Hoài niệm Tết xưa

- Thứ Bảy, 15/01/2022, 05:32 - Chia sẻ
Tái hiện một phần không khí Tết xưa với phong tục ăn Tết, lễ Tết, chơi Tết, triển lãm “Tết xưa” do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I - Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước khai mạc sáng 14.1, mong muốn nhắc nhớ thế hệ hôm nay gìn giữ truyền thống, hồn cốt dân tộc, khơi dậy nét đẹp vốn có của Tết Việt.

Hướng về cội nguồn

100 phiên bản tài liệu, hình ảnh thú vị, độc đáo, hiếm có về ngày Tết cổ truyền được bố cục theo 3 chủ đề: “Phiên chợ ngày Xuân”, “Cung chúc tân Xuân” và “Du Xuân”. Trong đó, chủ đề “Phiên chợ ngày Xuân” giúp công chúng khám phá chợ Tết - một nét đẹp văn hóa, đậm dấu ấn truyền thống dân tộc mỗi dịp xuân về. “Cung chúc Tân Xuân” giới thiệu các nghi lễ, phong tục, tập quán vào dịp Tết Nguyên đán, với Tết ông Công, ông Táo ngày 23 tháng Chạp, hoạt động trang hoàng nhà cửa bằng câu đối đỏ, hoa tươi, tranh Tết, dựng cây nêu, lễ giao thừa - lễ trừ tịch tiễn năm cũ đi, đón năm mới về… Chủ đề “Du xuân” là các tư liệu, hình ảnh người xưa thưởng xuân, chơi xuân từ mùng 2 Tết đến suốt tháng Giêng, Hai.

Phiên chợ Xuân với hoạt động ông đồ cho chữ giúp người xem hoài niệm về ngày Tết cổ truyền
Ảnh: HS

Nguyên Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I Ngô Thiếu Hiệu cho biết, tài liệu được trưng bày dưới nhiều dạng thức là các bản vẽ, tranh, ảnh Tết, kết hợp số hóa, rất thiết thực cho công chúng thưởng lãm vào những ngày giáp Tết. Người xem có cơ hội tìm hiểu kỹ phong tục đón Tết, ăn Tết, chơi Tết qua mỗi tài liệu, hình ảnh xưa được xử lý rõ nét với góc nhìn rộng và thoáng hơn. “Mặc dù vẫn được tổ chức ở nhiều vùng nông thôn Bắc Bộ, các tập tục như trồng cây nêu ngày Tết, trang hoàng nhà cửa bằng câu đối Tết, trò chơi đánh đu… tưởng chừng đã bị lãng quên nay có dịp gợi lại cho người dân Thủ đô Hà Nội, để thế hệ trẻ hiểu hơn về tục đón Tết xưa, thêm yêu và trân trọng văn hóa truyền thống mà không phải dân tộc nào cũng có”.

Không chỉ giúp công chúng tìm lại được những nét đẹp của Tết xưa, triển lãm còn cung cấp nguồn sử liệu tin cậy phục vụ bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Theo Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Đặng Thanh Tùng, chuẩn bị đón Tết, những người làm lưu trữ mong muốn dẫn dắt công chúng hướng về cội nguồn, nhớ lại lịch sử dân tộc từ những mùa Tết xưa, để thấy nét văn hóa truyền thống và giá trị của tài liệu lưu trữ. Người xem không chỉ biết, hiểu mà còn được chứng kiến các hoạt động tái hiện chi tiết ngày lễ lớn nhất trong năm của dân tộc. Tìm hiểu đời sống tinh thần, tâm linh của người Việt để tự hào về kho tàng văn hóa, từ đó có thêm khát vọng và mong ước cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

