Hình dung về chế độ Taliban 2.0

- Thứ Tư, 18/08/2021, 05:32 - Chia sẻ
Đúng 20 năm sau khi bị lật đổ, Taliban đã trở lại, hoàn toàn kiểm soát Afghanistan. Câu hỏi đặt ra lúc này là chế độ Taliban phiên bản 2.0 sẽ như thế nào?

Tìm kiếm sự công nhận

Ngày 15.8, Taliban làm chủ Thủ đô Kabul của Afghanistan. Trước đó, các cánh quân Taliban tiến về thủ đô từ tất cả các phía đều dừng lại ở cửa ngõ Kabul để "chờ kết quả cuộc đàm phán chuyển giao quyền lực trong hòa bình". Tất nhiên vào thời điểm đó, cuộc đàm phán hoàn toàn không còn bình đẳng được nữa bởi lực lượng Taliban đã làm chủ gần như toàn bộ đất nước, các cơ quan chính quyền địa phương và quân đội Afghanistan đều đầu hàng vô điều kiện.

Tổng thống Mỹ Joe Biden nói thẳng: "Trong 20 năm qua, chúng ta đã chi hơn 1.000 tỷ USD để huấn luyện và trang bị vũ khí hiện đại cho hơn 300.000 quân nhân Afghanistan. Các thủ lĩnh Afghanistan cần hợp sức lại". Ông đã thẳng thắn về một chính quyền có cả sự hiện diện của Taliban, đặt dấu chấm hết cho chính quyền của Tổng thống Ashraf Ghani. Ông Ghani vội vã lên máy bay và sau đó hạ cánh an toàn xuống đất nước láng giềng Tajikistan.

Viện sĩ Vitaly Naumkin thuộc Viện Đông phương học Nga nhận định trong cuộc trả lời phỏng vấn của Interfax, Mỹ và Nga hy vọng một chính phủ liên hiệp giữa Taliban và chính quyền Ghani để quản lý đất nước. Sự bỏ chạy của ông Ghani làm tiêu tan hy vọng đó và giờ đây, một chính quyền tương lai chắc chắn sẽ "chỉ có Taliban". 20 năm nước, phong trào này đã tháo chạy khỏi Kabul. Các đơn vị tinh nhuệ nòng cốt chạy sang nước láng giềng Pakistan. Giờ đây, sự trở lại của họ khiến cộng đồng thế giới và nhân dân trong nước không khỏi hoang mang.

Chỉ sau khi ông Ghani bỏ chạy, các thủ lĩnh Taliban mới ra lệnh cho binh sĩ của mình tiến vào Kabul "để bảo đảm trật tự trị an vì các đồn cảnh sát thủ đô đã hoàn toàn tan rã". Vì sao Taliban dừng lại khá lâu trước cửa ngõ Kabul để đàm phán với chính quyền Ghani trong khi thế và lực của họ đang mạnh như chẻ tre? Bởi cả Liên Hợp Quốc, EU và Mỹ đều tuyên bố sẽ không công nhận chính quyền mới ở Afghanistan nếu Taliban giành nó bằng vũ lực. Điều đó cho thấy, Taliban rõ ràng khá kiên nhẫn để tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với sự cầm quyền sắp tới của mình.

Tuy nhiên, vấn đề trước mắt mà Taliban phải đối mặt đó là việc họ sẽ bước chân đến quyền lực theo cách nào. Trong sự hỗn loạn sau khi quân đội tiếp quản Kabul, vẫn chưa rõ liệu họ sẽ thành lập một chính phủ mới thông qua đồng thuận hay vũ lực. “Taliban phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu họ không tham gia đàm phán thì đó sẽ là sự thiếu hợp pháp ngay từ khi chế độ của họ bắt đầu”, ông Ali Yawar Adili, Giám đốc Mạng lưới các nhà phân tích Afghanistan nhận định. “Vẫn còn phải xem liệu họ có tham gia đàm phán để cố gắng và nhận được sự đồng thuận từ xã hội hay không. Câu hỏi thứ hai là họ sẽ thiết lập hệ thống quản trị nào”, ông Adili bình luận.

