Vĩnh Phúc:

Hỗ trợ phát triển toàn diện khu vực tiểu thủ công nghiệp

- Thứ Hai, 29/11/2021, 19:22 - Chia sẻ
Nhờ các chính sách hỗ trợ khu vực tiểu thủ công nghiệp trong những năm gần đây, các cụm công nghiệp, cụm công nghiệp - làng nghề tại Vĩnh Phúc đã giảm tình trạng sản xuất phân tán, từng bước khắc phục ô nhiễm môi trường, đồng thời nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động ở các địa phương.
Hoạt động khuyến công góp phần thúc đẩy tiểu thủ công nghiệp phát triển - Kinh tế -      Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Vĩnh Phúc
Hoạt động khuyến công góp phần thúc đẩy tiểu thủ công nghiệp phát triển 
Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Vĩnh Phúc

Trước tiềm năng, thế mạnh ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, từ năm 2017 UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu hình thành 32 cụm công nghiệp, tổng diện tích 689 ha. Theo đó, giai đoạn 2016-2020 tỉnh hình thành 24 cụm công nghiệp, giai đoạn 2021-2030 có 8 cụm công nghiệp.

Hiện nay, Vĩnh Phúc hiện có gần 20.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực ngành nghề nông thôn; trong đó, có hàng trăm doanh nghiệp, hợp tác xã và trên 19.000 hộ gia đình, thu hút hơn 54.000 lao động, chủ yếu làm ở các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp với mức thu nhập bình quân 4 - 6 triệu đồng/người/tháng.

 Một số cơ sở nghề có năng lực, coi trọng đầu tư công nghệ, có thị trường sản xuất ổn định, thu nhập người lao động phổ biến từ 6 đến 8 triệu đồng/người/tháng.

Theo báo cáo của Sở Công thương Vĩnh Phúc, từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 16 cụm công nghiệp được thành lập và giao chủ đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng, diện tích 424 ha, thu hút 516 cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho gần 6.000 lao động.

Trong số các cụm công nghiệp thành lập mới, cụm công nghiệp Đồng Sóc, huyện Vĩnh Tường khởi công xây dựng năm 2020 có quy mô 75 ha được đầu tư rất bài bản, đồng bộ, nhiều dự án đã giao đất…

 Các làng nghề điển hình không chỉ góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn mà còn góp phần không nhỏ hỗ trợ nhau phát triển ổn định hơn, cùng thực hiện đa dạng hóa sản phẩm, làm gia tăng giá trị sản xuất của các địa phương. Sự phát triển nhanh chóng các ngành nghề trên địa bàn có sự đóng góp rất lớn của các chương trình khuyến công, chính sách hỗ trợ vốn đầu tư mở rộng sản xuất…

Năm 2018 là năm thứ 3 Vĩnh Phúc thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp theo chương trình khuyến công giai đoạn 2016- 2020 với kinh phí hơn 34 tỷ đồng. Chương trình đã giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh theo hướng bền vững, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh….

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục dành trên 38 tỷ đồng hỗ trợ khuyến công; trong đó, tập trung khuyến khích, hỗ trợ về tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề; hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý, các hoạt động tư vấn, tập huấn…

 Bên cạnh đó, tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.

Vĩnh Phúc đặt ra mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ đào tạo, truyền nghề cho 350-400 lao động; xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật cho 160 cơ sở công nghiệp nông thôn; hỗ trợ thuê tư vấn đánh giá về áp dụng sản xuất sạch hơn cho 8 cơ sở; xây dựng, đăng ký thương hiệu, thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói sản phẩm cơ sở công nghiệp nông thôn.

Tỉnh tiếp tục kiểm tra, rà soát, đôn đốc các dự án cụm công nghiệp chậm triển khai, tháo gỡ các khó khăn về giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng…để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Hiện nay hầu hết các cơ sở làm nghề, hộ làm nghề đã được đầu tư máy móc, thiết bị để giải phóng sức lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế và chất lượng sản phẩm.

Xã Yên Đồng, huyện Yên Lạc có nghề sản xuất chăn, ga, gối, đệm. Ban đầu với dụng cụ sản xuất thô sơ, nguyên vật đơn điệu, các sản phẩm chủ yếu tiêu thụ trong tỉnh và số ít là các tỉnh lân cận. Những năm gần đây, làng nghề liên tục mở rộng quy mô, đa dạng hóa mẫu mã, các loại hình sản phẩm ngày càng phong phú.

Sản phẩm chăn, ga, gối, đệm của Yên Đồng đã có mặt tại hầu khắp các tỉnh, thành miền Bắc và bước đầu đã vươn tới thị trường miền Nam. Nghề sản xuất chăn, ga, gối, đệm đã phát triển ở 8/8 thôn với hàng trăm hộ làm nghề; trong đó, nhiều hộ đã thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô lớn và đời sống người dân ngày càng được cải thiện, với trên 70% hộ khá, giàu.

 Bằng các cơ chế, chính sách phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn, tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang phát triển các cụm công nghiệp để mở rộng sản xuất; đồng thời tổ chức đào tạo nghề nông thôn, truyền nghề tại cơ sở sản xuất.

Những năm gần đây, tỉnh Vĩnh Phúc đã giao các đơn vị của Sở Công thương triển khai và hỗ trợ hàng chục đề án đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất mộc, cơ khí, sản xuất nhựa…từ nguồn kinh phí khuyến công.

Từ các cơ chế, chính sách hỗ trợ, nhiều cơ sở sản xuất đã vượt khó vươn lên làm giàu, giải quyết công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động ở địa phương, góp phần nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm.

Nguyễn Trọng Lịch