Hoàn thiện hệ thống pháp luật, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền

- Thứ Tư, 11/08/2021, 06:01 - Chia sẻ
Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng một lần nữa khẳng định, “tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị…”. Là cơ quan lập pháp, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, Quốc hội có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mà trước hết thể hiện ở vai trò lập pháp, thiết lập khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động của Nhà nước và xã hội.

Từ “thần linh pháp quyền” đến “Nhà nước pháp quyền”

Nhìn lại lịch sử cho thấy, thuật ngữ “pháp quyền” đã xuất hiện ở nước ta từ rất sớm. Ngay từ năm 1919, trong bản Yêu sách của nhân dân An Nam gửi đến Hội nghị Hòa bình Véc-xây (Pháp), Nguyễn Ái Quốc nói là những yêu sách khiêm tốn, có 8 điểm thì 2 điểm (2 và 7) đã lý giải rất sâu đậm về pháp luật: “2. Cải cách nền pháp lý Đông Dương bằng cách cho người bản xứ được quyền hưởng những đảm bảo về pháp luật như người châu Âu; xóa bỏ hoàn toàn các tòa án đặc biệt đang làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân An Nam...”; “7. Thay các chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật...”.(1)

Khi chuyển bản Yêu sách từ văn xuôi sang văn vần cho dễ nhớ, với tựa đề Việt Nam yêu cầu ca, Nguyễn Ái Quốc viết:

“Hai xin phép luật sửa sang,

Người Tây, người Việt hai phương cùng đồng,

Những tòa đặc biệt bất công,

Giám xin bỏ dứt rộng dung dân lành...

Bảy xin hiến pháp ban hành

Trăm điều phải có thần linh pháp quyền...”(2)

Như vậy, thuật ngữ pháp quyền đã xuất hiện ở nước ta hơn 100 năm. 

Quá trình hoạt động cách mạng, trong tư duy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hình thành một luận điểm cơ bản về việc tổ chức bộ máy nhà nước khi cách mạng thành công và tư duy đó đã trở thành đường lối cách mạng của Đảng ta. Đó là việc điều hành hoạt động của một quốc gia, một xã hội phải bằng Hiến pháp, pháp luật. “Thần linh pháp quyền” - ngôn ngữ những năm đầu thế kỷ XX nhưng rất đúng với tinh thần “Nhà nước pháp quyền” hiện đại.

Vào những năm đầu thập niên 40 của thế kỷ trước, Đảng ta đã nắm chắc trình tự, thủ tục việc thành lập một nhà nước. Trước tiên phải có cơ quan đại diện cho Nhân dân, đó là Quốc hội (Nghị viện), từ đó mới thành lập được Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, các cơ quan tư pháp. Trong điều kiện cách mạng chưa đến ngày thắng lợi, chưa có chính quyền thì cần phải có một cuộc Quốc dân Đại hội làm căn cứ cho việc xây dựng chính quyền sắp tới. Quốc dân Đại hội Tân Trào tháng 8.1945 ra đời trong bối cảnh đó. Nó có vai trò như là một tiền Quốc hội hay một Quốc hội lâm thời. Đại hội đã quyết định Chương trình 10 điểm cho hành động cách mạng. Chương trình này không khác nào một bản Hiến pháp tạm thời:

“1- Giành lấy chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trên nền tảng hoàn toàn độc lập.

2- Võ trang nhân dân. Phát triển Quân giải phóng Việt Nam.

3- Tịch thu tài sản của giặc nước và của Việt gian, tùy từng trường hợp sung công làm của quốc gia hay chia cho dân nghèo.

4- Bỏ các thứ thuế do Pháp, Nhật đặt ra; đặt một thứ thuế công bằng và nhẹ

5- Ban bố những quyền của dân, cho dân: nhân quyền; tài quyền (quyền sở hữu); dân quyền; quyền phổ thông đầu phiếu, quyền tự do dân chủ (tự do tín ngưỡng, tự do tư tưởng, ngôn luận, hội họp, đi lại), dân tộc bình quyền, nam nữ bình quyền.

6- Chia lại ruộng đất cho công bằng, giảm địa tô, giảm lợi tức, hoãn nợ, cứu tế nạn dân.

7- Ban bố Luật lao động: ngày làm 8 giờ, định lương tối thiểu, đặt xã hội bảo hiểm.

8- Xây dựng nền kinh tế quốc dân, phát triển nông nghiệp. Mở mang quốc gia ngân hàng.

9- Xây dựng nền quốc dân giáo dục, chống nạn mù chữ, phổ thông và cưỡng bách giáo dục đến bậc sơ cấp, kiến thiết nền văn hóa mới.

10- Thân thiện và giao hảo với các nước Đồng minh và các nước nhược tiểu dân tộc để giành lấy sự đồng tình và sức ủng hộ của họ(3).