Chế độ Hồi giáo dễ thở hơn?

Trong một tuyên bố ngày 15.8 sau khi kiểm soát Kabul, Taliban đã khẳng định sẽ thiết lập lại một Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan. Điều đó làm dấy lên mối lo ngại về một phiên bản cai trị với Luật Sharia nghiêm ngặt và loại trừ các chế độ bầu cử dân chủ. Mỹ và nhiều nước châu Âu lo ngại nền móng của một xã hội dân sự được xây dựng 20 năm nay có thể bị hủy hoại dưới thời Taliban. Các quyền của phụ nữ, báo chí và truyền thông xã hội bị xâm phạm.

Với một chính quyền theo chủ thuyết Hồi giáo như Taliban, điều đó hoàn toàn có thể nhưng trước mắt, Taliban tuyên bố họ không muốn sống cô lập với thế giới, đồng thời cam kết thành lập một chính phủ cởi mở và bao trùm. Các quyền của phụ nữ, dân tộc thiểu số, cũng như quyền tự do ngôn luận sẽ được tôn trọng trong khuôn khổ luật Sharia.

"Tính mạng, tài sản và danh dự của người dân sẽ không bị tổn hại nhưng phải được bảo vệ bởi lực lượng Hồi giáo", phát ngôn viên Suhail Shaheen của Taliban, đang đóng trụ sở tại Doha, cho biết hôm 16.8. Trước đó, trong một tuyên bố ngoại giao với các cường quốc trong khu vực, đại diện của Taliban đã đưa ra lời hứa tôn trọng quyền phụ nữ cũng như kiềm chế các nhóm khủng bố trên đất Afghanistan.

Theo Hãng tin Reuters, Taliban sẽ áp dụng chính sách không can thiệp vào nội bộ nước khác để đổi lấy việc không can thiệp vào Afghanistan. Phần lớn giới chuyên gia am hiểu Afghanistan cho rằng trọng tâm của Taliban trong thời gian tới sẽ là những vấn đề trong nước. Họ sẽ quản lý một cách mềm mỏng hơn sau 20 năm sống dưới sự che chở của người dân. Còn với các nước xung quanh, họ có rất ít thời gian và tài nguyên cho những cuộc phiêu lưu quốc tế không nhiều ảnh hưởng tới chính Afghanistan.

Trong khi đó, ông Sajjan Gohel, một chuyên gia về Nam Á tại Trường Kinh tế London, bày tỏ sự hoài nghi khi cho rằng, ngay cả khi Taliban giữ lời hứa về việc thiết lập một chính phủ bao trùm, thì rất có khả năng nó sẽ chỉ là tạm thời với kết quả cuối cùng tương tự như những gì đã xảy ra trong cuộc cách mạng Hồi giáo Iran.

Trên đường phố, người ta có thể nhanh chóng nhận ra nỗi ám ảnh của người dân về chế độ Taliban trong quá khứ. Đường phố ở Thủ đô Kabul trở nên vắng vẻ một cách kỳ lạ từ chiều 15.8. Trước đó trong ngày, người dân địa phương đã tập trung đến các ngân hàng để rút tiền tiết kiệm và đổ xô đến các chợ với cố gắng tích trữ thực phẩm. "Mọi người đều sợ hãi. Họ lo lắng cho gia đình, đặc biệt là vợ và con gái của họ", Sayed - một người dân Kabul - cho biết.

Những người đi trên phố không còn dám mặc quần jean và áo phông nữa. Họ đang mặc trang phục shalwar kameez truyền thống của Afghanistan và hầu như không thấy bóng dáng phụ nữ. Lực lượng cảnh sát và an ninh liên kết với chính phủ thân phương Tây đã thay đồng phục ra để mặc quần áo dân sự. Những người khác quàng khăn trắng - màu tượng trưng cho Taliban.

