Nghị quyết số 406 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân

Hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, mang lại hiệu quả cao nhất

- Thứ Năm, 21/10/2021, 21:03 - Chia sẻ
Theo các đại biểu, Nghị quyết 406/NQ - UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn rất kỹ lưỡng các đối tượng, lĩnh vực được hỗ trợ, nhằm hỗ trợ một cách có trọng tâm, trọng điểm để mang lại hiệu quả cao nhất. Nghị quyết một lần nữa khẳng định, Quốc hội, Chính phủ luôn chia sẻ sâu sắc với những tổn thất, khó khăn của người dân và doanh nghiệp phải gánh chịu do tác động của dịch Covid-19.

ĐBQH Nguyễn Thành Trung (Yên Bái):
Sự hỗ trợ kịp thời

Ngân sách Trung ương năm 2021 dự kiến hụt thu rất lớn, phần tăng thu chủ yếu từ ngân sách địa phương, trong đó có những khoản tăng thu có tính chất không bền vững như thu từ đất đai.

Khó khăn là vậy, nhưng với tinh thần như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã khẳng định trong phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ Hai “Quốc hội chia sẻ sâu sắc với những tổn thất, mất mát nặng nề về người và của, những khó khăn mà nhân dân ta đã phải gánh chịu...” thì việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 ngay trước ngày khai mạc Kỳ họp có ý nghĩa quan trọng, kịp thời nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp, người dân đang bị tác động rất lớn bởi đại dịch Covid-19, đặc biệt là trước làn sóng dịch lần thứ 4 vừa qua.

Các đối tượng, lĩnh vực được lựa chọn trong Nghị quyết lần này đều đã được lựa chọn rất kỹ lưỡng nhằm thực hiện hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm để mang lại hiệu quả cao nhất. Cụ thể, việc giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với trường hợp người nộp thuế theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp có doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và doanh thu năm 2021 giảm so với doanh thu năm 2019 chính là để bảo đảm những doanh nghiệp có doanh thu thấp hoặc giảm có thêm nguồn lực nhằm tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong giai đoạn “bình thường mới”.

Đối với việc miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV.2021 đối với hộ, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các địa bàn cấp huyện chịu tác động của dịch Covid-19 trong năm 2021 do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định chính là động lực giúp các hộ cá nhân có thêm nguồn lực tái sản xuất, kinh doanh, có điều kiện giảm giá bán nhằm kích cầu.

Hay như việc giảm thuế giá trị gia tăng kể từ ngày 1.11.2021 đến hết ngày 31.12.2021 đối với các hàng hóa, dịch vụ bị ảnh hưởng lớn thời gian vừa qua trong đó có dịch vụ vận tải; dịch vụ lưu trú; dịch vụ ăn uống; dịch vụ của các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch... cũng sẽ kích thích tiêu dùng và giảm chi phí đầu vào cho nhiều lĩnh vực kinh doanh khác.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, trước khi ban hành Nghị quyết 406, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã có những quyết sách mạnh mẽ, quyết liệt và chưa từng có tiền lệ để cùng với Chính phủ phòng, chống dịch Covid-19. Hiệu quả thiết thực mang lại từ những quyết sách này đã “bước đầu thể hiện là một Quốc hội hành động, tiếp nối truyền thống khát khao đổi mới và cống hiến, luôn đặt người dân và doanh nghiệp ở vị trí trung tâm trong mọi quyết sách, vì sự phát triển bền vững của đất nước” như lời Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã khẳng định tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ Hai.

Tôi tin tưởng, với tinh thần vì nhân dân, vì sự phát triển của đất nước, trong thời gian tới, nhất là trong Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội sẽ tiếp tục đồng hành với Chính phủ để đưa ra những quyết sách và giải pháp cho giai đoạn chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

ĐBQH Vũ Tiến Lộc (Hà Nội):
Quốc hội cùng cả nước “vượt khó”

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, nhất là hoạt động của doanh nghiệp và đời sống nhân dân, Quốc hội và Chính phủ đã có sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ nhằm đưa ra những quyết sách kịp thời hỗ trợ quá trình tái khởi động phục hồi nền kinh tế.