Vào thời điểm lịch sử tháng 8.1945, trừ một vài tiểu tiết nhằm đáp ứng yêu cầu tình hình trong thời gian ngắn trước và sau cách mạng, còn phần lớn các điểm, các nội dung có sự tương ứng với các Hiến pháp trong suốt 76 năm qua. So với Hiến pháp năm 2013 - Hiến pháp hiện đại nhất, ta vẫn thấy có sự tương thích, tương đồng:

- Điểm 1, tương ứng với Chương I -  Chế độ chính trị (thể chế Nhà nước).

- Điểm 2, tương ứng với Chương IV - Bảo vệ Tổ quốc (trong đó có nhân tố quan trọng là các lực lượng vũ trang nhân dân).

- Điểm 5, tương ứng với Chương II - Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân (cần nói thêm rằng, ngay từ năm 1945, vấn đề nhân quyền đã được Đảng ta đặt ra với tinh thần là một vấn đề cấp bách của thời cuộc, chứ không phải như những kẻ thù địch đến lúc này vẫn bịa đặt, rêu rao Việt Nam thiếu nhân quyền).

- Các điểm 4, 6, 7, 8, 9, tương ứng với Chương III - Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường (cũng ngay từ bấy giờ các vấn đề phổ cập giáo dục sơ cấp; bảo hiểm xã hội, đặt lương tối thiểu, cứu tế nạn dân, ban bố Luật lao động - những trụ cột chính của an sinh xã hội; nam nữ bình quyền đã được đặt thành nhiệm vụ của cách mạng và đến nay chúng ta vẫn đang phải tiếp tục và sẽ còn phải tiếp tục thực hiện lâu dài).

- Điểm 10, tương ứng với Đường lối đối ngoại ở Điều 12 của Hiến pháp năm 2013.

Với “Hiến pháp tạm thời” này, Ủy ban Dân tộc Giải phóng (Chính phủ lâm thời) trong và sau Cách mạng Tháng Tám đã có đầy đủ cơ sở pháp lý để hành động, điều hành công việc quốc gia.

Tư tưởng Nhà nước pháp quyền trong đường lối của Đảng

Gần đây nhất là Văn kiện Đại hội lần thứ XII và Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định và ghi thành mục, thành điểm rất trang trọng. Trong đó, Văn kiện Đại hội lần thứ XII chỉ rõ: “Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị.

Trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước, phải thực hiện dân chủ, tuân thủ các nguyên tắc pháp quyền và phải tạo ra sự chuyển biến tích cực, đạt kết quả cao hơn. Xây dựng Nhà nước pháp quyền phải tiến hành đồng bộ cả lập pháp, hành pháp, tư pháp và được tiến hành đồng bộ với đổi mới hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; gắn với đổi mới kinh tế, văn hóa, xã hội. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp và pháp luật” (4).

Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng một lần nữa khẳng định, “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước. Xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở các nguyên tắc pháp quyền, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước. Xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững”(5).

Đường lối các Đại hội của Đảng nói về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đặt ra hai nhóm vấn đề vô cùng quan trọng. Một là, những vấn đề có tính nguyên tắc chung: Xây dựng, hoàn thiện và vận hành nhà nước phải do Đảng lãnh đạo; bảo đảm tính đồng bộ giữa ba nhánh quyền lực; đề cao năng lực và tính hiệu lực, hiệu quả của bộ máy; bảo đảm các nguyên tắc pháp quyền; phân công, phối hợp và kiểm soát chặt chẽ quyền lực... Hai là, hàng loạt yêu cầu bức thiết, cụ thể và khá nặng nề mà hoạt động lập pháp nhất thiết phải từng bước bảo đảm. Đó là 8 tính chất của hệ thống pháp luật gồm: đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định. Và đối tượng phục vụ chính là Nhân dân và doanh nghiệp.

Trong 8 tính chất của hệ thống pháp luật thì tính chất công khai trong hoạt động lập pháp vừa qua có thể yên tâm, còn các tính chất khác vẫn phải tiếp tục hoàn thiện với sự nỗ lực hết mình của các chủ thể có liên quan, đặc biệt là Quốc hội bởi lập pháp là thẩm quyền quan trọng số một của Quốc hội. Ngay sau Kỳ họp cuối cùng của Quốc hội Khóa XIV, Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, xây dựng đề án về định hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV. Điều này đã cho thấy sự chủ động của Quốc hội trong việc tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động lập pháp nhằm đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống và góp phần xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

_______  

(1), (2) Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 1 (1919 - 1924), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội -1995, tr. 435 - 439.

(3) Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1946 - 1960, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội - 1994, trang 20 - 21.

(4) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội - 2016, trang 175.

(5) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội - 2021, trang 174 - 175.

TS. Bùi Ngọc Thanh - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội