Hoàn thiện chính sách, quy định sắp xếp đơn vị hành chính

- Thứ Bảy, 15/01/2022, 06:02 - Chia sẻ
Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 28.12.2018 của Bộ Chính trị về sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, xã đã đề ra yêu cầu tổng kết, đánh giá việc thực hiện giai đoạn 2019 - 2021 để hoàn thiện quy định, xây dựng kế hoạch, lộ trình sắp xếp giai đoạn 2022 - 2030 phù hợp với quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính. Thực hiện yêu cầu này và kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đã giám sát, ghi nhận nhiều kiến nghị, đề xuất, đặc biệt là điều chỉnh các quy định tiêu chuẩn của ĐVHC, phân loại ĐVHC phù hợp hơn để thực hiện có hiệu quả chủ trương sắp xếp giai đoạn 2022 - 2030.

Cần đồng bộ, thống nhất trong hướng dẫn

Giai đoạn 2019 - 2021, tỉnh Quảng Nam đã xây dựng đề án và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất tại Nghị quyết 863/NQ-UBTVQH. Theo đó, toàn tỉnh sáp nhập 6 xã, giảm 3 xã so với trước. Đánh giá kết quả sau gần 2 năm triển khai, lãnh đạo cấp ủy và chính quyền các địa phương đều cho rằng đây là chủ trương đã được thực tế khẳng định đúng. Việc sáp nhập đã giúp tinh gọn bộ máy, giảm chi ngân sách. Đồng thời, tạo điều kiện để cơ cấu, lựa chọn, bố trí, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ phù hợp với tiêu chuẩn của từng vị trí việc làm; lựa chọn được những người có trình độ, năng lực, tâm huyết nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tuy nhiên, sau sáp nhập quy mô rộng hơn, nhiều thành phần dân cư hơn nên cũng phát sinh khó khăn khi thực hiện chức năng quản lý nhà nước, nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tài sản, trụ sở làm việc ở các ĐVHC mới rơi vào tình cảnh “vừa thừa, vừa thiếu”.

Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 tại huyện Hiệp Đức
Ảnh: Thanh Tâm

Nội dung được nhiều địa phương phản ánh từ thực tế giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ công chức viên chức dôi dư là việc các cơ quan có thẩm quyền chưa kịp thời trong hướng dẫn củng cố, kiện toàn các tổ chức chính trị - xã hội. Mặt khác, quy định về chế độ, chính sách đối với cán bộ công chức dôi dư chưa thống nhất và đồng bộ. Từ thực tế sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ công chức sau sắp xếp các ĐVHC địa phương cũng kiến nghị tỉnh có chính sách hỗ trợ đặc thù đối với trường hợp dôi dư nhưng tuổi trẻ, sức khỏe tốt, đáp ứng tiêu chuẩn về bằng cấp - không thuộc diện giải quyết chế độ, chính sách tinh giản biên chế theo quy định tại Nghị định 108 và 113 của Chính phủ.

Về kế hoạch, lộ trình giải quyết các trường hợp dôi dư, nhiều địa phương cho rằng ngoài tuân thủ quy định chung theo Nghị quyết 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan cũng nên có hướng dẫn chi tiết, cụ thể về lộ trình giảm cán bộ công chức theo từng năm. Như năm đầu tiên giảm 20% số dôi dư, năm tiếp theo giảm 40%, tránh giảm cùng lúc 100% lượng cán bộ công chức dôi dư vì rất khó trong bố trí, sắp xếp và khối lượng công việc liên quan khi nhập 2 ĐVHC thành 1 khá nhiều, cần duy trì lượng cán bộ công chức nhất định để đáp ứng yêu cầu công việc.

Kiến nghị hoàn thiện quy định về tiêu chuẩn đơn vị hành chính

Từ thực tế áp dụng Nghị quyết 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về tiêu chuẩn ĐVHC cấp xã, các địa phương cho rằng, tiêu chuẩn của ĐVHC ở nông thôn tuy có sự phân biệt giữa địa bàn miền núi, vùng cao với các địa bàn còn lại nhưng chưa thực sự phù hợp với đặc thù của ĐVHC miền núi, vùng cao có diện tích tự nhiên lớn, địa hình phức tạp nhưng dân số ít. Địa phương đề nghị, ngoài 2 tiêu chí về dân số và diện tích, cần nghiên cứu, bổ sung tiêu chí “các yếu tố đặc thù”.

Theo dự kiến và định hướng sắp xếp ĐVHC trong giai đoạn 2 (2022 - 2030), có khá nhiều đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, ở cả cấp xã và cấp huyện (sơ bộ toàn tỉnh có khoảng 50 ĐVHC cấp xã thuộc diện sắp xếp). Từ kết quả thực hiện giai đoạn 2019 - 2021, các địa phương đề nghị cần sớm có chủ trương, định hướng để địa phương chủ động triển khai, nhất là các vấn đề liên quan đầu tư cơ sở vật chất, trụ sở làm việc các đơn vị, tuyển dụng mới cán bộ công chức... tránh lãng phí sau đầu tư và tạo sức ép về sau khi giải quyết lượng cán bộ công chức dôi dư. Đồng thời, tỉnh cần kịp thời ban hành các chính sách theo thẩm quyền như chính sách đặc thù giải quyết cán bộ công chức dôi dư, chính sách hỗ trợ người dân trong trường hợp sau sáp nhập không thuộc diện hưởng chính sách hỗ trợ theo khu vực… để thuận lợi trong tổ chức thực hiện ở địa phương.

Đề xuất hoàn thiện chính sách về cán bộ công chức cơ sở, đại diện Ban Pháp chế HĐND tỉnh cho rằng, sáp nhập ĐVHC, hợp nhất, tinh gọn bộ máy biên chế không đơn giản chỉ là giảm đầu mối hành chính hay giảm số lượng cán bộ lãnh đạo mà còn kiện toàn tổ chức, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, đổi mới phương thức lãnh đạo, phân cấp mạnh hơn, nâng cao trách nhiệm, kỷ cương công vụ và trình độ cán bộ. Do đó, trong thời gian tới, kiến nghị Trung ương tiếp tục điều chỉnh các quy định về cán bộ công chức cấp xã, sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định 34/NĐ-CP năm 2019 theo hướng bỏ chế định “người hoạt động không chuyên trách” nhằm bảo đảm tính công bằng, thu hút người có trình độ, tâm huyết về công tác tại cơ sở.

Trong quá trình xây dựng, hoàn thiện phương án sắp xếp, HĐND các cấp đều có trách nhiệm tham gia và cho ý kiến theo quy trình. Việc phát huy và thực hiện hiện đúng vai trò, trách nhiệm của HĐND các cấp đóng vai trò quan trọng để phương án sắp xếp bảo đảm hiệu quả, khả thi. Do đó, trong định hướng hoàn thiện quy định liên quan sắp xếp ĐVHC, các địa phương cũng kiến nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của HĐND các cấp trong thảo luận, cho ý kiến về các phương án sắp xếp, nhất là trong trường hợp phương án đề xuất không bảo đảm quy định hoặc không đạt yêu cầu.

DƯƠNG THỊ THANH HIỀN - Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Quảng Nam