Quốc hội thảo luận tình hình kinh tế - xã hội, phòng, chống dịch Covid - 19:

Hỗ trợ người lao động cũng chính là đóng góp vào động lực tăng trưởng của đất nước

- Thứ Hai, 08/11/2021, 10:02 - Chia sẻ
Thảo luận trực tiếp tại phiên họp sáng nay, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống dịch Covid – 19 và phục hồi kinh tế, xã hội. Tập trung hiến kế cho Nhà nước, nhiều đại biểu đặc biệt nhấn mạnh quan điểm hỗ trợ người lao động, được bảo đảm về an sinh xã hội để yên tâm quay trở lại làm việc vì trong bối cảnh hiện nay, người lao động chính là động lực tăng trưởng của nền kinh tế.

Tạo động lực để người lao động trở lại làm việc

Theo ĐBQH Trần Văn Khải (Hà Nam), năm 2020, Việt Nam là một quốc gia thành công trong phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, đến giữa năm 2021, trước sự xuất hiện của chủng Delta, đã có lúc, có nơi lúng túng trong ứng phó và chịu tổn thất khá nặng nề, đặc biệt là ở TP. Hồ Chí Minh.

ĐBQH Trần Văn Khải (Hà Nam) phát biểu
Ảnh: Quang Khánh

Sau hai năm chống dịch, đại biểu tỉnh Hà Nam cho rằng, có ba bài học cần được rút ra. Thứ nhất, cuộc chiến với đại dịch là một hành trình đầy thách thức, khắc nghiệt và khó lường, đòi hỏi phải quyết liệt trong từng hành động, sự cầu thị và quả cảm trong thay đổi nhận thức, tư duy. Thứ hai, cuộc chiến này dù khắc nghiệt đến đâu cũng sẽ không làm cho đất nước Việt Nam bị tê liệt, chia rẽ. Trái lại, còn làm chúng ta mạnh lên rất nhiều về tư duy nhận thức, tầm nhìn và ý chí chiến lược. Thứ ba, nhân dân luôn là lực lượng chủ đạo trong phòng, chống đại dịch Covid-19 cũng như ứng phó với mọi thách thức mà đất nước gặp phải.

Để phục hồi và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới, theo đại biểu Trần Văn Khải, cần đặc biệt quan tâm tới công nhân lao động; hỗ trợ và tạo động lực cho người lao động quay trở lại làm việc (kết nối cung - cầu, hỗ trợ ổn định cuộc sống, tạo sinh kế, đào tạo lại tay nghề, bảo đảm an sinh xã hội và các dịch vụ xã hội cơ bản cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất...). Ông nhấn mạnh, đây là thời điểm người lao động chính là động lực tăng trưởng, bởi hỗ trợ người lao động cũng chính là đóng góp vào động lực tăng trưởng của đất nước.Với chính sách tài khóa, đại biểu đề nghị, Chính phủ cân nhắc bội chi ngân sách và chuẩn bị một khoản chi bất thường để đáp ứng tình hình phòng, chống dịch bệnh; mạnh dạn sử dụng ngân sách tăng chi cho an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động, vì hỗ trợ lao động cũng tạo động lực phát triển cho đất nước.

Ảnh: Lâm Hiển

Để phát triển kinh tế sau đại dịch, đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) cho rằng, Chính phủ cân nhắc hỗ trợ tài chính trực tiếp, linh hoạt cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ; đào tạo lại nguồn nhân lực ngành du lịch; tăng cường tiếp cận các quỹ, tạo cơ chế đối thoại, trao thổi thông tin hiệu quả giữa chính quyền với các doanh nghiệp để nhanh chóng đưa ra biện pháp khắc phục khó khăn, phục hồi và phát triển du lịch trong trạng thái bình thường mới. Cũng liên quan đến mục tiêu này, đại biểu tỉnh Quảng Bình cho rằng, cần xây dựng môi trường du lịch an toàn để kích thích nhu cầu du lịch bị nén trong 10 tháng qua, trong đó giải pháp nên ưu tiên là ban hành chính sách và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho du khách ở những điểm đến, tạo yên tâm cho họ.

Bên cạnh đó, chia sẻ từ thực tế địa phương, đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho biết, dù chịu ảnh hưởng nặng nề, nhưng trong đau thương, các tỉnh vẫn luôn cố gắng tìm giải pháp để thích ứng. "Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình đang nghiên cứu lập mô hình du lịch mùa thiên tai. Tôi cho rằng đây sẽ là những trải nghiệm đáng có trong cuộc đời mỗi người", đại biểu chia sẻ.

Kiến nghị tăng giờ làm thêm để bù lại các đơn hàng bị chậm do dịch Covid - 19

Trong bối cảnh phục hồi kinh tế, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) phản ánh nguyện vọng của doanh nghiệp đề nghị nâng mức trần giờ làm thêm lên 400 giờ mỗi năm để có thể kịp thời bù lại các đơn hàng bị chậm cho đối tác. Theo đại biểu tỉnh Bắc Giang, nếu không điều chỉnh mức trần giờ làm, doanh nghiệp rất lo lắng vì có thể bị xử phạt hoặc đình chỉ sản xuất do sử dụng lao động quá giờ làm thêm. Bởi, theo quy định hiện hành, giờ làm thêm được khống chế ở mức 40 giờ mỗi tháng và không quá 200 giờ mỗi năm. Các quy định hiện hành chỉ cho phép mở rộng khung giờ làm thêm tối đa 300 giờ mỗi năm cho một số ngành nghề, như sản xuất gia công xuất khẩu hàng dệt may, da giày, chế biến nông lâm, thủy sản, sản xuất và cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu, cấp thoát nước, diêm nghiệp, điện, điện tử.

ĐBQH Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) phát biểu
Ảnh: Quang Khánh

Về phòng chống dịch, đại biểu Phạm Văn Thịnh nhận định, Chính phủ đã chuyển hướng chiến lược phù hợp từ zero Covid sang thích ứng an toàn, linh hoạt. Trong bối cảnh thiếu vaccine, sinh phẩm, thuốc, trang thiết bị... lãnh đạo chủ chốt đã đẩy mạnh ngoại giao vaccine, chỉ trong thời gian ngắn, đến nay Việt Nam có thỏa thuận mua 195 triệu liều. Cả nước đã tiêm được 90 triệu liều, tỷ lệ dân số từ 18 tuổi được tiêm vaccine đạt hơn 84%. Tuy nhiên, thực tế chống dịch thời gian qua đã bộc lộ điểm yếu của y tế dự phòng về nguồn lực và trang thiết bị. Số trung tâm y tế tự phòng cấp tỉnh làm được xét nghiệm PCR rất ít; phần lớn tuyến huyện chưa làm được xét nghiệm PCR, dẫn đến tốc độ xét nghiệm chậm, ảnh hưởng tốc độ chống dịch. Do vậy, đại biểu đề xuất, Chính phủ đầu tư nhiều hơn cho y tế dự phòng cơ sở, với phương châm "phòng bệnh hơn chữa bệnh".

Quang Khánh