Đánh thức miền ký ức

Nhận định giá trị của thông tin lưu trữ, bằng chứng chứa đựng một phần ký ức con người, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết: “Các tài liệu trưng bày thể hiện quá khứ sống động, trực quan, như dòng văn bản của Nhà nước, một bài thơ xuân, tấm hình chụp cảnh quan, sinh hoạt dịp Tết…; nó gợi cho mỗi thế hệ một cách nhìn khác nhau. Các bạn trẻ có thể lạ lẫm, nhưng chúng tôi lại thấy gần gũi, thân thương. Có những hiện tượng, câu chuyện khi xem lại, khiến chúng ta đặt câu hỏi, ví dụ hình ảnh tràng pháo Tết gợi nhớ những háo hức, mong chờ của người người, nhà nhà khi xưa, đến nay lại là cấm kỵ, e ngại. Điều đó cũng nhắc nhở chúng ta cần gạn đục khơi trong, có thể gác lại những gì không còn thích hợp, mặc dù nó là một phần ký ức, di sản văn hóa dân tộc”.

Cũng theo ông Dương Trung Quốc, trưng bày lần này không chỉ giúp thế hệ trước hồi tưởng mà cho lớp người trẻ hướng về truyền thống. “Với tôi, truyền thống cũng là sự phát triển, vận động. Khai thác tài liệu tưởng như nằm yên một chỗ, câm lặng mãi mãi là quá trình để tài liệu lên tiếng cho thế hệ trẻ hiểu quá khứ để trân trọng tương lai”.

Giống như khi xem những hình ảnh thời bao cấp, nhiều người vẫn rưng rưng nhớ thời niên thiếu, mong chờ cả năm để được hít hà mùi bánh chưng, mùi pháo Tết dịp Xuân về. “Thời kỳ đó, đón Tết thì có, ăn Tết thì ít mà chơi Tết cũng không có gì, nhưng là Tết truyền thống nên mọi người rất háo hức. Tôi nhớ mẹ đã phải xếp hàng toát mồ hôi mới có được mấy cặp bánh gai ở phố Sinh Từ (Nguyễn Khuyến ngày nay), đã thấy sung sướng lắm”, ông Ngô Thiếu Hiệu nhớ lại.

Từng sống hơn 20 năm tại nước ngoài, họa sĩ, dịch giả Trịnh Lữ cũng mong muốn được xem lại những hình ảnh xưa. Họa sĩ cho biết, ông gửi triển lãm ảnh chụp gia đình vào mồng 1 Tết Quý Tỵ (1953), khi ông 6 tuổi. “Theo lệ, vào sáng mồng 1 Tết, cả gia đình tôi lại đến chùa Quán Sứ lễ Phật, chúc Tết, làm từ thiện. Bức ảnh chụp sau gần 7 thập kỷ cùng các hình ảnh, tài liệu khác trong không gian ‘Tết xưa’ gợi cho tôi nhiều kỷ niệm. Người Việt dù đi đâu, ở đâu cũng nhớ nhà, nhớ từ nếp ăn, nếp mặc đến các thú chơi. Dịp Tết cũng là lúc lan tỏa ý thức của người Việt, đánh thức miền ký ức, hoài niệm về quê hương tới mỗi người dân xa xứ”.  

Rõ ràng, Tết xưa và nay thay đổi khá nhiều để đáp ứng sự phát triển kinh tế, xã hội và nhu cầu của con người. Tuy nhiên, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Văn Huy khẳng định, có những điều đã trở nên vĩnh cửu, không thể thay đổi. “Tết là sum vầy, là con cháu hướng về tổ tiên, có bánh chưng bày lên bàn thờ Tết, thắp nén hương thơm trong những ngày Tết, giáo dục con cháu uống nước nhớ nguồn, không quên công sinh thành, dưỡng dục của thế hệ trước. Tết cũng là mùa đẹp nhất trong năm, mùa của vạn sinh sôi nảy nở, thiên nhiên giao hòa; con người thường lắng lại, nghỉ ngơi, thưởng thức những gì thiên nhiên ban tặng. Sự vĩnh cửu của thời tiết, thiên nhiên gắn với văn hóa mà người Việt tạo ra mới là giá trị đích thực mà ‘Tết xưa’ đem lại”.  

Hương Sen