Hỗ trợ phát triển bền vững công nghiệp văn hóa

- Thứ Tư, 01/07/2020, 20:33 - Chia sẻ
Kinh tế sáng tạo là một xu hướng mới đang nổi lên tại Việt Nam và có nhiều tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, những vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ của nghệ sĩ và người sáng tạo đã ảnh hưởng tiêu cực kéo dài tới sự bền vững của các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo.

Ngày 1.7, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS) và Hội đồng Anh cho biết sẽ ra mắt dự án Củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam, chính thức triển khai từ tháng 10.2020 - 9.2021, với sự kết nối chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ cũng như với các nghệ sĩ và người thực hành sáng tạo trong cả nước.

Được thực hiện với sự hỗ trợ từ Quỹ quốc tế vì đa dạng văn hóa (IFCD), nằm trong khuôn khổ Công ước 2005 về Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa của UNESCO, Dự án nhằm thực hiện các nhiệm vụ đặt ra trong Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam, đóng góp vào sự phát triển bền vững của các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo trong nước.

Các ngành văn hóa và sáng tạo của Việt Nam đã và đang gặp phải nhiều thử thách do những vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ - Ảnh: Kinergie Studio
Các ngành văn hóa và sáng tạo của Việt Nam đã và đang gặp phải nhiều thử thách do những vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ - Ảnh: Kinergie Studio

Dự án có ba mục tiêu cụ thể: Đánh giá tổng quan thực trạng về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam để xây dựng nhận thức chung và hiểu biết thực tiễn về khuôn khổ pháp lý về sở hữu trí tuệ cho các ngành văn hóa và sáng tạo; nâng cao năng lực thể chế trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các lĩnh vực văn hóa sáng tạo thông qua một chuỗi khóa đào tạo dành cho cán bộ nhà nước các cấp, các ngành liên quan; đẩy mạnh, nâng cao nhận thức và củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ cho các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo tại Việt Nam thông qua các khóa đào tạo cơ bản về sở hữu trí tuệ dành cho các nghệ sĩ và người hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo.

Dự án đặt mục tiêu lâu dài là hỗ trợ cho sự phát triển đồng đều và bền vững của các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam - Ảnh: Matca
Dự án đặt mục tiêu lâu dài là hỗ trợ sự phát triển đồng đều và bền vững của các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam - Ảnh: Matca

Nền kinh tế sáng tạo là một xu hướng mới đang nổi lên tại Việt Nam, đã và đang đóng góp mạnh mẽ cho nền kinh tế quốc gia với 7,465 tỷ USD, chiếm 3,42% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2018 (theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Dự thảo Báo cáo quốc gia định kỳ về việc thực hiện Công ước 2005 của UNESCO về Bảo vệ sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam, 2016 - 2019).

PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, Trưởng Ban quản lý Dự án cho biết: “Qua việc hỗ trợ tăng cường hiệu quả thực thi và nâng cao năng lực cho các bên tham gia, Dự án sẽ giúp tạo ra cơ hội để các ngành văn hóa, nghệ thuật và sáng tạo có thể phát triển hơn nữa, và đem lại lợi ích thiết thực về cả kinh tế, văn hóa và xã hội cho nghệ sĩ, người thực hành sáng tạo, cộng đồng khán giả và những người tiêu dùng sản phẩm và dịch vụ văn hóa sáng tạo ở Việt Nam”.

 

 

Ngọc Phương