Thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế:

Hình thành văn hóa an sinh cho người lao động

- Thứ Hai, 01/11/2021, 07:01 - Chia sẻ
Bảo hiểm xã hội đã thực sự trở thành trụ cột của lưới an sinh xã hội. Tuy nhiên, do thời gian đóng quá dài, chế độ hưởng chưa đủ sức hấp dẫn, nên số lượng người chủ động tham gia bảo hiểm xã hội chưa nhiều. Các đại biểu Quốc hội đề nghị, cần nghiên cứu sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội để giảm thời gian đóng mức tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm và tiến tới có thể là 10 năm; bảo đảm nguyên tắc đóng - hưởng công bằng, bình đẳng, phát triển bền vững; hướng tới hình thành văn hóa an sinh cho người lao động.
Đại biểu Quốc hội thảo luận trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Hà Giang

Chế độ hưởng chưa đủ sức hấp dẫn

Việc thực hiện mục tiêu của Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23.5.2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đang là một thách thức lớn. Đó là lo ngại của nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại Phiên thảo luận trực tuyến về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vừa qua.

Theo ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình), tính đến ngày 31.12.2020, số người tham gia bảo hiểm xã hội chỉ đạt 33,5%. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, doanh thu của bảo hiểm xã hội gặp khó khăn, nhiều lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh bị mất việc làm không còn thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, thì càng khó đạt mục tiêu của Nghị quyết 28 đề ra, tức là đạt 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Nhìn từ góc độ phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, ĐBQH Nguyễn Duy Minh (Đà Nẵng) cho biết thêm, tính đến hết năm 2020, tổng số đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tăng 2,6% so với năm 2019, nhưng đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc là hơn 15 triệu người, giảm 1% so với năm 2019. Số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần cũng tăng hơn 52.000 người so với năm 2019. Điều này cho thấy việc mở rộng và phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội còn dưới mức tiềm năng và chưa vững chắc. Đồng thời, chưa phù hợp với nội hàm của loại hình bảo hiểm xã hội bắt buộc là người sử dụng lao động và người lao động phải tham gia và coi đây như “hành trang” không thể thiếu khi tham gia thị trường lao động.

Đi sâu vào phân tích nguyên nhân, các đại biểu cho rằng, thời gian tham gia bảo hiểm xã hội dài là một trong những nguyên nhân khiến chế độ hưởng chưa thực sự hấp dẫn. ĐBQH Hoàng Ngọc Định (Hà Giang) thẳng thắn, điều kiện hưởng lương hưu của người lao động là đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên. Theo Điều 73 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, tăng tuổi nghỉ hưu từ ngày 1.1.2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường là đủ 60 tuổi, 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi, 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028, và cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2015 theo Nghị định số 235 của Chính phủ.

Tâm lý của một bộ phận lao động không muốn tham gia và khi đã tham gia thì lại muốn thôi không tham gia nữa để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần, dẫn đến tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần gia tăng, tác động rất lớn đến chính sách an sinh xã hội của Nhà nước. Theo đó, đại biểu Hoàng Ngọc Định kiến nghị, Chính phủ phải có phương án linh hoạt trong việc quy định thời gian tham gia đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động được tiếp cận, thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội, điều này cũng phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội

