Hỗ trợ trẻ em mồ côi do Covid -19 cần có chính sách dài hạn

- Thứ Năm, 21/10/2021, 16:26 - Chia sẻ
Trẻ em mồ côi do Covid -19 không phải là vấn đề trước mắt 1 năm, 2 năm. Có những em mới chào đời còn gần 20 năm phía trước cần được hỗ trợ, chúng ta phải tính toàn diện. Vấn đề thực tiễn đặt ra có tác động lâu dài nên cần phải tính đến một chính sách dài hạn. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đã nhấn mạnh điều này khi đề cập đến giải pháp hỗ trợ trẻ em bị Covid -19 trong dài hạn.

Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương do Covid-19

Theo báo cáo của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát trên diện rộng và có diễn biến phức tạp, khó lường, trẻ em là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất, cần được bảo vệ. Nhiều trẻ em đã trở thành trẻ mồ côi cha, mẹ, vô gia cư, không nơi nương tựa.

Tại TP. Hồ Chí Minh, đã có 1.517 em rơi vào cảnh mồ côi . Có nhiều trẻ sơ sinh phải can thiệp sinh sớm, đẻ non trong điều kiện bà mẹ mang thai bị mắc Covid-19 cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển trí tuệ và thể lực của trẻ em trong tương lai. Trẻ mẫu giáo, nhà trẻ trong những gia đình bố mẹ đi làm không có người trông giữ giám sát sẽ không bảo đảm ăn uống, vệ sinh, dễ phát sinh tai nạn thương tích hoặc dễ có nguy cơ bị xâm hại.

De xuat ho tro tien mat cho tre em mo coi, phu nu kho khan vi COVIV-19 hinh anh 1
Liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương tặng quà cho con công nhân lao động mồ côi do Covid-19

Trong điều kiện giãn cách xã hội do Covid-19, trẻ em bị hạn chế vui chơi, giải trí, tham gia các hoạt động xã hội, tương tác cộng đồng, sẽ phát sinh tâm lý buồn chán, tăng thời gian sử dụng internet và mạng xã hội, dễ bị ảnh hưởng của thông tin xấu, độc, bị bắt nạt, lợi dụng, xâm hại thông qua môi trường mạng.

Đến nay, nước ta chưa có vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em và người dưới 18 tuổi. Trẻ em là F0 và trẻ em là F1 phải đi cách ly tập trung bị ảnh hưởng nặng nề nhất, phải đối mặt với nhiều nguy cơ gây tổn hại. Trẻ em là F0, nhất là những trẻ mắc biến chủng mới Delta dễ lây nhiễm và không có triệu chứng hoặc triệu chứng không điển hình, nếu không được xét nghiệm để phát hiện và có biện pháp chữa trị kịp thời sẽ bị suy giảm thể lực, thậm chí bị đe dọa đến tính mạng. Trẻ em phải đi cách ly tập trung không có cha mẹ đi cùng gây ra những gián đoạn trong sinh hoạt thường ngày, khiến các em bị cô lập, căng thẳng tâm lý, mất cảm giác an toàn của gia đình, đồng thời cũng phải đối mặt với nguy cơ bị xâm hại và những áp lực khác ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tâm lý xã hội của trẻ.

Dịch bệnh cũng góp phần làm tăng mức độ rủi ro đối với trẻ em và nhóm gia đình dễ bị tổn thương trong và sau đại dịch: gia tăng nguy cơ trẻ em bị xâm hại, bao gồm cả xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Trẻ em không đến trường học do giãn cách xã hội kéo dài nên phát sinh nhiều trường hợp trẻ em bị tai nạn, thương tích, nhất là đuối nước, tai nạn giao thông, trẻ em bị rơi, ngã ở nhà cao tầng.

