Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đồng Nai

Hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong mùa dịch

- Thứ Năm, 26/08/2021, 04:16 - Chia sẻ
Đầu tháng 7 vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Đồng Nai đã lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh về tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản, kết nối cung cầu tránh tình trạng hàng hóa bị dồn ứ cục bộ, bảo đảm nguồn hàng được lưu thông. Qua gần 1 tháng triển khai, có 89 doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác và trang trại sản xuất nông sản đề nghị được hỗ trợ kết nối tiêu thụ...
Các thùng thực phẩm được Sở NN-PTNT Đồng Nai chuyển đến các điểm hỗ trợ

2 kịch bản tiêu thụ nông sản 

Trước bối cảnh dịch Covid-19 đang có diễn biến ngày càng phức tạp, các chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản bị đứt gãy đặt ra bài toán lớn cho ngành nông nghiệp cả nước nói chung, tỉnh Đồng Nai nói riêng. Thực trạng này đòi hỏi ngành nông nghiệp và các cơ quan, đơn vị có liên quan cần tập trung hỗ trợ, tiêu thụ nhóm nông sản chủ lực của tỉnh, thuộc các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản để vừa bảo đảm phòng chống dịch vừa giảm thiểu thấp nhất thiệt hại mùa vụ của bà con.

Theo thống kê từ Sở NN-PTNT Đồng Nai, tổng sản lượng nông sản cần tiêu thụ trên phạm vi toàn tỉnh, trong tháng 7 và tháng 8.2021 ước tính trên 500.000 tấn. Ông Nguyễn Hữu Danh, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Quản lý Chất lượng nông lâm thủy sản Đồng Nai cho biết, “từ thực tế nhu cầu tiêu thụ sản lượng nông sản, thủy sản của toàn tỉnh, chúng tôi đã đặt ra yêu cầu về công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các địa phương có nông sản đang vào mùa thu hoạch tuy nhiên phải tuyệt đối an toàn, bảo đảm yêu cầu công tác phòng chống dịch bệnh theo quy định của Chính phủ và UBND tỉnh Đồng Nai”.

Trên cơ sở đó, Đồng Nai đặt ra 2 kịch bản cho việc tiêu thụ nông sản bảo đảm thuận lợi, linh hoạt, chủ động, phù hợp với bối cảnh, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn, phạm vi quản lý. Thứ nhất, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng vẫn trong tầm kiểm soát, nông sản sẽ vẫn được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và một số nước thuộc thị trường khó tính (Hàn Quốc, Mỹ, Nhật…). Đồng thời, hoạt động thu mua nông sản của các hệ thống siêu thị và trung tâm thương mại diễn ra bình thường. Các chợ đầu mối tại TP. Hồ Chí Minh đóng cửa nhưng vẫn tiếp nhận và trung chuyển hàng nông sản, các chợ truyền thống vẫn hoạt động... Ngoài kênh truyền thống tỉnh cũng sẽ khuyến khích bán hàng trực tuyến để mở rộng thị trường tiêu thụ.

Thứ hai, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, dai dẳng, ảnh hưởng toàn diện đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong hoàn cảnh đó, hoạt động xuất khẩu nhỏ giọt, sản lượng nông sản trực tiếp tiêu thụ tại chợ đầu mối giảm; hệ thống chợ truyền thống đóng cửa. Khả năng không xuất khẩu được sản phẩm. Chợ đầu mối vẫn tiếp nhận và phân phối nhưng sản lượng giảm khoảng 50% so với “kịch bản 1”. Tỉnh sẽ đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm thông qua kết nối với các tỉnh thành trong cả nước và kết hợp với tiêu thụ qua kênh bán hàng trực tuyến.

Sẵn sàng kế hoạch ứng phó

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Trần Lâm Sinh cho biết, hiện Sở đang tập trung theo dõi, cập nhật sản lượng nông sản đến thời kỳ thu hoạch; sản lượng gia súc, gia cầm giết mổ để phối hợp với các địa phương tiêu thụ hết sản phẩm, không để tắc nghẽn, ùn ứ. Mặt khác, để dự phòng trước các kịch bản đã đề ra Sở cũng rà soát, tổng hợp khả năng dự trữ của các kho cấp đông, trữ lạnh, bảo quản của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, phân phối trên địa bàn nhằm sẵn sàng sử dụng hoặc huy động hỗ trợ khi cần thiết. Ngoài ra, Sở còn làm việc với các doanh nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn, vận động hỗ trợ thu mua sản phẩm sơ chế, chế biến, bảo quản, dự trữ nông sản bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng, chống dịch bệnh.

Ngay từ những ngày đầu triển khai công tác ứng phó làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư, ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai đã bám sát diễn biến dịch bệnh và tình hình canh tác của bà con để đưa ra dự báo sản lượng nông sản, từ đó có giải pháp hỗ trợ tiêu thụ hợp lý. Cụ thể như trong sản xuất, các địa phương bám sát tình hình thời tiết, diễn biến các loại sinh vật gây hại để hướng dẫn các HTX, tổ hợp tác, trang trại kịp thời điều chỉnh thời vụ, giống, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất.

