Hỗ trợ bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề

- Thứ Năm, 05/08/2021, 17:35 - Chia sẻ
Mới đây, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã ban hành kế hoạch triển khai hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. Theo đó, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 sẽ được hỗ trợ 4.500 tỷ đồng cho công tác này.
Công tác GDNN cần  đa dạng hóa phương thức đào tạo thích ứng với môi trường 4.0.
Công tác GDNN cần đa dạng hóa phương thức đào tạo thích ứng với môi trường 4.0.

Chủ động xây dựng phương án hỗ trợ

Theo chương III của Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, đối tượng được hỗ trợ là người sử dụng lao động theo quy định tại khoản 3 Điều 43 Luật Việc làm có đủ các điều kiện, đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ; phải thay đổi cơ cấu, công nghệ theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động; có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 10% trở lên so với doanh thu cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020. Đồng thời, cần có phương án hoặc phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động...

Mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề tối đa 1.500.000 đồng/người lao động/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo thời gian học thực tế của từng nghề hoặc từng khóa học. Thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng. Thời gian triển khai từ ngày 1.7.2021 đến hết ngày 31.12.2022, với tổng kinh phí 4.500 tỷ.

Để triển khai chính sách trên, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã thành lập Ban chỉ đạo, Tổ công tác giúp việc, tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai đến các tỉnh, thành phố. Giao Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp trực tiếp phụ trách, chỉ đạo triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Tổng cục đã thành lập Tổ triển khai của Tổng cục; ban hành kế hoạch triển khai thực hiện với từng vùng có dịch và không có dịch. Các cơ sở cần, xây dựng phương án hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động, chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng triển khai đào tạo khi dịch bệnh được kiểm soát, còn với địa phương ít ảnh hưởng cần tranh thủ tiển khai nhanh nhất có thể.

Nâng cao năng lực quản lý và đào tạo

Để thực hiện tốt mục tiêu đã đề ra, ngoài vấn đề kinh phí thì công tác quản lý và đào tạo cũng vô cùng quan trọng, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành.

Chia sẻ về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trần Quốc Huy cho biết, Tổng cục sẽ thực hiện nghiêm Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20.5.2021 của Chính phủ, để tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện GDNN; để đạt được mục tiêu xây dựng hệ thống GDNN theo hướng mở, linh hoạt, thích ứng, hiệu quả đủ năng lực quản lý và đào tạo, có năng lực thích ứng với sự thay đổi trong môi trường 4.0, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và đào tạo nghề nghiệp.

Tổng cục phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cử 25 cán bộ của Tổng cục và giảng viên các trường cao đẳng tham gia khóa học trực tuyến lớp học ảo về dạy học trực tuyến và đào tạo GDNN thông qua học tập kỹ thuật số. Đây là lực lượng hạt nhân cho chuyển đổi số trong đào tạo GDNN để hình thành đội ngũ cán bộ quản lý GDNN, nhà giáo để nhân rộng trong hệ thống GDNN. Tổng cục cũng phối hợp với Tổ chức Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) cử 21 cán bộ của Tổng cục và giảng viên các trường cao đẳng tham gia khóa học trực tuyến về “Nâng cao năng lực đào tạo nghề cho Việt Nam”. Hiện nay, Tổng cục đang triển khai xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước và cán bộ quản lý của cơ sở GDNN; phối hợp với Tổ chức ILO, tổ chức GIZ xây dựng chương trình đào tạo kỹ năng số cho cán bộ quản lý; biên soạn và xuất bản sách về kỹ năng quản trị cơ sở giáo dục nghề nghiệp; nghiên cứu mô hình GDNN của Singapore.

Cũng về công tác đào tạo, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đề nghị các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động lắng nghe nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường. Đồng thời, coi đây là cơ hội để mở rộng quan hệ hợp tác với đơn vị sử dụng lao động trong việc phối hợp đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động và năng lực thực tiễn cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, giáo viên của nhà trường. Đồng thời, phân công cụ thể đầu mối, xây dựng kế hoạch chi tiết phối hợp với người sử dụng lao động.

Trước mắt, các đơn vị đào tạo cần tích cực chủ động liên hệ, phối hợp với các đơn vị sử dụng lao động đã có hợp tác trong đào tạo, tuyển dụng nhân lực xây dựng phương án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động và tổ chức đào tạo sau khi có quyết định hỗ trợ. Trên cơ sở đó, tiếp tục nhân rộng, phối hợp với các đơn vị khác trên địa bàn để tổ chức. Đối với các địa bàn có nhiều khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, cần chủ động phối hợp với Ban quản lý các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất để nắm bắt nhu cầu, liên hệ với các doanh nghiệp để xây dựng phương án đào tạo, bồi dưỡng.

Tùng Dương