Khẳng định dư địa phát triển bảo hiểm xã hội còn rất lớn, ĐBQH Lò Thị Luyến (Điện Biên) cho biết, theo số liệu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đến hết năm 2020 vẫn còn khoảng 66,5% người lao động trong độ tuổi chưa tham gia bảo hiểm xã hội. Để đạt mục tiêu Nghị quyết số 28 cần sự nỗ lực, cố gắng lớn của hệ thống chính trị. Theo đó, Chính phủ cần đánh giá vì sao kết quả tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện còn cách xa so với tiềm năng. Người lao động đã nhận thức được đầy đủ về vai trò, ý nghĩa, giá trị của việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hay chưa? Nhất là khi, bảo hiểm xã hội tự nguyện có những chính sách rất ưu việt, ổn định như được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng, phương thức đóng thì linh hoạt. Song, một bộ phận không nhỏ người dân vẫn không biết có chính sách này, hoặc có biết nhưng lơ mơ không hiểu quyền lợi, cách thức đóng thế nào, mua bảo hiểm xã hội ở đâu. Và họ cũng không phân biệt được chính sách bảo hiểm xã hội của Nhà nước do Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức thực hiện giống hay khác gì so với các hoạt động bảo hiểm thương mại do các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm thực hiện. 

Các ĐBQH chỉ ra thực tế, công tác tuyên truyền đang tập trung đối tượng là người lao động, người sử dụng lao động trong khu vực doanh nghiệp, còn những người lao động ở khu vực khác như lao động tự do, tiểu thương khu vực đô thị, nông dân ở khu vực nông thôn chưa được quan tâm tuyên truyền, khá nhiều trong số họ đang mua bảo hiểm nhân thọ của các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm. Vì các doanh nghiệp có đội ngũ tư vấn trực tiếp đến tận đối tượng, sẵn sàng đeo bám và tư vấn khách hàng khi dự đoán khách hàng có tiềm năng, nhưng Bảo hiểm xã hội Việt Nam chưa làm được việc này.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, các đại biểu Quốc hội đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần tiếp tục tăng cường hơn nữa hoạt động tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, giúp họ nhận thức đầy đủ giá trị, tính ưu việt của chính sách bảo hiểm xã hội. Bảo hiểm xã hội các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong hệ thống chính trị để xây dựng mạng lưới cộng tác viên, tuyên truyền viên về chính sách bảo hiểm xã hội đến tận thôn, phố, bản…

 Mặt khác, để giải quyết câu chuyện quyền lợi khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa thật sự hấp dẫn, chỉ có chế độ hưu trí và tử tuất trong thời gian đóng bảo hiểm để được hưởng chế độ hưu trí thì dài, đại biểu Nguyễn Duy Minh cho rằng, cần sớm nghiên cứu sửa đổi quy định về điều kiện thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để được hưởng chế độ từ 20 năm xuống 15 năm, tiến đến còn 10 năm như theo Nghị quyết 28 đã đề ra. Nghiên cứu có gói bảo hiểm xã hội ngắn hạn với mức đóng, mức hưởng phù hợp, nhất là đối với công nhân lao động. Thực tế, công nhân lao động thường làm việc trong một khoảng thời gian ngắn, khoảng 5 đến 10 năm, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, như về quê, chuyển đổi ngành nghề hoặc gặp khó khăn về tài chính nên không thể tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội, dẫn đến tình trạng bán sổ bảo hiểm xã hội như những năm qua. Sửa đổi quy định như vậy cũng hạn chế tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Bảo hiểm xã hội đã thực sự trở thành trụ cột của lưới an sinh xã hội, góp phần nâng cao khả năng chống chịu, phòng ngừa và khắc phục rủi ro cho người lao động trong quá trình tham gia. Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu rõ, sẽ khẩn trương đề xuất Quốc hội xem xét, sửa đổi một cách căn cơ Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm, trong đó phải thể chế hóa cho được Nghị quyết 28 của Trung ương; tập trung vào một số chính sách như: Giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội mức tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm và tiến tới có thể là 10 năm; bảo đảm nguyên tắc bảo hiểm đóng - hưởng công bằng, bình đẳng và phát triển bền vững; phát triển lực lượng tham gia khu vực phi chính thức, điều chỉnh chính sách hưởng một lần… Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, trước mắt sẽ tập trung đổi mới công tác tuyên truyền để lao động khi bước vào thị trường hiểu, đồng tình và chủ động tham gia, hướng tới hình thành văn hóa an sinh cho người lao động.

Anh Thảo