Hoàn thiện khung pháp lý bảo vệ tài nguyên và môi trường

- Thứ Năm, 12/11/2020, 06:23 - Chia sẻ
Theo đánh giá của các chuyên gia, thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước, như không ngừng hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường thanh tra, kiểm tra; nâng cao nhận thức của xã hội về bảo vệ môi trường… Tuy vậy, muốn bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, khung pháp lý vẫn cần tiếp tục được hoàn thiện.

Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam HOÀNG DƯƠNG TÙNG:
Nhận thức về bảo vệ môi trường tăng rõ rệt

Điểm tích cực trong công tác bảo vệ môi trường mấy năm gần đây là nhận thức của xã hội về môi trường, trong đó có không khí đã tăng rõ rệt. Người dân đã có nhiều biện pháp để tự bảo vệ bản thân và gia đình trước ô nhiễm. Các cơ sở sản xuất lớn được yêu cầu phải có quan trắc tự động kết nối với chính quyền địa phương. Riêng Hà Nội, từng là “điểm nóng” về ô nhiễm không khí đã có nhiều giải pháp, như trồng thêm cây xanh, hạn chế bếp than tổ ong, đốt rơm rạ… Đây là những chuyển biến rất đáng ghi nhận!

Cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, bảo vệ môi trường không phải việc riêng của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bộ cũng không thể làm một mình. Chẳng hạn, việc kiểm soát khí thải xe máy, một trong những nguồn gây ô nhiễm môi trường, còn là trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải. Hay với các làng nghề, việc quản lý cũng liên quan trực tiếp đến chính quyền địa phương. Tuy vậy, với trách nhiệm của mình, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần đốc thúc hơn nữa việc thực hiện bảo vệ môi trường; công khai số liệu của các trạm quan trắc tự động; kiểm kê khí thải...

Luật Bảo vệ môi trường đang trong quá trình sửa đổi. Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm hoàn thiện các chính sách có liên quan đến môi trường, trong đó nên theo hướng hậu kiểm thay vì tiền kiểm như trước. Bộ cũng cần công khai các thông tin liên quan đến bảo vệ môi trường để có sự giám sát của toàn xã hội.

Mặt khác, để chất lượng môi trường tốt hơn, mức xử phạt vi phạm cần tăng lên, làm mạnh như với Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm giao thông đường bộ. Bộ nên tập trung quản lý những nguồn thải lớn.

Trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số rất quan trọng. Nhờ chuyển đổi số, cơ quan quản lý sẽ nắm được tình hình ô nhiễm, từ đó có giải pháp tương ứng. Do vậy, Bộ cũng nên chú trọng đến vấn đề này.

Chủ tịch Hội Địa chất kinh tế Việt Nam LÊ ÁI THỤ:
Rõ thông tin về khoáng sản trước khi đấu giá

Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cố gắng rất lớn trong lĩnh vực khoáng sản. Bộ liên tục hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, nhất là văn bản quy định chi tiết thực hiện Luật Khoáng sản, đặc biệt là quy định về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và đấu giá cấp quyền khai thác khoáng sản.

Mặt khác, xã hội cũng đã quan tâm hơn tới lĩnh vực khoáng sản. Có nhiều vấn đề liên quan được gửi đến Bộ, đồng nghĩa số lượng công việc cực lớn, đòi hỏi thời gian, công sức để giải quyết. Dù số lượng biên chế thuộc lĩnh vực khoáng sản còn hạn chế, song cũng cần ghi nhận là anh em đã rất cố gắng thực hiện. Bộ cũng đã sát sao trong kiểm tra, thanh tra các hoạt động khai thác khoáng sản ở địa phương.

Mặc dù vậy, quản lý nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản vẫn còn nhiều vấn đề. Chẳng hạn, đối với đấu giá quyền khai thác khoáng sản, dù Luật Khoáng sản ban hành đã 10 năm nay, song triển khai khá ì ạch, số lượng ở cấp Trung ương chỉ đếm trên đầu ngón tay, ở nhiều địa phương vẫn chưa triển khai theo thẩm quyền. Từ thực tế hiện nay, việc sớm xem xét sửa đổi Luật Khoáng sản phù hợp với yêu cầu của thực tiễn là rất cần thiết. 

