Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội Khoá XV

Hoàn thành trọng trách với đất nước, với cử tri và Nhân dân

- Thứ Tư, 12/01/2022, 08:47 - Chia sẻ
Trao đổi với PV Báo Đại biểu Nhân dân, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá, các nội dung được trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp bất thường đều rất cấp bách, đặc biệt là Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Với tinh thần chủ động, linh hoạt, Kỳ họp bất thường được Quốc hội tổ chức ngay trong những ngày đầu năm mới 2022 được cử tri đặc biệt quan tâm và đặt nhiều kỳ vọng!

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp):
Củng cố niềm tin về hiệu quả chính sách

Nhiều cử tri nói với tôi họ rất ấn tượng và đánh giá cao việc Quốc hội xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, dù diễn ra trong một thời gian rất ngắn. Trong bối cảnh dịch Covid  - 19 vẫn đang diễn biến phức tạp, Chính phủ, các bộ ngành liên quan đã nỗ lực chuẩn bị và trình Quốc hội một gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với quy mô và nguồn lực thực hiện lớn, không chỉ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trực tiếp sản xuất, kinh doanh (thông qua các chính sách miễn, giảm, giãn nộp thuế) mà còn hỗ trợ người yếu thế, người lao động quay trở lại làm việc, nhất là chi nâng cao công tác y tế dự phòng, y tế cơ sở, chi cho lực lượng trực tiếp tham gia phòng, chống dịch. Gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được Quốc hội quyết định chiều 11.1 không chỉ có tác dụng trong hai năm triển khai mà tôi tin là sẽ có tác động tích cực đối với sự phục hồi, phát triển kinh tế trong cả giai đoạn tới đây. 

Ảnh: Lê Bình

Cùng với quyết đáp về gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật, cơ chế đặc thù cho thành phố Cần Thơ, chủ trương đầu tư dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đều tạo nhiều dấu ấn với cử tri. Đó đều là những quyết đáp có tác động mạnh mẽ đến quá trình phục hồi, phát triển kinh tế. Sự liên quan, hỗ trợ lẫn nhau giữa các nội dung này là một điểm nhấn của Kỳ họp bất thường, qua đó càng củng cố thêm niềm tin về hiệu quả chính sách khi được Quốc hội thông qua.

Các nội dung được trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường đều được xem xét, thông qua theo quy trình rút gọn tại một kỳ họp. Do đó, việc bảo đảm chất lượng các nội dung trình có ý nghĩa hết sức quan trọng, thậm chí là quyết định thành công của Kỳ họp. Tôi rất ấn tượng về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội trong quá trình chuẩn bị các nội dung trình Kỳ họp bất thường. Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đã chủ động vào cuộc từ sớm, làm việc thường xuyên với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, đơn vị hữu quan. Tôi cho rằng, Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có vai trò rất quan trọng đối với thành công của Kỳ họp bất thường lần này. Đặc biệt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tổ chức nhiều hoạt động để thẩm tra kỹ lưỡng các nội dung được trình Quốc hội, có nhiều đề nghị thiết thực cho quá trình hoàn thiện các nội dung để trình Quốc hội biểu quyết.

ĐBQH Nguyễn Chu Hồi (Hải Phòng):
Giải quyết những vấn đề hết sức cấp bách, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn

Đây là lần đầu tiên Quốc hội tổ chức Kỳ họp bất thường, có thể nói là kỳ họp chưa có tiền lệ nhằm giải quyết những vấn đề rất cấp bách, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn. Bốn vấn đề được Quốc hội thảo luận, quyết định đều được cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị, xem xét rất chu đáo, kỹ lưỡng, thận trọng. Do đó, khi trình ra Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận về các vấn đề thực chất nhất, ưu tiên nhất để có thể thông qua ngay tại một Kỳ họp. 

Ảnh: H. Ngọc

Tôi cho rằng, các chính sách này khi đi vào cuộc sống, nhất là gói chính sách tài khóa, tiền tệ sẽ tạo ra cơ chế mới cho các địa phương, doanh nghiệp, huy động, giải phóng nguồn lực xã hội, qua đó góp phần kiểm soát tốt dịch Covid - 19, phục hồi kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng như Chính phủ đã quyết tâm thực hiện trong năm 2022 và cho cả lâu dài, với những vấn đề chiến lược, mang tính quốc kế dân sinh.

Trong bối cảnh dịch Covid - 19 vẫn diễn biến phức tạp, vấn đề kiểm soát dịch bệnh và phục hồi kinh tế phải song hành với nhau. Nếu không kiểm soát được dịch Covid - 19 thì không thể nào phát triển kinh tế, cho nên các đại biểu đều thống nhất rằng, gói chính sách tài khóa, tiền tệ phải ưu tiên cho củng cố cơ sở hạ tầng, nhất là cơ sở hạ tầng ở tuyến y tế cơ sở, đây là nền tảng, là bức tường vững chắc để chống Covid - 19, hỗ trợ cho người dân cách sống chung, điều trị và vượt qua dịch bệnh. Các chính sách tài khóa, tiền tệ cũng cực kỳ ấn tượng, thể hiện sự công bằng, bởi chúng ta hỗ trợ trực tiếp cho người dân, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Khi doanh nghiệp phục hồi được, chúng ta sẽ “vươn” trở lại, tạo ra sức bật mới.

