Tổng kết công tác khuyến công năm 2021

“Hoàn thành ở mức độ cao nhất kế hoạch năm”

- Thứ Sáu, 10/12/2021, 06:28 - Chia sẻ
Năm 2021, trong bối cảnh ngân sách khó khăn do thực hiện các nhiệm vụ về phòng, chống dịch Covid-19, kinh phí khuyến công quốc gia chỉ được bố trí ở mức thấp (giảm 50% so với năm 2020). Mặc dù vậy, toàn hệ thống khuyến công từ Trung ương đến địa phương đã “tập trung đẩy nhanh tiến độ, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ/đề án khuyến công nhằm hoàn thành ở mức độ cao nhất kế hoạch năm 2021”, Cục Công thương địa phương, Bộ Công thương đánh giá.

Nỗ lực vượt khó

Theo Cục Công thương địa phương, năm 2021, tổng kinh phí khuyến công của cả nước là 338 tỷ đồng, trong đó kế hoạch kinh phí khuyến công quốc gia là 150 tỷ đồng, kế hoạch kinh phí khuyến công địa phương là 188 tỷ đồng. Đáng chú ý, đối với chương trình khuyến công quốc gia, trong bối cảnh ngân sách khó khăn, chương trình chỉ được giao hơn 75,6 tỷ đồng cho 46 địa phương, 5 tổ chức dịch vụ khuyến công và Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1, đạt 50% tổng dự toán năm 2021, giảm hơn 50% so với kinh phí được giao năm 2020.

	Năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 song công tác khuyến công vẫn đạt nhiều kết quả tích cực. Nguồn ITN
Năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 song công tác khuyến công vẫn đạt nhiều kết quả tích cực.
Nguồn ITN

Trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch, mở cửa nền kinh tế có lộ trình và bảo đảm an toàn trong sản xuất và phòng chống dịch, toàn hệ thống khuyến công từ Trung ương đến địa phương đã tập trung đẩy nhanh tiến độ, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ/đề án khuyến công nhằm “hoàn thành ở mức độ cao nhất kế hoạch năm 2021”, Cục Công thương địa phương đánh giá.

Theo đó, năm 2021, hoạt động khuyến công đã hỗ trợ 739 cơ sở ứng dụng máy móc tiên tiến và tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các khâu sản xuất và xử lý ô nhiễm môi trường; hỗ trợ xây dựng 14 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới, thí điểm xây dựng mô hình trình diễn áp dụng giải pháp sạch hơn; hỗ trợ 5 cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường. Kinh phí khuyến công thực hiện chương trình là 166,27 triệu đồng, ước thực hiện đạt 93,26% kế hoạch năm, chiếm 68,72% tổng kinh phí khuyến công.

Bên cạnh đó, chương trình khuyến công tổ chức đào tạo nghề, đào tạo nâng cao năng lực quản lý và khởi sự doanh nghiệp cho hơn 3.000 người. Tổ chức được 5 đoàn tham quan, khảo sát học tập kinh nghiệm trong nước cho 87 lượt người là đại diện của các cơ sở CNNT, cán bộ quản lý địa phương; tổ chức được 22 hội thảo, tập huấn chuyên đề cho 1.500 đại biểu tham dự thông qua hình thức trực tiếp và hình thức trực tuyến qua internet. Bên cạnh đó, hỗ trợ tư vấn cho 12 cơ sở CNNT trong các hoạt động: thành lập doanh nghiệp, lập dự án đầu tư; marketing; thiết kế mẫu mã bao bì...

Mặc dù vậy, việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch như cách ly, phong tỏa, hạn chế di chuyển, tập trung đông người đã ảnh hưởng nhiều đến việc triển khai các hoạt động khuyến công. Một số nội dung thiết thực như hỗ trợ tham gia hội chợ, triển lãm, hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp, hội nghị, hội thảo chuyên đề không triển khai được. Việc xây dựng các đề án khuyến công quốc gia điểm chưa được các địa phương quan tâm, nhiều đề án chưa phát huy tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của vùng, địa phương...

Tăng ngân sách cho chương trình khuyến công quốc gia

Trong năm 2022, toàn hệ thống khuyến công đặt mục tiêu triển khai các nội dung hoạt động khuyến công nhằm thực hiện tốt nhất Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm và các mục tiêu tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Để cụ thể hóa mục tiêu, toàn hệ thống xác định tiếp tục nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành trong chỉ đạo, phối hợp, triển khai các hoạt động khuyến công, tạo sự gắn kết giữa cơ quan quản lý nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp, cơ sở CNNT trên địa bàn. Bên cạnh đó, bám sát các mục tiêu của Chương trình khuyến công quốc gia giai đoạn 2021 - 2025; chú trọng công tác bình chọn và tôn vinh các sản phẩm CNNT tiêu biểu các cấp; tạo điều kiện cho các cơ sở CNNT thuận lợi trong tiếp cận các cơ hội phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất chất lượng...

Cục Công thương địa phương đề xuất, Chính phủ cần quan tâm bố trí tăng ngân sách cho chương trình khuyến công quốc gia theo hướng tăng trung bình mỗi năm từ 20%, đặc biệt trong bối cảnh dự báo diễn biến dịch bệnh còn kéo dài, phức tạp để góp phần thực hiện các giải pháp tại Nghị quyết của Đảng, Chính phủ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất bền vững. Bộ Công thương ban hành tiêu chuẩn phân hạng đơn vị sự nghiệp ngành công thương; ban hành định mức kinh tế kỹ thuật đối với dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực khuyến công và đề xuất các bộ ngành liên quan về thống nhất mô hình các Trung tâm Khuyến công.

Về phía UBND cấp tỉnh, cần tăng cường quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương; bổ sung biên chế; đầu tư cơ sở vật chất nâng cao năng lực hoạt động của các Trung tâm Khuyến công cấp tỉnh theo hướng chuyên nghiệp hóa để tổ chức thực hiện tốt hoạt động khuyến công tại địa bàn.

Minh Châu