Quảng Bình:

Hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất trong dịch bệnh

- Thứ Bảy, 04/12/2021, 07:02 - Chia sẻ
Với những hiệu quả thiết thực đã đạt được, khuyến công Quảng Bình từng bước khẳng định được vai trò, vị thế trong phát triển công nghiệp nông thôn (CNNT). Trong bối cảnh dịch bệnh còn kéo dài, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh sẽ hỗ trợ tích cực để các cơ sở CNNT yên tâm vừa sản xuất, vừa chống dịch.
	Khuyến công Quảng Bình từng bước khẳng định vai trò, vị thế
Khuyến công Quảng Bình từng bước khẳng định vai trò, vị thế
Nguồn: ITN

Vừa chống dịch, vừa sản xuất

Sở Công thương Quảng Bình cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp nên đa phần doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trong tỉnh phải ngừng hoạt động. Tuy nhiên, với tiềm lực sẵn có đạt được từ hỗ trợ của chương trình khuyến công, một số đơn vị đã khắc phục khó khăn vừa chống dịch, vừa duy trì sản xuất ổn định như: Công ty tư vấn và đầu tư Long Giang Thịnh, HTX sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh, Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Tam Long, HTX chế biến nông thủy sản Dương Nga... 

Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Quảng Bình (Trung tâm Khuyến công) cho biết, năm 2021, vốn khuyến công quốc gia hỗ trợ Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Tam Long, huyện Lệ Thủy 200 triệu đồng, trong tổng kinh phí 445 triệu đồng mua 1 máy sản xuất lưới B40 công suất 1,5 tấn/ngày và 1 máy sản xuất dây kẽm gai công suất 1,2 tấn/ngày. Đại diện Công ty Tam Long cho biết, máy móc vận hành ổn định, cho sản phẩm chất lượng cao, hiệu suất tốt. Đặc biệt, giúp giảm đáng kể mức tiêu thụ điện năng, tiết kiệm chi phí vận hành, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Cũng trong năm 2021, Trung tâm Khuyến công hỗ trợ HTX Dương Nga, huyện Quảng Trạch ứng dụng hệ thống máy sấy trong sản xuất, chế biến thủy sản. Nhờ đó, chất lượng sản phẩm của HTX tốt hơn và ổn định hơn, công suất cao hơn, bảo đảm bao tiêu tốt cho sản phẩm đánh bắt của bà con ngư dân trên địa bàn.

Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Quảng Bình Lê Mậu Khánh, hoạt động khuyến công đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đồng thời, tạo việc làm, tăng thu nhập, thực hiện an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Năm 2021, Quảng Bình có một số sản phẩm đạt được chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia như: Cao nấm linh chi của HTX Tuấn Linh; bột năng Long Giang của Công ty Long Giang Thịnh…

Đầu tư trọng điểm, chú trọng ngành lợi thế

Khuyến công Quảng Bình đặt mục tiêu đến năm 2025, giá trị sản xuất CNNT (theo giá so sánh năm 2010) đến năm 2025 đạt 8.500 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân mỗi năm từ 8 - 8,5%. Xây dựng 9 - 10 mô hình trình diễn kỹ thuật phổ biến công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới. Hỗ trợ 140 - 150 cơ sở CNNT đầu tư chuyển giao, ứng dụng máy móc, thiết bị công nghệ tiên tiến vào các khâu sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Hỗ trợ 1.200 - 1.300 lượt cơ sở CNNT tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước. Hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết, xây dựng kết cấu hạ tầng và sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường cho 11 cụm công nghiệp…

Ông Lê Mậu Khánh cho biết, Trung tâm sẽ tiếp tục huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn nông thôn. Phát triển CNNT theo hướng đầu tư có trọng điểm, chú trọng phát triển các ngành có lợi thế của tỉnh, ngành nghề có sản phẩm phục vụ du lịch, thúc đẩy hoạt động kết nối giao thương các sản phẩm CNNT. Hình thành các sản phẩm, nhóm sản phẩm có sức cạnh tranh cao đáp ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Chú trọng, chuyển giao, ứng dụng máy móc thiết bị, khoa học công nghệ mới vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, bảo vệ môi trường và sức khỏe con người... Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh còn kéo dài, Trung tâm sẽ hỗ trợ tích cực cho các cơ sở CNNT yên tâm vừa sản xuất, vừa chống dịch.

Là tỉnh còn nhiều khó khăn, tốc độ phát triển công nghiệp của Quảng Bình khá chậm. Vì vậy để hoạt động khuyến công giai đoạn mới phát huy hiệu quả, UBND tỉnh Quảng Bình đề xuất Bộ Công thương quan tâm hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách Trung ương để thực hiện các chương trình khuyến công.

Hạnh Nhung