Trong chăn nuôi, công tác kiểm dịch động vật thực hiện tốt việc tổ chức tiêm phòng tạo miễn dịch chủ động cho đàn gia súc, gia cầm. Tiếp tục nâng cao công tác quản lý dịch bệnh và kiểm soát giết mổ chế biến, bảo đảm đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Lĩnh vực thủy sản, ngành nông nghiệp tỉnh cũng theo dõi các HTX, tổ hợp tác, trang trại, hộ nuôi trồng thủy sản nhằm nắm bắt tình hình sản xuất để hướng dẫn kỹ thuật cho bà con giảm mật độ, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nuôi một cách phù hợp nhằm giảm giá thành nhưng vẫn duy trì chất lượng sản phẩm để phục vụ nhu cầu thị trường trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Đồng Nai kêu gọi các lực lượng hỗ trợ người dân tiêu thụ nông sản
Nguồn: ITN

Kết nối tiêu thụ nông sản, bảo đảm nguồn hàng lưu thông

Đầu tháng 7 vừa qua, Sở NN-PTNT đã đưa vào hoạt động đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh về tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản, kết nối cung cầu của người dân trên địa bàn tỉnh. Đây là kênh tiếp nhận thông tin, kịp thời tham mưu xử lý các vấn đề có liên quan đến sản xuất, tiêu thụ nông sản, kết nối cung cầu tránh tình trạng hàng hóa bị dồn ứ cục bộ, bảo đảm nguồn hàng được lưu thông.

Cụ thể, qua gần 1 tháng triển khai, từ đường dây nóng, Sở NN-PTNT đã nhận được hơn 200 cuộc gọi đến để được hỗ trợ, tư vấn. Trong đó, có 89 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và trang trại sản xuất các nông sản và thực phẩm đề nghị được hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản. Sản lượng nông sản bình quân 1 ngày đề nghị hỗ trợ tiêu thụ của 89 đơn vị với hơn 128 tấn rau, trên 184 tấn trái cây, gần 65 tấn thịt gà, gần 119 tấn thịt heo, 354 ngàn quả trứng cút, gần 31 ngàn quả trứng gà và sản phẩm thủy sản 14 tấn...

Sau khi tiếp nhận thông tin, Sở NN-PTNT đã thống kê danh sách cụ thể các địa điểm cần hỗ trợ, cập nhật các thông tin địa chỉ rõ ràng đăng tải trên các cơ quan báo chí và gửi trực tiếp đến các hệ thống bán lẻ trong và ngoài tỉnh. Kết quả đã kết nối giúp các HTX rau sạch Tân Yên (huyện Thống Nhất) tiêu thụ 15 tấn rau các loại/ngày; HTX rau sạch Trường An (huyện Xuân Lộc) tiêu thụ khoảng 25 tấn rau, củ quả các loại/ngày. Các sản phẩm rau củ quả nói trên được tiêu thụ chính tại các điểm bán bình ổn giá, các hệ thống bán lẻ như: siêu thị Big C, Co.opmart, Bách Hóa Xanh, Vinmart… Ngoài ra, Sở NN-PTNT trực tiếp tiêu thụ, kết nối cho các tổ chức từ thiện tiêu thụ hàng chục tấn thịt gà công nghiệp hiện đang trong tình trạng rớt giá, tồn hàng.

Thêm vào đó, tư vấn viên của đường dây nóng cũng tư vấn, hướng dẫn doanh nghiệp, nhà cung cấp thực hiện đăng ký cấp giấy nhận diện phương tiện (QR code); đăng ký “luồng xanh” vận tải ưu tiên cho phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu; cung cấp thông tin nhóm hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng thiết yếu cho các đơn vị kịp thời để thực hiện thủ tục lưu thông vận chuyển nông sản được thuận lợi.

Không chỉ đường dây nóng của tổng đài, những ngày này điện thoại cá nhân của mỗi cán bộ, nhân viên ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai đều là một đường dây nóng, các cá nhân, tập thể, doanh nghiệp, đơn vị cung cấp cần hỗ trợ đều có thể kết nối qua đó. Đại diện trang trại nuôi chim cút tại Đồng Nai, chị Lê Thị Thủy cho biết, chị và các hộ gia đình nuôi chim cút tại đây vô cùng cảm ơn sự chung tay góp sức của ngành nông nghiệp tỉnh nhà khi giúp đỡ bà con và nhà trại giải cứu trứng cút trong lúc khó khăn này, đồng thời các nhà trại cũng chung tay góp sức cùng lực lượng thiện nguyện bằng cách đóng thêm trứng vào các đơn hàng nhằm chia lửa cùng những hoàn cảnh khó khăn hơn. 

Ngoài các giải pháp trên, Sở NN-PTNT tỉnh cũng kiến nghị Bộ Công thương thúc đẩy hơn nữa tiêu thụ nông sản tại các vùng đang dịch bệnh nhằm nhanh chóng đưa nông sản đến tay người dân có nhu cầu, hạn chế tình trạng mất cân đối cung cầu cục bộ, nâng giá trục lợi trong giai đoạn phong tỏa các chợ đầu mối, chợ truyền thống. Các giải pháp tập trung giải quyết những yếu tố khiến việc tiêu thụ nông sản gặp khó khăn như: Vận chuyển nông sản qua các chốt kiểm dịch do các biện pháp phòng dịch không đồng bộ, cước phí vận tải tăng, nhu cầu thị trường giảm, chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng, thị trường truyền thống bị thu hẹp…

Tâm Anh