Nai đang từng bước giải bài toán ấy.

Từ triển khai thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đã thúc đẩy nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng bền vững. Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản toàn tỉnh Đổng Nai đạt mức tăng trưởng bình quân 10 năm 2008 - 2017 là 4,19%/năm, vượt mục tiêu đề ra. Trong đó, trồng trọt tăng 1,75 %/năm; chăn nuôi tăng 7,73%/năm; dịch vụ nông nghiệp tăng 6,01%/năm; lâm nghiệp tăng 7,45 %/năm; thủy sản tăng 4,56 %/năm.

Với mục tiêu đặt ra, tái cơ cấu nông nghiệp Đồng Nai đã cơ bản đạt các yêu cầu: Chất lượng sản phẩm phù hợp với yêu cầu ngày càng cao của thị trường, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm đa dạng, từng bước nâng hàm lượng công nghệ cao; khối lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp được nâng lên rõ rệt.

Minh Anh