Hồ Chí Minh - vị đại biểu Quốc hội mẫu mực

- Thứ Sáu, 01/01/2021, 08:17 - Chia sẻ
TS. Chu Đức Tính - Nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh
Liên tục tham gia Quốc hội từ Khóa I năm 1946 đến khi qua đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gương mẫu thực hiện trách nhiệm của người đại biểu nhân dân; thường xuyên nêu gương cần, kiệm, liêm, chính.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận lá phiếu bầu đại biểu Quốc hội Khóa II năm 1960
Ảnh: TL

Sáng suốt lựa chọn người xứng đáng

Tháng 9.1945, trong bài Chính phủ là công bộc của dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở chọn lựa những người tốt vào Ủy ban Nhân dân các làng, phủ. Người nhắc phải chọn những người công tâm, trung thành, sốt sắng với quyền lợi dân chúng, được dân làng tín nhiệm. Dứt khoát không thể để ai “nhờ tiền tài hay một thế lực gì khác mà chui lọt vào các ủy ban đó”. Người cũng cảnh báo việc các nhân viên ủy ban lợi dụng danh nghĩa ủy ban để “tìm cách gây bè cánh, đưa người trong nhà, trong họ vào làm việc với mình”.

Ngày 5.1.1946,  khi tiếp xúc với cử tri tại Việt Nam học xá, Bác đã nói: “Làm việc nước bây giờ là hy sinh, là phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung. Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu. Ngày mai không ai ép, không ai mua, toàn dân sẽ thực hiện cái quyền dân chủ ấy”. 

Không nhận đặc cách, tôn trọng lựa chọn của cử tri

Được tin Chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh ứng cử đại biểu Quốc hội ở Thủ đô Hà Nội, gần đến ngày bầu cử, 118 vị là Chủ tịch Ủy ban Hành chính và đông đảo đồng bào ở Hà Nội đã đề nghị cụ Hồ Chí Minh không phải ra ứng cử trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới; ủng hộ và suy tôn vĩnh viễn cụ Hồ Chí Minh là Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trước thịnh tình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết một bức thư cảm tạ và đề nghị đồng bào cho Người thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân. Bức thư có đoạn viết: “Tôi rất cảm động thấy toàn thể đồng bào ngoại thành Hà Nội đã có lòng quá yêu tôi mà quyết nghị tôi không phải ứng cử trong kỳ Tổng tuyển cử sắp tới. Nhưng tôi là công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nên tôi không thể vượt qua thể lệ Tổng tuyển cử đã định. Tôi đã ứng cử ở thành phố Hà Nội nên cũng không thể ra ứng cử ở nơi nào khác nữa…”.

Cuộc Tổng tuyển cử Quốc hội khóa đầu tiên ở nước ta diễn ra trong điều kiện thù trong, giặc ngoài, tình hình kinh tế - xã hội hết sức khó khăn. Song Nhân dân ta đã đặt niềm tin tuyệt đối vào Mặt trận Việt Minh và Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nên cuộc Tổng tuyển cử vẫn thu được thắng lợi quyết định. Tất cả 71 tỉnh, thành phố trong cả nước có 89% tổng số cử tri đi bỏ phiếu. Cả nước bầu được 333 đại biểu. Tại Thủ đô Hà Nội có 91,95% cử tri của 74 khu nội thành và 118 làng ngoại thành đi bỏ phiếu; kết quả 6 trong 74 ứng cử viên trúng cử đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đạt số phiếu cao nhất (98,4%).

