Hội nghị phát triển bền vững Đồng bằng sông cửu long thích ứng với biến đổi khí hậu

“Hiệu triệu” các ý tưởng lớn

- Thứ Ba, 26/09/2017, 08:29 - Chia sẻ
Hôm nay, tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì Hội nghị Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm lấy ý kiến giúp Chính phủ xem xét một cách toàn diện, có hệ thống, nhận diện đầy đủ tiềm năng cũng như những thách thức đang đặt ra đối với ĐBSCL.

Biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng

 “ĐBSCL là vùng tiềm năng lớn nhưng hết sức nhạy cảm. Một vùng đất nước luôn quyện với nhau, đất không có nước trở thành phèn chua, đất có nước mới làm nên giá trị. Chúng ta cần chuẩn bị một cách khẩn trương, khoa học và bài bản để hội nghị  tới có thể làm rõ hơn nữa mối quan hệ giữa đất - nước với con người khu vực này để có những đề xuất với Chính phủ về định hướng phát triển ĐBSCL theo từng vùng sinh thái kinh tế một cách bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu”.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường TRẦN HỒNG HÀ

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, biến đổi khí hậu đang diễn ra mạnh mẽ, các diễn biến gần đây được ghi nhận vượt xa so với dự báo, đặc biệt ở vùng ĐBSCL.

Thực tế thời gian qua cho thấy, vùng ĐBSCL luôn phải đối mặt với tác động của biến đổi khí hậu. Theo số liệu ghi nhận trong 30 năm qua, nhiệt độ của khu vực đã tăng lên 0,5 độ C, mực nước cao nhất tại Cần Thơ tăng lên 0,4m nhưng mực nước thấp nhất lại hạ thêm gần 0,2m. Tỷ lệ bão đổ vào ĐBSCL/số cơn bão đổ vào nước ta tăng gần 5 lần so với 100 năm trước đó. Còn theo kết quả khảo sát, nghiên cứu của Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, hàng năm, từ tháng 9 - 11, ở TP Cần Thơ ngập do triều cường với độ sâu phổ biến từ 0,3 - 1,5m và thời gian ngập 2 - 6 tháng. Từ cuối năm 2016, lượng phù sa từ thượng nguồn sông Mê Kông về ĐBSCL cũng thay đổi rất nhiều, chỉ còn khoảng 85 triệu tấn, giảm gần một nửa so với trước năm 2009 (khoảng 160 triệu tấn). Về lâu dài, những tác động do biến đổi khí hậu gây ra cho nước ta dự báo sẽ còn nghiêm trọng hơn rất nhiều, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cảnh báo.

GS. Võ Tòng Xuân - chuyên gia nông nghiệp đã có nhiều năm nghiên cứu về vùng đất chín rồng nhận định: Trong các nguy cơ lớn mà ĐBSCL đang, sẽ phải đối mặt, nguy cơ đầu tiên là biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Do đó, hội nghị định hình chuyển đổi mô hình phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu có ý nghĩa rất quan trọng đối với phát triển của vùng trong giai đoạn mới. Trong khi đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Hồng Tịnh cho rằng: “Vấn đề của ĐBSCL không còn là việc kiểm soát lũ, chống hạn, xâm nhập mặn... mà phải có những kịch bản, giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ hiệu quả để người dân nơi đây sống chung với hạn, mặn, lũ. Đây được xem là nhiệm vụ quan trọng của các nhà hoạch định chính sách và khoa học công nghệ”.


Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thị sát tình trạng sạt lở tại Cà Mau

Huy động sáng kiến, nguồn lực

Trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân về ý nghĩa của hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định: Từ trước đến nay chưa có một hội nghị nào phân tích, nhận dạng đầy đủ những khó khăn của khu vực ĐBSCL trước thách thức biến đổi khí hậu. Hội nghị sẽ thu hút khoảng 600 đại biểu, nhà khoa học trong và ngoài nước, các nhà quản lý, đại diện các địa phương và các nhà tài trợ tham dự… Thông qua hội nghị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mong muốn sẽ xem xét một cách toàn diện, hệ thống, huy động được các sáng kiến, nhằm tạo ra những đột phá trong tư duy, thống nhất hành động của toàn xã hội nhằm định hình mô hình phát triển bền vững của ĐBSCL trong sự liên kết, gắn kết hữu cơ giữa tự nhiên và con người, giữa các địa phương trong và ngoài vùng, tiểu vùng sông Mekong. Đồng thời, huy động sự hỗ trợ về kinh nghiệm, nguồn lực… của các tổ chức quốc tế và các đối tác phát triển cho chuyển đổi lớn vùng ĐBSCL.

Cũng theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, trong khuôn khổ hội nghị sẽ có các phiên họp chuyên đề như: Phiên họp về tổng quan về thách thức, cơ hội và giải pháp chuyển đổi mô hình ĐBSCL; nông nghiệp bền vững, hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai và sạt lở; quy hoạch tổng thể và phát triển hạ tầng cho ĐBSCL; về huy động, điều phối nguồn lực cho phát triển ĐBSCL... Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì phiên họp toàn thể và xem xét ban hành nghị quyết của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Rõ ràng biến đổi khí hậu đã và đang là thách thức rất lớn của ĐBSCL nói riêng và của Việt Nam nói chung. Vấn đề đặt ra hiện nay là chúng ta phải tăng tốc tìm ra các giải pháp cấp bách lẫn lâu dài để người dân không bị các cú sốc do biến đổi khí hậu gây ra. Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà: Hội nghị Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ hiệu triệu các ý tưởng lớn giúp Chính phủ và các địa phương xác định những nhóm giải pháp chiến lược về chuyển đổi có quy mô lớn nhằm phát triển bền vững ĐBSCL với tầm nhìn đến năm 2100, chủ động trước những xu thế, diễn biến, biến đổi không thể đảo ngược về điều kiện tự nhiên.

Chí Tuấn