Lực lượng Taliban kiểm soát Phủ Tổng thống Afghanistan sau khi chếm thủ đô Kabul ngày 15.8 - Nguồn:  Washington Post

Nỗi lo của các nước

Trung Quốc, với một đường biên giới không dài với Afghanistan nhưng tiếp cận Khu tự trị Tân Cương, tất nhiên có rất nhiều băn khoăn. Trung Quốc lo ngại rằng Afghanistan sẽ bị phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM) - một nhóm cực đoan được thành lập bởi các phần tử thánh chiến người Duy Ngô Nhĩ (Uyghur) ở miền Tây Trung Quốc, lợi dụng để làm căn cứ và phát động các cuộc tấn công vào Tân Cương. Vấn đề này đã được Ngoại trưởng Vương Nghị đưa ra trong cuộc gặp các thành viên cấp cao của Taliban tháng 7 vừa qua. Đổi lại, Taliban cam kết sẽ “không bao giờ cho phép bất cứ lực lượng nào sử dụng lãnh thổ Afghanistan để thực hiện những hành động gây bất lợi cho Trung Quốc”.

Nhưng những rủi ro an ninh không chỉ giới hạn ở vùng biên giới của Trung Quốc. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã đầu tư mạnh mẽ vào Trung Á thông qua các dự án phát triển cơ sở hạ tầng và thương mại trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai - Con đường. Chính vì vậy, tác động của việc Taliban lên nắm quyền tại Afghanistan đối với các nhóm phiến quân Hồi giáo có thể đe dọa những lợi ích kinh tế và chiến lược của Trung Quốc trong khu vực rộng lớn hơn.

“Mặc dù Bắc Kinh đánh giá rất thực tế về cán cân quyền lực ở Afghanistan nhưng họ luôn tỏ ra không thoải mái đối với chương trình nghị sự của Taliban. Chính phủ Trung Quốc lo ngại thành công của Taliban tại Afghanistan sẽ truyền cảm hứng cho các lực lượng nổi dậy khác trên khắp khu vực”, ông Andrew Small, một nhà nghiên cứu cấp cao của Quỹ Marshall Đức có trụ sở tại Washington nhận định.

Nga lo ngại chính quyền Taliban sẽ "thả cửa" cho ma túy tràn vào Tajikistan và từ đó vào Nga. Việc ngăn chặn "những con sói đơn độc" - các phần tử khủng bố Hồi giáo dùng Afghanistan làm bàn đạp xâm nhập Trung Á cũng khiến Nga lo lắng. Tuy nhiên, việc Taliban nắm quyền hơn 20 năm trước không hề tạo ra những mối nguy nói trên. Với thành phần chính là người Pashtun, Taliban gần như không muốn vượt qua khu vực của người Tajikistan ở phía Bắc, nơi thủ lĩnh Ahmad Shah Massoud cai quản. Nhiều khả năng hơn, chính quyền mới ở Afghanistan có thể tạo ra những nhân tố mới đối với nền chính trị Pakistan "đồng văn đồng chủng", đặc biệt là khi tranh chấp Kashmir với Ấn Độ bùng phát trở lại.

Việc Taliban nhanh chóng chiếm quyền kiểm soát ở Kabul cũng gây ra những hoang mang về làn sóng di cư đối với các quốc gia khác trong khu vực và nền kinh tế của họ, như Iran, Iraq, Tajikistan, Turkmenistan, Uzbekistan và đặc biệt là Pakistan, nơi đang gánh khoản nợ công lớn. Bà Shamaila Khan, người đứng đầu bộ phận nợ của thị trường mới nổi tại AllianceBerntein, cảnh báo các quốc gia láng giềng sẽ phải đối phó với làn sóng người tị nạn trong thời gian tới. Ước tính có khoảng 400.000 người Afghanistan đã rời bỏ nhà cửa trong năm nay. Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn cho hay có khoảng 2,6 triệu người tị nạn Afghanistan trên toàn thế giới, gồm 1,4 triệu người ở Pakistan và 1 triệu người ở Iran.

Đạt Quốc