Quốc hội tiêu biểu cho ý chí thống nhất của toàn dân tộc

Để giải giáp mấy vạn quân Nhật đã đầu hàng, Tưởng Giới Thạch điều vào miền Bắc Việt Nam 18 vạn quân với âm mưu thâm độc: “Diệt Cộng, cầm Hồ”. Dựa vào hậu thuẫn của toàn thể dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có ứng xử cực kỳ linh hoạt để bảo vệ nền độc lập vừa giành được: Để tránh mọi mũi dùi của phản động, Đảng Cộng sản Đông Dương - hạt nhân lãnh đạo cách mạng - đã tuyên bố tự giải tán (thực chất là rút vào hoạt động bí mật). Đặc biệt, trong quá trình đấu tranh thương lượng và nhân nhượng, chúng ta đã thừa nhận 70 ghế đại diện của Việt Nam Quốc dân đảng (Việt quốc), Việt Cách trong Quốc hội mà không thông qua bầu cử cũng như việc có đại diện của họ tham gia Chính phủ lâm thời. Đây là sách lược hết sức mềm dẻo và khôn khéo của Mặt trận Việt Minh và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm cô lập bọn phản động và hạn chế sự chống phá điên cuồng của chúng.

Trong diễn văn khai mạc Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Các đại biểu trong Quốc hội này không phải đại diện cho một đảng phái nào mà là đại biểu cho toàn thể quốc dân Việt Nam. Đó là một sự đoàn kết tỏ ra rằng, lực lượng của của toàn dân Việt Nam đã kết lại thành một khối...”. Người tin tưởng: “Quốc dân sẽ nhất trí, dựa vào sức đoàn kết mà làm việc, và như thế thì dù có khó khăn đến đâu, kháng chiến sẽ thắng lợi và kiến quốc sẽ thành công”.

Thường xuyên nêu gương cần, kiệm, liêm, chính

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm coi trọng việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, trong đó có các đại biểu dân cử. Người từng nói: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” và “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn Nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Vì thế, Người đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên không những phải có trách nhiệm tự tu dưỡng tốt, mà còn phải làm gương trong công tác và lối sống, mọi lúc, mọi nơi, luôn nói phải đi đôi với làm để quần chúng noi theo.

Với Người, nêu gương không chỉ hô khẩu hiệu, không chỉ nói miệng, vì “Nói miệng ai cũng nói được. Ta cần phải thực hành… Trước hết, mình phải làm gương… Làm gương cả về ba mặt: tinh thần, vật chất và văn hóa...”. Việc nêu gương của Hồ Chí Minh bao hàm trọn vẹn từ việc lớn như chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến những việc bình thường hằng ngày, như ăn, mặc, ở, sử dụng phương tiện đi lại...

Chủ tịch Hồ Chí Minh thường dạy đảng viên, Nhân dân phải thực hành tiết kiệm, bản thân Bác đã sống cả cuộc đời thanh bạch từ ăn, ở đến sử dụng phương tiện phục vụ công việc hằng ngày. Bữa ăn của Bác thanh đạm như của mọi gia đình bình thường: Bát canh, quả cà, con cá hoặc lát thịt kho... Quần áo Bác mặc chỉ có vài bộ may cùng kiểu đơn giản. Bác đi công tác hay đi thăm đồng bào và chiến sĩ trong cả nước cũng chỉ bằng chiếc ô tô bình thường. Khi về thăm các địa phương, Bác thường không báo trước để tránh đón rước linh đình, gây phiền hà và tốn kém của Nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dạy cán bộ Nhân dân chống chủ nghĩa cá nhân, thì cả cuộc đời, dù ở vị trí nào, Hồ Chí Minh không bao giờ nghĩ mình là bậc vĩ nhân, không bao giờ đặt cái tôi cao hơn dân tộc và sự nghiệp của dân tộc. Hồ Chí Minh khuyên mọi người sống trong sạch, không tham tiền tài danh vọng, không cậy quyền thế mà ăn của đút, đục khoét, thì cuộc sống giản dị, đời tư trong sáng của Bác là gương sống động, để cán bộ, đảng viên xem lại mình và làm theo...

Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về ngày bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, dự kiến là Chủ nhật, ngày 23.5.2021. Mong sao mỗi đại biểu được bầu sẽ học tập theo gương Bác, sống và làm việc có trách nhiệm với cử tri.  

_______________

* Các trích dẫn trong bài lấy từ “Hồ Chí Minh toàn tập”, NXB Chính trị Quốc gia, H.2011