Hỗ trợ đúng, trúng đối tượng

- Thứ Sáu, 03/09/2021, 12:34 - Chia sẻ
Nhiều người lao động khó khăn, nhất là lao động tự do vui mừng, xúc động khi được nhận tiền hỗ trợ do bị ảnh hưởng bởi Covid -19. Nhưng một số người có cuộc sống “chẳng đến nỗi nào” lại cảm thấy không vui vì mình có tên trong danh sách hỗ trợ. Nghịch lý vui - buồn này là một thực tế khi triển khai gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Đại dịch Covid-19 kéo dài, khiến rất nhiều lao động bị mất việc làm, hàng triệu lao động phải tạm nghỉ, nghỉ giãn việc và giảm thu; nhiều cơ sở sản xuất buộc phải ngừng hoạt động, cuộc sống của người lao động, đặc biệt là lao động tự do gặp muôn vàn khó khăn. Gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng dù không phải là một giải pháp căn cơ nhưng lại là một phao cứu sinh giúp những người lao động giảm đi phần nào khó khăn trước mắt bởi đại dịch. Thấu hiểu được khó khăn này, sau khi có chính sách này các địa phương, cơ quan đã bắt tay vào triển khai thực hiện. Nhiều đối tượng đã được hưởng chính sách vào đúng những tháng ngày khó khăn nhất của đại dịch trong giãn cách.

Trao tặng quà cho lao động nghèo, gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 tại phường Hiệp Thành, quận 12, TP. Hồ Chí Minh. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Theo số liệu của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tính đến ngày 25.8, triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP, đối với nhóm chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, đến nay đã có khoảng 2,12 triệu người lao động được hỗ trợ, với số tiền gần 3.290 tỷ đồng. Trong đó, chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trên 174,7 tỷ đồng; chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc trên 4,3 tỷ đồng; hỗ trợ gần 1,2 triệu người lao động tự do với tổng kinh phí gần 2.180 tỷ đồng. Đã hỗ trợ cho 1.050 viên chức hoạt động nghệ thuật và 400 hướng dẫn viên du lịch hơn 4,1 tỷ đồng; gần 26.800 hộ kinh doanh với gần 74,5 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Chung, xã Hàm Ninh, TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang lâu nay sống bằng nghề bán hàng rong ở chợ Hàm Ninh. Từ khi dịch bệnh bùng phát, thành phố thông báo người dân ở nhà chống dịch nên bà nghiêm chỉnh chấp hành. Trong lúc khó khăn vì giãn cách, bà đã nhận được tiền hỗ trợ 1,5 triệu đồng sau một tuần được cán bộ hướng dẫn làm hồ sơ. Bà Chung “cảm thấy rất vui, cảm ơn Nhà nước nhiều lắm”.

Niềm vui của bà Chung cũng là niềm vui của biết bao người lao động tự do khác trên cả nước khi mà dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến công việc, đến thu nhập và cuộc sống mưu sinh của họ. Những đồng tiền hỗ trợ đến sớm với người lao động nghèo không chỉ giúp họ qua “cơn bĩ cực” mà còn tạo niềm tin của họ vào những chính sách hỗ trợ giàu tính nhân văn của nhà nước đã đi vào cuộc sống.

Thế nhưng, vẫn là chính sách hỗ trợ ấy đang tạo nên những cái khó cho người trong cuộc khi trở thành đối tượng được thụ hưởng, dù bản thân họ không mong muốn.

Dư luận mấy ngày nay đang quan tâm bởi một số người là những nghệ sỹ khá nổi tiếng, cuộc sống không khó khăn nhưng vẫn thuộc danh sách những người được hỗ trợ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Chính điều này đã làm cho những người thuộc đối tượng thụ hưởng cảm thấy không vui vẻ gì, dư luận thì cho rằng, việc áp dụng chính sách đang có những bất cập.

Nghị quyết số 68 xác định hỗ trợ cho 12 nhóm đối tượng, trong đó có quy định cụ thể hỗ trợ một lần 3.710.000 đồng/người đối với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn (không bao gồm các đơn vị nghệ thuật lực lượng vũ trang) phải dừng hoạt động từ 15 ngày trở lên để phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian từ ngày 1.5.2021 đến hết ngày 31.12.2021.

Việc hỗ trợ các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19, trong đó có những người làm trong lĩnh vực nghệ thuật là cần thiết. Đó cũng là nguồn động viên tinh thần kịp thời cho những người làm công việc lao động nghệ thuật tiếp tục sáng tạo. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc quy định “cứng” giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn phải dừng hoạt động từ 15 ngày trở lên để phòng, chống dịch Covid-19 là chưa thực sự phù hợp. Đối tượng được xem xét hỗ trợ còn chưa thỏa đáng. Nhiều người đảm trách những công việc hậu đài như thiết kế, âm thanh, ánh sáng, phục trang… có mức thù lao thấp, khó có nguồn thu nhập tăng thêm, cuộc sống khó khăn hơn, lại không nằm trong nhóm đối tượng được xét hỗ trợ. Với quy định cứng tiêu chí này, đã để lọt không ít người lẽ ra rất cần được hỗ trợ khi cuộc sống của họ thực sự khó khăn.

Cần nhấn mạnh rằng, việc hỗ trợ chỉ thực sự có ý nghĩa khi đến đúng và trúng đối tượng. Do đó, thay vì quy định cứng đối  tượng được hỗ trợ phải giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập, hoạt động nghệ thuật biểu diễn phải dừng hoạt động từ 15 ngày trở lên để phòng, chống dịch Covid-19 thì cần trao quyền cho các lãnh đạo, đơn vị tự rà soát, xem xét và quyết định. Bởi không ai khác, người quản lý trực tiếp, cơ quan quản lý trực tiếp mới hiểu rõ nhất hoàn cảnh của các nhân viên, từ đó có quyết định đúng đối tượng nhận hỗ trợ một cách thỏa đáng nhất.

Chính sách hỗ trợ để mang đến niềm vui, động lực cho người được thụ hưởng vượt qua khó khăn của đại dịch. Đừng để lọt đối tượng người lẽ ra cần được hỗ trợ, càng không để người được hỗ trợ cảm thấy không vui vì họ phải vào danh sách hỗ trợ một cách “bất đắc dĩ”.

Song Hà