Hình thành nền tảng số cho xã hội học tập

- Thứ Năm, 04/11/2021, 06:10 - Chia sẻ
Nguyễn Sơn Hải - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo

Trong thời gian dịch Covid-19, gần 80% học sinh ở Việt Nam được tiếp cận dạy học trực tuyến ở các mức độ khác nhau. Có 14 kênh truyền hình của Trung ương và địa phương thường xuyên phát chương trình ôn tập và dạy học. Kho dữ liệu của Bộ GD - ĐT đã được bổ sung hàng năm các bài giảng, học liệu và kết nối với Hệ tri thức Việt số hóa chia sẻ dùng chung cho cả nước (với gần 7.000 bài giảng trực tuyến, trong đó có 1.500 video bài giảng trên truyền hình có chất lượng).

Việc sử dụng phần mềm dạy học trực tuyến cũng được Bộ GD - ĐT quy định cụ thể trong Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT ngày 30.3. Để khắc phục những khó khăn về thiết bị dạy học trực tuyến cho học sinh, Bộ GD - ĐT đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai chương trình Sóng và máy tính cho em. Tính đến ngày 3.11, ngành giáo dục đã huy động được hơn 145 tỷ đồng, hơn 1 triệu máy tính, hơn 29 nghìn máy tính bảng và hơn 30 nghìn điện thoại thông minh, hỗ trợ học sinh thuộc đối tượng có hoàn cảnh khó khăn.

Hiện nay, Bộ trưởng Bộ GD - ĐT đang trình Thủ tướng xem xét phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong GD - ĐT giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu đổi mới mạnh mẽ phương thức dạy và học, quản lý nhà nước về giáo dục và quản trị nhà trường, tạo chuyển biến rõ nét về chất lượng và hiệu quả của hệ thống giáo dục quốc dân, hình thành nền tảng số cho xã hội học tập, tạo cơ hội tiếp cận giáo dục quốc dân, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội đất nước.

Ngoài các mục tiêu về đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục, quản trị cơ sở giáo dục, đổi mới phương thức cung cấp dịch vụ hành chính công của các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, nâng cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ người học của các cơ sở giáo dục, ngành giáo dục đặt mục tiêu đổi mới mạnh mẽ phương thức dạy và học, hình thức kiểm tra đánh giá tương tác trải nghiệm trên môi trường số trở thành hoạt động giáo dục thiết yếu, hàng ngày với mỗi người học và mỗi nhà giáo, nâng cao năng lực tự học của người học; qua đó, xác định dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình là phương thức giáo dục mới nhằm bổ trợ (song hành) cho dạy học truyền thống trong giáo dục phổ thông, là một phương thức đào tạo trong giáo dục đại học.

Cẩm Vân ghi