“Sau đại dịch, nhiều trẻ em sẽ phải chịu ảnh hưởng lâu dài, do hàng triệu gia đình có trẻ em bị đe dọa về sinh kế có nguy cơ rơi vào cảnh nghèo đói hoặc tái nghèo, sẽ làm tăng số trẻ em phải lao động kiếm sống, tham gia vào các hoạt động kinh tế của gia đình”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nhận định.

Ưu tiên chăm sóc trẻ tại gia đình

Để hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1.7.2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7.7. 2021 quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Việc bảo đảm quyền lợi của trẻ em mồ côi không phải là vấn đề trước mắt 1 năm, 2 năm. Bởi có những em mới chào đời còn gần 20 năm phía trước cần được hỗ trợ, do đó, chúng ta phải tính toàn diện. Vấn đề thực tiễn đặt ra có tác động lâu dài nên cần phải tính đến một chính sách dài hạn. Chính phủ có chính sách dài hạn giúp các em vượt qua khó khăn, được chăm sóc đầy đủ nhất đến lúc trưởng thành, cứng cáp để các em có thể tự lập sau này.

 Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh

Ngoài ra, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã chủ động chỉ đạo, hướng dẫn địa phương triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch đến trẻ em. Quyết định số 623/QĐ-LĐTBXH ngày 29.5.2021 hỗ trợ cho trẻ em bị nhiễm  Covid-19 và trẻ em phải cách ly tập trung để phòng, chống dịch  Covid-19. Trong đó có chính sách hỗ trợ tiền ăn cho trẻ em là F0 điều trị, trẻ em là F1 cách ly y tế để phòng, chống Covid-19 theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền (hỗ trợ 80.000đ/trẻ em/ngày và hỗ trợ thêm một lần mức 1.000.000 đồng/trẻ em; 1.000.000 đồng/lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đang mang thai; người lao động đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 6 tuổi được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/trẻ em chưa đủ 6 tuổi và chỉ hỗ trợ cho 1 người là mẹ hoặc cha hoặc người chăm sóc thay thế trẻ em.

Ngoài ra, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã phối hợp với UNICEF, UN Women và tổ chức phi chính phủ quốc tế (Save the Children, Child Fund, Plan, GHAI) xây dựng và phổ biến các tài liệu, sản phẩm tư vấn, truyền thông về bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong đại dịch Covid-19 trong gia đình, tại các cơ sở cách ly tập trung, trên môi trường mạng, chăm sóc thay thế khi trẻ em F0, F1 không có sự chăm sóc của cha mẹ.

Đối với trẻ bị mồ côi do Covid-19, ngoài những chính sách đã có trong ngắn hạn, rất cần xem xét cơ chế, chính sách dài hạn để bảo đảm cuộc sống ổn định lâu dài cho các em.

Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, chính sách hỗ trợ trẻ em bị mồ côi do Covid-19 không chỉ cần giải quyết vấn đề khủng hoảng cấp bách trước mắt mà đây là vấn đề lâu dài. Về phía địa phương, cần áp dụng ngay chính sách của Nhà nước, của địa phương cũng như các nguồn hỗ trợ để làm sao giảm mức tối đa khó khăn về mặt đời sống cho các em; triển khai giúp các em tiếp cận với hệ thống mạng lưới, dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Nhấn mạnh, điều quan trọng nhất lúc này là phải để các em được sống trong môi trường gia đình, sống với người thân, cộng đồng nơi các em sinh ra, ông Đặng Hoa Nam cho rằng, phải xuất phát dựa trên những nguyên tắc về quyền, lợi ích tốt nhất của trẻ em, căn cứ vào nhu cầu, nguyện vọng cụ thể của từng em và người chăm sóc trẻ để có sự hỗ trợ phù hợp.

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Nhà nước sẽ hỗ trợ và vận động các nguồn xã hội hóa để đảm bảo cho các em được chăm sóc tại gia đình. Trong trường hợp bất khả kháng, không còn người thân, họ hàng mới tính đến phương án đưa các em vào trung tâm bảo trợ, trung tâm do các nhà hảo tâm xây dựng.

Song Hà