Hiệu quả và chất lượng

- Thứ Tư, 11/11/2020, 08:28 - Chia sẻ
Nhìn lại hai ngày rưỡi hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chia sẻ, do đây là phiên chất vấn mang tính tổng kết cả nhiệm kỳ nên chính các ĐBQH và các thành viên Chính phủ không khỏi áp lực. Tuy nhiên, các đại biểu đều thống nhất cho rằng, đây là phiên chất vấn hiệu quả và chất lượng. Công tác chuẩn bị cho phiên chất vấn rất cẩn trọng, chu đáo; nhiều nội dung chất vấn trực diện, sắc bén, thẳng thắn, mang tính thời sự nóng hổi; các "tư lệnh" ngành đã thể hiện tinh thần cầu thị, ý thức trách nhiệm cao đối với lĩnh vực phụ trách và đặc biệt là, sự điều hành rất khoa học, hài hòa, khéo léo của chủ tọa.

ĐBQH Nguyễn Chiến (Hà Nội): Nắm bắt nhanh cốt lõi vấn đề, điều hành linh hoạt và chắc chắn

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này không giới hạn về nội dung, người trả lời chất vấn mà chỉ giới hạn về thời gian hỏi - trả lời, do đó, vai trò của chủ tọa điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn hết sức quan trọng. Trong hai ngày rưỡi, các ĐBQH chất vấn nhiều nội dung khác nhau, không tập trung thành nhóm vấn đề như thông lệ nhưng Chủ tịch Quốc hội đã bao quát, nắm bắt nhanh cốt lõi vấn đề được ĐBQH đặt ra để kịp thời “nhắc” bộ trưởng, trưởng ngành đi thẳng vào câu hỏi, không lãng phí thời gian của Quốc hội. Sự điều hành linh hoạt, chắc chắn của Chủ tịch Quốc hội không chỉ giúp bộ trưởng, trưởng ngành thuận lợi hơn trong việc trả lời mà cũng đòi hỏi bộ trưởng, trưởng ngành phải trả lời chính xác, không lan man ra ngoài nội dung được chất vấn.

Bộ trưởng Bộ NN - PTNT đã nghiên cứu kỹ các chất vấn của ĐBQH, chuyển thành hành động thực tế, trực tiếp lăn xả vào giải quyết những vấn đề “nóng” mà người dân đã và đang đối mặt. Một "tư lệnh" ngành khác tôi ấn tượng là Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Thời gian qua, ĐBQH và cử tri nhắc nhiều đến tình trạng viên chức là giáo viên phải vất vả đi học thêm chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, thậm chí có người phải “cơm đùm, cơm nắm” từ các tỉnh miền núi xuống Hà Nội để học, lấy chứng chỉ, tiêu tốn nhiều tiền bạc. Trong khi đó, việc học các chứng chỉ này không biết có lợi ích gì cho bản thân họ hay giúp nâng cao chất lượng giảng dạy hay không. Cử tri cũng phản ánh, có những công chức, viên chức phải đi học những chứng chỉ mình được đào tạo, đã thành thạo nghiệp vụ, nên rất bất cập. Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đã trả lời rõ ràng, nhận trách nhiệm, đồng thời khẳng định các nghị định, thông tư quy định về văn bằng, chứng chỉ trong tuyển dụng, xét nâng ngạch, bậc với công chức, viên chức đã và đang được sửa đổi, để loại bỏ những quy định không phù hợp với thực tế. 

Từ chuyển động của Bộ Nội vụ, tôi mong muốn, những vấn đề nằm trong phạm vi thẩm quyền, chức năng, có thể giải quyết được hiện nay sẽ được các bộ trưởng, trưởng ngành quan tâm khẩn trương giải quyết. Với những vấn đề đòi hỏi có giải pháp căn cơ, lâu dài cũng sẽ có phương án và kế hoạch để từng bước thực hiện lời hứa với ĐBQH và cử tri. 

ĐBQH Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng): Cơ bản các đại biểu đã chất vấn đúng, trúng vấn đề

Đây là phiên chất vấn cuối cùng trong nhiệm kỳ Khóa XIV, ĐBQH có thể chất vấn về bất kỳ nội dung gì liên quan tới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thực thi pháp luật của tất cả các cơ quan của Chính phủ, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tòa án Nhân dân Tối cao. Các thành viên Chính phủ, thủ trưởng các cơ quan tư pháp đều phải chuẩn bị sẵn sàng để trả lời chất vấn tại Quốc hội. Với cách tiến hành như vậy, phiên chất vấn lần này rõ ràng tạo áp lực rất lớn đối với các ĐBQH, phải thể hiện được trách nhiệm của mình trong thực hiện chức năng giám sát của Quốc hội; đồng thời, cũng tạo sức ép lớn đối với các "tư lệnh" ngành phải trả lời chất vấn. 

