Hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất để phòng ngừa tham nhũng

- Thứ Bảy, 20/02/2021, 07:48 - Chia sẻ

Nguyễn Mạnh Cường

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp

Trong thời gian qua, công tác xây dựng pháp luật đã thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng, phúc đáp yêu cầu thực tiễn của đất nước, góp phần tích cực vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. 

Xây dựng cơ chế phòng ngừa, phát hiện tham nhũng cụ thể hơn

Theo đó, pháp luật về tổ chức bộ máy tiếp tục được hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, bảo đảm cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực nhà nước, trong đó có kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng. Pháp luật về tài chính công, tài sản công, về đầu tư, doanh nghiệp cơ bản đáp ứng yêu cầu đặt ra trong đổi mới nền kinh tế, cải cách hành chính, góp phần phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bảo đảm quản lý chặt chẽ ngân sách, vốn và tài sản của Nhà nước, loại bỏ cơ chế “xin - cho”, tập trung xử lý tình trạng “sân sau”, “đầu tư chéo”, “sở hữu chéo”.

Pháp luật về văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường ngày càng minh bạch, toàn diện, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của công dân; hạn chế kẽ hở cho công chức lợi dụng để nhũng nhiễu, gây phiên hà trong giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp. Pháp luật về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội không ngừng được hoàn thiện. Pháp luật về phòng, chống tham nhũng đã xây dựng được cơ chế phòng ngừa, phát hiện tham nhũng cụ thể hơn; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu; mở rộng áp dụng một số biện pháp phòng, chống tham nhũng ra khu vực tư. Pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự, giám định tư pháp, luật sư, thi hành án... tiếp tục được hoàn thiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử tội phạm tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng, bảo đảm xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.

Nhìn chung, về cơ bản, chúng ta đã xây dựng được một hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, theo đường lối, chủ trương của Đảng. Đấy là những kết quả trong công tác xây dựng pháp luật.

Với công tác giám sát, hàng năm, Quốc hội đều dành thời gian thỏa đáng để thảo luận các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, về tình hình kinh tế - xã hội, các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, của Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao. Đồng thời, thảo luận về các báo cáo giám sát chuyên đề; giám sát việc ban hành văn bản pháp luật; giám sát xử lý khiếu nại, tố cáo; giám sát thông qua hoạt động chất vấn, giải trình.

Thông qua hoạt động giám sát, Quốc hội đã chỉ ra được nhiều hạn chế, tồn tại trong công tác này. Đó là việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật còn chưa kịp thời. Việc triển khai các biện pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả còn thấp. Có rất ít các cơ quan, tổ chức tự phát hiện tham nhũng. Việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị mình còn hạn chế. Việc phát hiện tham nhũng của cơ quan chức năng chưa tương xứng với tình hình tham nhũng. Việc xử lý hành vi tham nhũng trong một số trường hợp còn nương nhẹ, kéo dài. Tham nhũng trong các cơ quan có chức năng chống tham nhũng vẫn xảy ra. Thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả chưa cao.

Trên cơ sở giám sát, Quốc hội đã làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu; đã ra nghị quyết về các nội dung này, từ đó đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng. Đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tham nhũng ngày càng được đẩy mạnh, đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, rõ rệt, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên, hệ thống pháp luật vẫn còn một số quy định chưa bảo đảm tính ổn định, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, khả thi. Chất lượng một số văn bản trình Quốc hội còn hạn chế. Hoạt động giám sát công tác phòng, chống tham nhũng còn chưa thường xuyên, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Việc theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị giám sát trong một số trường hợp chưa sát sao. Việc kiến nghị xử lý trách nhiệm người đứng đầu ít được thực hiện.

Những hạn chế nêu trên có nguyên nhân do tình hình thế giới và khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; quá trình đổi mới, hội nhập quốc tế, đã đặt ra cho nước ta nhiều vấn đề mới, chưa có tiền lệ, khó dự báo, dẫn đến khó khăn cho việc bảo đảm tính ổn định của hệ thống pháp luật. Bên cạnh đó, năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật còn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Trong hoạt động giám sát, còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, chưa sâu sát, kiên quyết.

Hoàn thiện và thực hiện tốt cơ chế kiểm soát quyền lực

Từ thực tiễn, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm. Trước hết, phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động xây dựng, hoàn thiện và giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Thứ hai, phải xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, góp phần bảo đảm phòng ngừa tham nhũng; đồng thời, tiếp tục hoàn thiện và thực hiện tốt cơ chế kiểm soát quyền lực. Th ba, cần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu; thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Thứ tư, trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng phải lấy phòng ngừa là chính, đồng thời phải kiên quyết trong xử lý tham nhũng; làm rõ đến đâu xử lý đến đó để bảo đảm tính nghiêm minh, kịp thời của pháp luật…

Để tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, về giải pháp, cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Trong công tác xây dựng pháp luật, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, xóa bỏ các kẽ hở, cơ chế “xin- cho” trong quản lý kinh tế - xã hội, tiếp tục cụ thể hóa quy định rõ hơn nguyên tắc phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực nhà nước. Trong công tác giám sát, cần tập trung giám sát những vấn đề lớn, bức xúc trong đời sống kinh tế - xã hội có liên quan tới phòng, chống tham nhũng. Tập trung đôn đốc, theo dõi, giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát.

Qua thực tiễn hoạt động của Quốc hội, xin kiến nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo đối với việc hoàn thiện chính sách, pháp luật, nhất là trong các lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Chỉ đạo xây dựng hoàn thiện mô hình cơ quan chuyên trách chống tham nhũng; xây dựng cơ chế xử lý tài sản, thu nhập không giải trình được hợp lý về nguồn gốc của người có chức vụ, quyền hạn. Chỉ đạo xử lý kiên quyết, kịp thời đối với cán bộ, đảng viên thuộc diện Trung ương quản lý có hành vi tham nhũng hoặc bao che cho tham nhũng.

Đồng thời, kiến nghị Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện tham nhũng; đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án tham nhũng, nhất là các vụ án nghiêm trọng, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Tăng cường biện pháp phòng, chống tham nhũng trong các cơ quan có nhiệm vụ chống tham nhũng. Cùng với đó, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đẩy mạnh giám sát và phản biện xã hội, phát huy sức mạnh của toàn dân tham gia phát hiện và tố giác tham nhũng; biểu dương, vinh danh và khen thưởng kịp thời để tích cực động viên nhân dân trong công tác này.

Anh Phương lược ghi