Hòa Bình triển khai nhiều cơ chế, chính sách thu hút đầu tư

- Thứ Hai, 27/09/2021, 05:50 - Chia sẻ
Là một trong 8 tỉnh nằm trong quy hoạch đường vành đai 5 vùng thủ đô, Hòa Bình đang có cơ hội đón nhận làn sóng đầu tư mới để trở thành trung tâm phát triển trong khu vực. Nắm bắt cơ hội này, tỉnh đã và đang triển khai nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư.
Ảnh: T. Tâm

Với những cơ chế, chính sách hỗ trợ đã và đang được triển khai, Hòa Bình tin tưởng sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư có tâm, có tầm. Các doanh nghiệp đang đóng trên địa bàn tỉnh có thể yên tâm hoạt động sản xuất, kinh doanh trước một bộ máy chính quyền năng động, phục vụ vì sự hài lòng, hạnh phúc của người dân và doanh nghiệp.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh NGÔ VĂN TUẤN

Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư

Để đón các nhà đầu tư chiến lược, tỉnh Hòa Bình xác định phải cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh. Trong đó, cải cách hành chính (CCHC), nhất là cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được xem là yếu tố then chốt. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ CCHC; khẩn trương hoàn thành thử nghiệm Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện và các sở, ngành (DDCI) để đưa vào áp dụng từ năm 2022. Đồng thời, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đặc biệt, tỉnh đã ban hành quy chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương để hỗ trợ nhà đầu tư một số TTHC đối với các dự án đầu tư theo hình thức thỏa thuận, nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất (QSDĐ), nhận góp vốn bằng QSDĐ trên địa bàn…

Hiện, tỉnh đang tập trung nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan trong giải quyết thủ tục liên quan đến công tác quy hoạch, đầu tư, xây dựng... Cấp ủy, chính quyền các cấp luôn lắng nghe đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư để có hướng giải quyết phù hợp. Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế lao động; rà soát, cắt giảm TTHC, chi phí cho doanh nghiệp.

Tại nhiều cuộc họp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ngô Văn Tuấn đã đề cập đến diễn biến tích cực tại một số địa phương khi cấp ủy, chính quyền, tổ chức liên quan cùng vào cuộc để giải phóng mặt bằng (GPMB) hỗ trợ doanh nghiệp. Bí thư Tỉnh ủy Ngô Văn Tuấn khẳng định: Để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, giải phóng mặt bằng là "mắt xích" quan trọng hàng đầu, là khâu then chốt nhà đầu tư rất cần sự hỗ trợ, đồng hành của chính quyền địa phương trong quá trình triển khai dự án.

Thời gian qua, một số địa phương đã quyết liệt triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng “Tới đây, tỉnh sẽ tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, tập trung giải quyết tốt khâu giải phóng mặt bằng để triển khai thành công các dự án lớn, nhất định không để xảy ra tình trạng “trên thảm, dưới đinh”, Bí thư Tỉnh ủy Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh.

Tỉnh Hòa Bình luôn nỗ lực, quyết tâm tạo môi trường thuận lợi, an toàn, đáng tin cậy cho doanh nghiệp
Ảnh: Hải Dương

Đồng hành giúp doanh nghiệp vượt khó

Trong gần 2 năm qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh của hàng nghìn doanh nghiệp lớn nhỏ trên địa bàn tỉnh đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh Covid-19. Nhằm tạo điều kiện, khuyến khích phát triển doanh nghiệp trên địa bàn, tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo triển khai nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Mới đây nhất, tại Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh Hòa Bình Khóa XVII đã ban hành Nghị quyết Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Đây được coi là động lực giúp các doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh.

Là một trong số rất nhiều doanh nghiệp chịu tác động nặng nề của dịch bệnh, năm 2020, Công ty cổ phần may xuất khẩu An Phúc (thị trấn Hàng Trạm, huyện Yên Thủy) đã nhận được sự hỗ trợ kịp thời của tỉnh thông qua Đề án nhóm “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong dệt may” từ nguồn vốn khuyến công quốc gia. Từ nguồn hỗ trợ này, công ty đã bổ sung hệ thống máy móc hiện đại, công suất lớn, tạo ra sản phẩm có chất lượng kỹ thuật cao hơn. Qua đó, tạo thay đổi lớn trong sản xuất, kinh doanh, đứng vững trên thị trường và tạo việc làm ổn định cho đội ngũ công nhân.

Giống như Công ty Cổ phần May xuất khẩu An Phúc, nhiều doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ trên địa bàn tỉnh cũng đã được hưởng lợi từ các chương trình, đề án hỗ trợ của Trung ương và tỉnh. Trong năm 2021, chương trình khuyến công quốc gia tiếp tục giúp một số doanh nghiệp được thụ hưởng các đề án về “hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến nông sản”; “hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong may công nghiệp”; “hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ, triển lãm trong nước”. Qua đó, giúp các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh và quảng bá rộng rãi sản phẩm trên thị trường.

Sự vào cuộc của các cấp, các ngành đã tạo động lực giúp doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình vượt qua giai đoạn khó khăn, tiếp tục thúc đẩy phát triển sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.  

Trần Tâm