Hỗ trợ 1.677 tỷ đồng cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19

- Thứ Tư, 15/09/2021, 23:59 - Chia sẻ
Theo báo cáo của 27 Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố về việc thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 cho thấy, tính đến ngày 11.9.2021, số người lao động được thụ hưởng chính sách từ Nghị này còn rất thấp, chỉ có 1.163.017 đoàn viên, người lao động/16.200.000 người, chiếm tỷ lệ 7,1% với số tiền 1.677 tỷ đồng/ 11.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 15%.

Chính sách giảm mức đóng quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thực hiện nhanh nhất

Về chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương: Đã chi cho 80.444 người được cơ quan BHXH xác nhận người lao động tham gia bảo hiểm xã hội với số tiền tương ứng là 236,6 tỷ đồng.

Chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc: Đã chi cho 17.871 người với số tiền là 30,6 tỷ đồng.

Đã chi hỗ trợ cho 17.871 người lao động ngừng việc với số tiền là 30,6 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp: Đã chi cho 288 người với số tiền là 929,9 triệu đồng.

Chính sách hỗ trợ người lao động phải điều trị Covid-19, cách ly y tế: Đã chi hỗ trợ tiền ăn mức 80.000 đồng/người/ngày đối với người phải điều trị nhiễm Covid-19 cho 166.332 người là F0, F1 với số tiền là 107,1 tỷ đồng.

Chính sách hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật và người lao động là hướng dẫn viên du lịch: Đã chi cho 1.468 người với số tiền là 5,4 tỷ đồng.

Chính sách hỗ trợ đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động trong doanh nghiệp (lao động tự do): Chỉ tính riêng trong các doanh nghiệp đã chi cho 896.614 người với số tiền là 1.296 tỷ đồng.

Chính sách giảm mức đóng vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Số đơn vị được giảm mức đóng là 170.640 đơn vị. Tổng số tiền (tạm tính) được giảm mức đóng 12 tháng (từ 1.7.2021 đến 30.6.2022) là 1.068 tỷ đồng.

Qua thực tiễn triển khai cho thấy, trong 12 chính sách của Nghị quyết 68/NQ-CP, chính sách giảm mức đóng quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cơ bản thực hiện nhanh và triệt để nhất. Cơ quan bảo hiểm xã hội đã rà soát và thông báo cho hàng trăm ngàn đơn vị sử dụng lao động với khoảng 11 triệu người lao động được giảm mức đóng quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ 1.7.2021 đến hết 30.6.2022. Trên cơ sở đăng ký đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng theo quy định, cơ quan bảo hiểm xã hội đã rà soát toàn hệ thống và tự động giảm mức đóng bằng 0% cho người sử dụng lao động. Do đó, về cơ bản đã hoàn thành chính sách này.

Xem xét hỗ trợ cho người lao động đã và đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ 6 tháng trở lên

Mặc dù các bộ, ngành, địa phương đã chủ động phối hợp triển khai Nghị quyết đến doanh nghiệp và người lao động, tuy nhiên, đến nay vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc.

Có thể thấy, so với Nghị quyết 42 trước đây, Nghị quyết số 68/NQ-CP đã được đơn giản hóa rất nhiều thủ tục, giảm 2/3 so với trước, nhưng do có những quy định rất chặt về điều kiện “doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương”, và các địa phương lại có những cách hiểu khác nhau về việc “tạm dừng hoạt động” và cho phép hoạt động “3 tại chỗ” dẫn dến việc triển khai hỗ trợ cho người lao động vẫn còn rất chậm, chưa kịp thời.

Bên cạnh đó, do tình hình dịch Covid-19 lần thứ 4 diễn biến rất phức tạp, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nên việc đi lại của người lao động gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là người lao động đang ở trong các khu vực bị phong tỏa, cách ly không thể đến Công ty để ký kết văn bản thoả thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc là đi sao y, công chứng giấy tờ chứng minh theo quy định nên người lao động đã gặp không ít khó khăn và lúng túng trong quá trình hoàn thiện hồ sơ thụ hưởng chính sách.

Ngoài ra, chính sách đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) là những người nghèo, là đối tượng yếu thế dễ bị tổn thương, tuy được triển khai khá sớm nhưng do cách thức tuyên truyền khiến người dân hiểu rằng tất cả lao động tự do đều được hưởng hỗ trợ trong khi thực tế các địa phương chỉ triển khai ở một số đối tượng nhất định, phụ thuộc vào ngân sách của địa phương. Điều này gây bức xúc, hiểu lầm trong nhân dân.

Trước thực tế này, để Nghị quyết 68/NQ-CP phát huy tác dụng trong việc hỗ trợ kịp thời người lao động và doanh nghiệp, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị bổ sung thêm đối tượng người lao động chưa được ký hợp đồng lao động, chưa được tham gia BHXH cũng được quan tâm hỗ trợ như đối tượng không có quan hệ lao động (lao động tự do) theo Khoản 12 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và phải được hỗ trợ kịp thời để giảm bớt khó khăn cho người lao động.

Thực tế cho thấy, doanh nghiệp đang áp dụng “3 tại chỗ” chỉ duy trì việc làm được cho khoảng 30% - 50% người lao động, do đó có một bộ phận lớn người lao động phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương đang gặp khó khăn nhưng không được hưởng hỗ trợ (do quy định tại Điều 13 Quyết định số 23/QĐ-TTg: “người lao động làm việc tại doanh nghiệp... phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19”), do đó, Tổng Liên đoàn cũng đề nghị những đối tượng này phải được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP. 

Ngoài ra, Tổng Liên đoàn cũng đề nghị sửa Điều 17 Quyết định số 23/QĐ-TTg theo hướng người lao động khi bị ngừng việc từ 14 ngày trở lên theo khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động thì được hỗ trợ mà không cần thêm điều kiện là “tại các doanh nghiệp trong vùng phong tỏa, cách ly hoặc tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.

“Xem xét dùng nguồn kết dư quỹ bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ cho tất cả người lao động đã và đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ 6 tháng trở lên để động viên và hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho người lao động”, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị.

Song Hà