Những nội dung được Quốc hội biểu quyết thông qua tại Kỳ họp bất thường thứ Nhất đều có tính lan tỏa và dài hạn. Đến thời điểm này, tôi quan tâm nhiều hơn đến việc các chính sách sẽ được triển khai thực hiện như thế nào để bảo đảm mục tiêu đề ra. Quá trình thực thi phải thực sự đơn giản, gần gũi, mang tính chất cởi trói, tạo ra cơ chế “động”, tác động mạnh vào đối tượng chịu sự điều chỉnh, qua đó khuyến khích, tạo động lực để người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội chủ động tham gia thực hiện, mang lại hiệu quả rõ ràng.

ĐBQH Lê Thu Hà (Lào Cai):
Trách nhiệm với đất nước, với cử tri và Nhân dân

Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất là kỳ họp chưa có tiền lệ, diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của những biến chủng mới. Nước ta đã chuyển sang chiến lược thích ứng linh hoạt và an toàn với dịch Covid - 19, do đó, việc kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp để hỗ trợ quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội là yêu cầu cấp bách đặt ra.

Ảnh: N. An

Tại Kỳ họp này, Quốc hội xem xét, quyết định một số vấn đề lớn, quan trọng, cấp bách về kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách để hỗ trợ kịp thời cho Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, đồng thời, tháo gỡ những vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, pháp luật cản trở doanh nghiệp, nhà đầu tư phục hồi sản xuất, kinh doanh, hoạt động đầu tư. Đây đều là những vấn đề cấp bách mà thực tiễn cuộc sống đặt ra, thuộc thẩm quyền của Quốc hội xem xét, quyết định.

Việc Quốc hội tiến hành kỳ họp bất thường trong bối cảnh hiện nay cho thấy tinh thần đổi mới không ngừng trong phương thức hoạt động của Quốc hội nhằm đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn; thể hiện sự chủ động, linh hoạt thích ứng trong điều kiện “bình thường mới”, tinh thần trách nhiệm của Quốc hội trước sự phát triển của đất nước, trước cử tri và Nhân dân. Diễn ra trong những ngày đầu năm 2022, năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, những kết quả đạt được tại Kỳ họp bất thường lần này sẽ góp phần rất quan trọng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội không chỉ trong năm 2022 mà cho cả nhiệm kỳ 5 năm 2021 - 2025.

Tinh thần đổi mới, làm việc không quản ngày đêm đã được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát động ngay từ đầu nhiệm kỳ và cho đến nay, Quốc hội Khóa XV khẳng định và không ngừng phát huy. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội đã nêu cao trách nhiệm, hiến kế chất lượng, bảo đảm thành công của Kỳ họp, đáp ứng mong đợi của cử tri và Nhân dân. Các nội dung được đưa ra Quốc hội thảo luận, xem xét, quyết định tại Kỳ họp dù đều là những nội dung khó, phức tạp, có tác động đa chiều nhưng đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận kỹ lưỡng, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, phân tích sâu sắc và phản ánh được ý chí, nguyện vọng của cử tri.

Trong số các nội dung được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này, tôi đặc biệt đánh giá cao Nghị quyết về một số chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội. Khi nghiên cứu toàn bộ hồ sơ dự thảo Nghị quyết, các nội dung liên quan rất rộng, phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực. Qua thảo luận tổ và thảo luận thực tuyến, các ý kiến, phân tích của đại biểu Quốc hội đã được Ủy ban Kinh tế và các cơ quan của Quốc hội tổng hợp, chắt lọc lại và thể hiện trong dự thảo Nghị quyết một cách toàn diện, súc tích, chặt chẽ, rõ ràng, thể hiện trí tuệ tập thể của Quốc hội, bảo đảm việc tổ chức, thực thi dễ dàng, nhanh chóng, hiệu quả.

ĐBQH Cầm Hà Chung (Phú Thọ):
Quyết đáp xác đáng

Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV diễn ra trong bối cảnh đất nước đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những tác động của dịch Covid - 19. Với sự điều hành, chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các nội dung trình Kỳ họp bất thường đã được chuẩn bị kỹ lưỡng; các nội dung đưa ra thảo luận, cho ý kiến được các đại biểu Quốc hội cũng như cử tri và Nhân dân đồng tình, đánh giá cao. Tôi vô cùng ấn tượng khi Quốc hội đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin ngày càng thông suốt, hiệu quả hơn. Kỳ họp bất thường được tổ chức trực tuyến, diễn ra ở hơn 60 điểm cầu trong cả nước nhưng sự tương tác qua hình ảnh rõ nét, âm thanh ổn định, không khí thảo luận vô cùng sôi nổi.

Ảnh: T. Thành

Tuy diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng với đúng tính chất của Kỳ họp bất thường, với trách nhiệm cao nhất với đất nước, với cử tri và nhân dân, Quốc hội đã xem xét, quyết định 4 nội dung xác đáng, quan trọng, cấp bách, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn đang cản trở sự phát triển của nền kinh tế; thông qua các cơ chế, chính sách nhằm tạo động lực mới cho sự phục hồi và phát triển của đất nước.

Tôi tin tưởng, với quyết tâm to lớn, thể hiện qua những quyết định thấu đáo của Quốc hội, Chính phủ, chính quyền các địa phương sẽ có thêm cơ sở pháp lý, thêm nguồn lực để thực thi nhiệm vụ, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, giúp đất nước phát triển ngày càng mạnh mẽ, thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm lo đời sống của Nhân dân trong thời gian tới.

Lê Bình - Hoàng Ngọc - Thanh Chi - Trung Thành ghi