Chính sách cử tuyển đối với học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số

Hỗ trợ sinh viên cử tuyển lập thân, lập nghiệp

- Thứ Năm, 17/12/2020, 08:20 - Chia sẻ
Tại cuộc làm việc với Hội đồng Dân tộc, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo mong muốn Quốc hội ban hành thêm chính sách hỗ trợ sinh viên cử tuyển chưa bố trí được việc làm theo hướng những sinh viên này cần được hỗ trợ một lần hoặc được đi đào tạo lại ngành nghề khác phù hợp. Nếu chính sách này được ban hành, theo lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, sẽ tạo thêm điều kiện cho sinh viên cử tuyển có điều kiện tự lập thân, lập nghiệp phù hợp tại địa phương.

Nhiều sinh viên chưa được bố trí việc làm

Theo lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay có 52 dân tộc có học sinh, sinh viên cử tuyển, một số dân tộc thiểu số có số học sinh cử tuyển khá đông như dân tộc Thái, Khmer, Tày, Mông, Dao. Ước tính từ năm 2007 - 2013, tổng số học sinh cử tuyển vào các trường đại học, cao đẳng là 12.895/14.602 chỉ tiêu, đạt 88%. Số học sinh cử tuyển vào các trường trung cấp chuyên nghiệp là trên 2.000 học sinh. Giai đoạn 2010 - 2015, nhu cầu đào tạo học sinh cử tuyển của các địa phương giảm mạnh. Riêng năm 2015, chỉ còn 24/52 tỉnh, thành phố có nhu cầu tuyển sinh theo diện cử tuyển.

Trong khi đó, số sinh viên cử tuyển ra trường chưa bố trí được việc làm còn nhiều. Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, nếu giai đoạn 2007 - 2009, thực hiện cử tuyển theo Nghị định số 134/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp cử tuyển cơ bản đã bố trí được việc làm; thì những năm tiếp theo bố trí việc làm cho sinh viên hệ cử tuyển rất khó khăn. Một phần nguyên nhân của tình trạng này là do chủ trương tinh giản biên chế đã đi vào thực chất, vị trí việc làm tại các cơ quan của Đảng, Nhà nước ở các cấp đã cơ bản ổn định. Thống kê cho thấy, giai đoạn 2010 - 2017, số sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng theo chế độ cử tuyển là 3.774 người, trong đó chỉ 2.202 người được bố trí việc làm, tương ứng với gần 60% tổng số sinh viên cử tuyển. 

Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Giàng A Chu, giai đoạn 2010 - 2017, cá biệt có địa phương tỷ lệ sinh viên cử tuyển sau khi tốt nghiệp không được bố trí việc làm lên đến 80 - 90%. Tình trạng này ít nhiều đều tác động đến tâm tư của phụ huynh cũng như học sinh, sinh viên. Cho con đi học nhưng về không bố trí được việc làm nên rất hoang mang. Bên cạnh đó số liệu năm 2018 - 2020 cũng chưa được đánh giá cụ thể. Trong khi đó, "số lượng tồn đọng của giai đoạn trước cộng với 3 năm còn lại thì không biết thực tế giải quyết được bao nhiêu việc làm, chưa giải quyết được là bao nhiêu?”, Phó Chủ tịch Giàng A Chu đặt câu hỏi. 

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến phát biểu tại buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo  

Ảnh: H. Ngọc 

Nên hỗ trợ một lần hoặc đào tạo lại ngành nghề khác 

Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo thừa nhận, những con số trên đây mới chỉ được Bộ thống kê cơ bản chứ chưa khảo sát sâu về bố trí việc làm cho sinh viên cử tuyển sau khi tốt nghiệp. Bộ sẽ tổng hợp và bổ sung số liệu sinh viên cử tuyển ra trường không có việc làm thì làm gì; hay số học sinh cử tuyển không bố trí được ở lĩnh vực này thì có phát huy ở lĩnh vực khác hay không. "Trước kia, chúng ta cử các cháu đi học, hỗ trợ cho đến khi ra trường thì thôi, nhưng giờ có lẽ không nên giữ quy định đó, không phải cứ hưởng chế độ mãi mà không ra trường. Trong quá trình học, nếu các cháu không theo được, phải chuyển xuống cao đẳng, hoặc trung cấp. Đây là vấn đề Bộ sẽ rà soát, điều chỉnh chính sách cử tuyển”, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nêu quan điểm tại cuộc làm việc với Hội đồng Dân tộc. 

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 141/2020/NĐ-CP quy định chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số để thay thế cho Nghị định số 134/2006/NĐ-CP. Nghị định 141 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 23.1.2021. Ghi nhận và đánh giá cao việc Chính phủ ban hành Nghị định 141, các thành viên Hội đồng Dân tộc cũng kỳ vọng, Nghị định sẽ khắc phục được những bất cập, tồn tại trong chính sách cử tuyển vừa qua, nhất là tình trạng đào tạo chưa gắn với bố trí việc làm và sử dụng nguồn nhân lực.

Nghị định 141 cũng đã quy định về xét tuyển, bố trí việc làm đối với người được cử đi học theo chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp. Các quy định này được đánh giá là đã rõ ràng, linh hoạt và gắn chặt với trách nhiệm của UBND cấp tỉnh. Theo đó, hàng năm, các cơ sở, giáo dục phải gửi danh sách, bàn giao hồ sơ, bằng tốt nghiệp của người học theo chế độ cử tuyển đã tốt nghiệp cho UBND cấp tỉnh. UBND cấp tỉnh căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm, số lượng người làm việc và số biên chế công chức được giao đối với vị trí việc làm là cán bộ, công chức; căn cứ vào nhu cầu công việc, vị trí việc làm, số lượng người làm việc được giao, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp công lập đối với vị trí việc làm là viên chức và căn cứ vào hồ sơ người học theo chế độ cử tuyển đã tốt nghiệp để xây dựng kế hoạch xét tuyển vào công chức, viên chức đối với người học theo chế độ cử tuyển. Quy định này nhằm gắn đào tạo với bố trí, sử dụng.

Cũng theo Nghị định 141, UBND cấp tỉnh chỉ đạo việc tổ chức xét tuyển và bố trí việc làm đối với người học theo chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp theo quy định của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức hoặc gửi hồ sơ tới các đơn vị, tổ chức khác có nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ đào tạo chuyên môn phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm. Thời gian người học theo chế độ cử tuyển chờ xét tuyển và bố trí việc làm tối đa là 12 tháng, kể từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ để xét tuyển.

Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo mong muốn Quốc hội có thêm chính sách hỗ trợ sinh viên cử tuyển chưa bố trí được việc làm theo hướng, những sinh viên này cần được hỗ trợ một lần hoặc được đi đào tạo lại một ngành nghề khác phù hợp. Nếu như chính sách này được ban hành, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo tin tưởng, sẽ tạo thêm điều kiện cho sinh viên cử tuyển tự lập thân, lập nghiệp phù hợp tại địa phương, thay vì luôn trong tình trạng “trông chờ” được phân công công tác như vừa qua. 

Ý Nhi