Công tác chuẩn bị cho phiên chất vấn rất cẩn trọng, chu đáo. Nhìn chung các ĐBQH và các thành viên Chính phủ, bộ trưởng, trưởng ngành đều sẵn sàng thể hiện trách nhiệm cao nhất trước cử tri và nhân dân cả nước. Trong hai ngày rưỡi tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn, đã có tới 122 đại biểu chất vấn, trung bình mỗi đại biểu đặt từ 1 đến 3 câu hỏi. Cơ bản, các đại biểu đã chất vấn rất đúng, trúng vấn đề. Câu hỏi ngắn gọn, súc tích, rõ ràng để các "tư lệnh" ngành có thể trả lời.

Các câu hỏi được ĐBQH nêu ra đều đã được các "tư lệnh" ngành trả lời rõ ràng, đầy đủ, thấu đáo, chỉ rõ được nguyên nhân của hạn chế và nhận trách nhiệm trong những vướng mắc, tồn tại. Quan trọng hơn, hầu hết các "tư lệnh" ngành đều đưa ra được các giải pháp giải quyết những vướng mắc, tồn tại đó. Chính vì vậy, tôi đánh giá rất cao công tác chuẩn bị cũng như tinh thần cầu thị, ý thức trách nhiệm của các "tư lệnh" ngành.

Chủ tọa điều hành phiên chất vấn rất khoa học, linh hoạt, hài hòa và khéo léo. Nhiều ĐBQH đánh giá, đôi khi chủ tọa rất dí dỏm, tạo ra không khí tranh luận, thảo luận sôi nổi, giảm bớt những căng thẳng không cần thiết, giúp cho các "tư lệnh" ngành, thành viên Chính phủ, thủ trưởng các cơ quan tư pháp bình tĩnh, tự tin trả lời thấu đáo, đầy đủ các chất vấn của ĐBQH. 

ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh): Nhiều chất vấn trực diện, sắc bén

Phiên chất vấn tại kỳ họp này rất đặc biệt. Trước đó, chúng tôi đã nhận được hơn 900 trang báo cáo đánh giá việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ Khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ Khóa XIII. Những kết quả đạt được, hạn chế đều được các "tư lệnh" ngành, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao nhìn nhận thẳng thắn. 

Ngay tại phiên chất vấn, các ĐBQH đã đặt câu hỏi rất trực diện, sắc bén, thẳng thắn, nhiều vấn đề mang tính thời sự nóng hổi như: Bảo vệ môi trường, bảo vệ, phát triển rừng, vấn đề biến đổi khí hậu, bão lũ miền Trung, các giải pháp sống chung với dịch Covid-19… Nhiều đại biểu không ngại tranh luận lại với các bộ trưởng khi nhận thấy câu trả lời chưa thật sự xác đáng. Thậm chí, chúng ta cũng thấy ĐBQH chất vấn cả Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội đã trả lời rất rõ ràng, thỏa đáng vấn đề đại biểu đặt ra. 

So với các phiên chất vấn trước, phiên chất vấn lần này bao quát, toàn diện. Chúng ta chất vấn hầu hết các bộ trưởng, trưởng ngành; các Phó Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng giải trình, làm rõ thêm nội dung thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ. Nội dung chất vấn không bị giới hạn cũng là thách thức đối với các "tư lệnh" ngành. Nhưng rất mừng là các vị trưởng ngành đều nắm rõ lĩnh vực quản lý của mình, nêu được mục tiêu, giải pháp. Qua phiên chất vấn, cũng là cơ hội để chúng ta nhìn lại ngành này, lĩnh vực này đã làm được gì suốt 5 năm qua, vấn đề nào cần tiếp tục cố gắng khắc phục.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên họp rất uyển chuyển. Chúng ta hỏi nhanh, đáp gọn nên hầu như các đại biểu đăng ký chất vấn và tranh luận đều có thời lượng. Phiên chất vấn mang tính tổng kết nhiệm kỳ rất cần được duy trì, tiếp tục phát huy ở các nhiệm kỳ sau của Quốc hội.

H.Ngọc, T. Thành, T.Chi, P. Thủy