Quốc hội ngày càng thể hiện rõ sự chủ động trong việc đưa ra các ý tưởng, sáng kiến về thể chế, chính sách, pháp luật để cùng cả nước “vượt khó”, thích ứng với tình hình mới. Thời gian qua, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nhiều quyết sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như: Nghị quyết về giãn, giảm, miễn thuế, phí cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19; Nghị quyết 30 cho phép Chính phủ chủ động trong phòng, chống dịch; Nghị quyết về trích Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp nhằm hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19; Quốc hội cũng ủng hộ Chính phủ trong chủ trương thực hiện “mục tiêu kép”… Lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết số 406 nhằm tiếp tục giãn, giảm một số loại thuế, phí nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19 là quyết sách kịp thời. Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, mở rộng phạm vi đối tượng được giảm thuế giá trị gia tăng, miễn thuế thu nhập cá nhân…

Các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân này sẽ có hai tác động. Một mặt giúp giảm giá thành của hàng hóa, dịch vụ được miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, giúp tăng cường tiêu dùng, kích cầu cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Một mặt, giúp giảm bớt chi phí của doanh nghiệp vì hiện nay chi phí hoạt động của doanh nghiệp rất cao. Hầu hết doanh nghiệp đều trong tình trạng khó khăn về thanh khoản. Trong bối cảnh đó, tiếp sức cho doanh nghiệp thông qua các chính sách về thuế, phí là cần thiết, giúp doanh nghiệp trụ vững và phục hồi cùng với quá trình mở cửa trở lại nền kinh tế.

Nghị quyết 406 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19 lần này tác động trực tiếp vào các đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ; hộ, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các địa bàn cấp huyện chịu tác động của dịch Covid-19… Khu vực này là "xương sống" của nền kinh tế, chiếm tỷ trọng khá cao trong nền kinh tế và cũng là khu vực dễ bị tổn thương trước tác động của Covid-19. Vì vậy, chính sách miễn, giảm thuế cho đối tượng này vừa có ý nghĩa về kinh tế, vừa rất nhân văn.

Vấn đề tôi quan tâm bây giờ là tổ chức, thực hiện chính sách hỗ trợ này để bảo đảm các biện pháp hỗ trợ của Nhà nước đến được với doanh nghiệp và người dân nhanh nhất. Chính sách mang tính chất “tiền tươi, thóc thật” càng phải đến ngay được với hộ kinh doanh, các doanh nghiệp vừa và nhỏ vì “sớm một ngày, doanh nghiệp có thể sống, chậm một ngày doanh nghiệp có thể ra đi”. Một đồng ngày hôm nay có giá trị bằng 10 đồng của tháng sau, quý sau. Các chính sách hỗ trợ, giải cứu doanh nghiệp, người dân trong lúc này cũng phải được làm thần tốc như các biện pháp chống dịch. Cứu được khu vực kinh tế có tính chất “gốc rễ”, khu vực kinh tế của nhân dân, của những người nghèo, đối tượng dễ bị tổn thương, chúng ta sẽ bảo đảm được tăng trưởng kinh tế, bảo đảm được an sinh, bảo đảm sự ổn định chính trị - xã hội của đất nước.  

Giám đốc điều hành Viện Kinh tế Economica Lê Duy Bình:
Nghị quyết mang lại hy vọng cho doanh nghiệp

Nghị quyết 406 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19 đã cho thấy quyết tâm lớn của Quốc hội và Chính phủ khi đưa ra biện pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh thông qua miễn, giãn, giảm thuế. Từ đó, giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh phục hồi sản xuất, nuôi dưỡng nguồn thu cho tương lai.

Cách thức hỗ trợ khác so với các giai đoạn trước, Nghị quyết đã tiếp cận cả những doanh nghiệp vẫn có khả năng chống chịu qua đại dịch: doanh nghiệp có doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và doanh thu năm 2021 giảm so với doanh thu năm 2019. Đó chính là nhằm “khoan sức dân, khoan sức doanh nghiệp”. Nghị quyết cũng chú ý đến nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 như du lịch, giao thông, lữ hành… Nhóm doanh nghiệp này được hưởng lợi thông qua hình thức giảm thuế giá trị gia tăng (VAT). Cách thức hỗ trợ này rất mới so với giai đoạn trước. 

 Bên cạnh đó, những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19 cũng có cơ hội nhận được hỗ trợ. Các nhóm hộ kinh doanh được giảm thuế VAT, dù họ không tạo ra lợi nhuận, thậm chí thua lỗ. Do đó, đây là chính sách nhân văn, thể hiện sự sẻ chia sâu sắc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đối với những khó khăn mà doanh nghiệp, người dân đang phải đối mặt. Tôi muốn nhấn mạnh, Nghị quyết thực sự mang lại niềm hy vọng lớn cho nhiều doanh nghiệp. Do vậy, quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết phải rất kịp thời, đúng đối tượng và dễ tiếp cận.

PV