Đối với đấu giá quyền khai thác khoáng sản, với cách làm hiện nay, người đại diện chủ sở hữu tài sản không biết mình có bao nhiêu khoáng sản, chất lượng và trữ lượng ra sao; các doanh nghiệp tham gia đấu giá trong tình cảnh “hên xui”, không biết khu mỏ đó là “con voi” hay “con chuột”. Do vậy, Nhà nước cần tiến hành thăm dò để đánh giá đúng trữ lượng, chất lượng khoáng sản, sau đó công khai thông tin này để bán đấu giá. Tiền thăm dò sẽ được tính trong tiền bán đấu giá. Chỉ khi làm được như thế sẽ bảo đảm Nhà nước thu về đúng số tiền mà khu mỏ mang lại, đặc biệt là tìm được nhà đầu tư có tiềm năng cả về tài chính cũng như năng lực chuyên môn trong khai thác, sử dụng khoáng sản.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ĐẶNG HÙNG VÕ:
Nhanh chóng sửa đổi Luật Đất đai

Nhìn lại công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai thời gian qua cho thấy, chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm.

Hiện, sử dụng đất ở nước ta vẫn chưa thực sự hiệu quả, dù Luật Đất đai 2013 có một mục về giám sát, theo dõi và đánh giá việc quản lý, sử dụng đất đai. Theo đó, Luật trao quyền cho Quốc hội, HĐND các cấp và MTTQ Việt Nam (Điều 198) và công dân (Điều 199) được thực hiện quyền giám sát quản lý, sử dụng đất đai; thiết lập hệ thống theo dõi và đánh giá hiệu quả sử dụng đất, quy hoạch sử dụng đất cùng tất cả những vấn đề về quản lý và sử dụng đất đai để đưa ra các điều chỉnh cần thiết (Điều 200). Tuy nhiên, với Điều 199 và 200, hiện Chính phủ chưa có hướng dẫn chi tiết.

Bên cạnh đó, khung giá đất của Chính phủ cũng như bảng giá đất của các tỉnh hiện vẫn thấp hơn giá thị trường, kể cả khung giá được ban hành năm nay. Chính điều này khiến người dân bị thiệt trong quá trình thu hồi đất, dẫn đến những bức xúc, khiếu nại.

Cả nước đang bước vào chu kỳ 10 năm 2021 - 2030, cấp tỉnh cần làm gì để tích hợp quy hoạch sử dụng đất vào quy hoạch tỉnh? Nếu tỉnh chỉ có một bản quy hoạch của tỉnh thì quy hoạch sử dụng đất cấp huyện phải làm thế nào? Đây là những vấn đề cần có sự quan tâm, hướng dẫn. Muốn vậy, hệ thống hồ sơ đất đai phải hoàn chỉnh. Việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất cũng phải hoàn chỉnh để bảo đảm đất đai ở các vị trí trọng yếu về an ninh - quốc phòng được bảo vệ chặt chẽ, nâng cao được hiệu quả sử dụng đất.

Thực tế, đã có nhiều sai phạm liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai, trong đó nhiều cán bộ đã bị xử lý hình sự. Để giải quyết tốt hơn các vấn đề về đất đai, bảo đảm sử dụng đất có hiệu quả, việc nhanh chóng sửa đổi Luật Đất đai hiện hành là yếu tố mang tính quyết định. 

Riêng đối với định giá đất trước khi có quy hoạch, có dự án là một vấn đề lớn, song chúng ta vẫn có thể làm được. Theo đó, hãy chuyển sang dùng phương pháp thu nhập để tính giá chứ đừng dùng phương pháp so sánh thị trường, khi đó tự khắc sẽ dần tiệm cận với giá thị trường.

Đan Thanh ghi