Hóa đơn tiền điện “nói gì” khi xây dựng giá điện bậc thang 2 thành phần?

- Thứ Bảy, 27/02/2021, 19:22 - Chia sẻ

Dự thảo Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch Điện VIII) được Bộ Công thương xin ý kiến các bộ ngành liên quan đang thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia và người dân, trong đó có vấn đề đề xuất xây dựng giá bậc thang 2 thành phần theo công suất và điện năng; Xem xét thu phí cố định theo tháng.

Bộ Công thương cũng đề xuất xem xét điều chỉnh giá điện theo quý khi chi phí nhiên liệu thay đổi; xem xét hệ số giảm giá nếu sử dụng ít điện. Theo Bộ Công thương, các nước trong khu vực đều áp dụng biểu giá bán lẻ theo cấp điện áp, theo thời gian cao điểm, thấp điểm (TOU), theo bậc thang và phân theo các ngành kinh tế. Ví dụ như biểu giá điện của Thái Lan được phân theo công suất tiêu thụ, mức điện áp, công suất tiêu thụ, bậc thang và biểu giá cho các ngành. Đối với các ngành được chia theo mức công suất với mức biểu giá riêng. Hay Hồng Kông cũng chia giá điện sinh hoạt làm 7 bậc và các ngành khác thì chia 4 bậc. Malaysia chia giá điện thành 6 bậc thang…

Ảnh minh họa nguồn:
(Ảnh minh họa nguồn: vneconomy.vn)

Rõ ràng điện sinh hoạt chỉ là 1 trong 4 nhóm khách hành của EVN gồm  các ngành sản xuất,  khối hành chính, sự nghiệp và cho kinh doanh. Điện sinh hoạt chiếm 28% tổng sản lượng điện tiêu thụ, với mức giá trung bình là gần 1.897 đồng/số, cao hơn không đáng kể so với mức giá bán lẻ điện bình quân (là 1.864,44 đồng/số). Tuy nhiên điện sinh hoạt là yếu tố quan trọng trong nguồn an ninh năng lượng, đối tượng tiêu thụ rất rộng, mức sử dụng rất khác biệt và nguồn thu nhập rất khác nhau… có tác động xã hội nhanh và rộng lớn.  Vì vậy, nếu chỉ xây dựng riêng biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt thì không làm rõ được thay đổi cách tính giá bán điện và sự phân bổ cân bằng hợp lý giữa các đối tượng.

Khi đặt vấn đề biểu giá điện của một số nước có nhiều điểm tiến bộ hơn biểu giá điện hiện trạng của Việt Nam (giá điện theo 2 thành phần công suất và điện năng, giá điện điều chỉnh theo quý khi chi phí nhiên liệu thay đổi, có hệ số giảm giá khi dùng ít điện, không bù chéo giữa các nhóm khách hàng lớn, chỉ trợ giá cho đối tượng người già, thất nghiệp, đơn thân, tách bạch chi phí dịch vụ hỗ trợ thị trường, chi phí vận hành hệ thống và quản trị thị trường)... thì chúng ta cần phải làm rõ cơ sở hạ tầng, cách vận hành và quản lý hệ thống điện, mức độ “độc quyền ngành điện” và thói quen, tâm lý người tiêu dùng ở các nước này như thế nào... Đây là vấn đề lớn để đảm bảo yêu cầu  xây biểu giá bán lẻ điện Việt Nam: Đơn giản, dễ hiểu, minh bạch, rõ ràng, dễ thực hiện; phù hợp với tình hình ngành điện, thị trường điện và tình hình kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.

Người tiêu dùng chỉ nhìn vào hóa đơn tiền điện nhiều hay ít so với phương án hiện hành khi dùng số điện như nhau đế nhận định về phương án tính giá điện “lợi, thiệt” thuộc về họ? Theo số liệu trước đây của EVN, khách hàng dùng lượng điện từ 300 số trở xuống là hơn 22 triệu khách hàng, chiếm khoảng 72,6% lượng khách hàng với 60% sản lượng điện; Còn dùng từ 400 kWh đến dưới 700 số là khoảng 1,2 triệu khách hàng; từ 701 kWh trở lên là hơn 456 nghìn khách hàng. Số này chỉ chiếm 1,8% lượng khách hàng nhưng sản lượng tiêu thụ chiếm tới 13%. Vậy cách tính mới sẽ tác động đến từng đối tượng như thế nào? Đối tượng nào hưởng lợi, đối tượng nào chịu thiệt? Đó không đơn thuần là thị trường mà còn là chính xã hội và kinh doanh hướng vào đối tượng nào để phục vụ mà EVN phải làm rõ.

Việc giá điện theo 2 thành phần công suất và điện năng, giá điện điều chỉnh theo quý khi chi phí nhiên liệu thay đổi… là cách quản lý giá minh bạch và linh hoạt nhằm đảm bảo nguyên tắc: Bù đắp chi phí và có lãi ở mức hợp lý cho ngành điện và các nhà đầu tư để không ngừng phát triển nguồn điện và lưới điện đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng; Đảm bảo sự công bằng cho các khách hàng; Phù hợp với quy luật khan hiếm của các nguồn tài nguyên năng lượng… Điều này còn đòi hỏi xem xét sự cân bằng biểu giá điện giữa các nhóm đối tượng tiêu thụ: sinh hoat, hành chính, sản xuất và kinh doanh. Rõ ràng EVN  không thể xây dựng phương án lỗ triền miên mà tăng nguồn thu và bù đắp chi phí và không thể đẩy giá điện sinh hoạt tăng hơn các nước khu vực phù hợp với thực tiễn và trình độ phát triển của Việt Nam.

Cuối cùng chính là việc công khai quá trình thảo luận và xây dựng phương án sao cho các bộ ngành liên quan và người dân thấy được sự minh bạch trong cách tính giá điện và tách bạch chính sách hỗ trợ với thị trường bình đẳng, cạnh tranh. Bên cạnh đó là chính sách quản lý và giá thành điện đến người tiêu dùng cần rõ ràng, minh bạch và kịp thời phản hồi thông tin, tránh việc xem ngành điện là “độc quyền”  dễ xây dựng phương án có lợi cho mình.

Thanh Hà