Hoàn thiện khung pháp lý ngăn ngừa ô nhiễm nguồn nước

- Thứ Bảy, 19/04/2014, 08:40 - Chia sẻ
Tình trạng ô nhiễm nguồn nước vượt khả năng kiểm soát do các hoạt động sản xuất, khai thác, kinh doanh, dịch vụ đang đòi hỏi phải khẩn trương xây dựng một luật riêng với khung pháp lý đủ mạnh và hiệu quả về ngăn ngừa ô nhiễm nước. Đó là khuyến cáo mới nhất được đưa ra tại Hội thảo Kiểm soát ô nhiễm nước tại Việt Nam - thực tiễn và chính sách tổ chức ngày 17-18.4.

Mức độ ô nhiễm ngày càng gia tăng

Nước là thành phần môi trường quan trọng bậc nhất, giữ vai trò thiết yếu để duy trì sự sống con người; đồng thời, nước còn là nguồn tài nguyên chiến lược của một quốc gia, mang tầm ảnh hưởãng có tính quy mô tới mọi khía cạnh cuộc sống. Tuy nhiên, nguồn nước của chúng ta đang bị suy thoái, phá hủy, thay đổi, khai thác quá mức và bị ô nhiễm nặng với các mức độ khác nhau; từ nước mặt đến nước ngầm, thậm chí nhiều con sông, đoạn sông, ao, hồ đang chết dần chết mòn. Tình trạng này gây ra những tác hại to lớn cho sự phát triển kinh tế, xã hội và sức khỏe con người. Cá tôm bị chết do nước ô nhiễm; nước tưới tiêu bị ô nhiễm làm giảm năng suất và chất lượng nông sản; ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt gây ra các bệnh cấp tính lây lan mạnh và tiếp xúc lâu dài sẽ dẫn đến nguy cơ gây ung thư. Theo thống kê và đánh giá của Bộ Y tế năm 2012, khoảng 40 - 50% trường hợåp ung thư là do sử dụng nguồn nước ô nhiễm; và trung bình mỗi năm ở nước ta có khoảng 9.000 người tử vong cũng vì nguyên nhân này.

Bên cạnh nguyên nhân gây ô nhiễm nước tự nhiên do mưa lũ, gió bão đưa vào môi trường nước các chất thải bẩn, thì nguyên nhân chủ yếu là do con người gây nên từ việc xả chất thải sinh hoạt, dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp, y tế, giao thông… Theo bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR), tình trạng ô nhiễm nước nghiêm trọng xảy ra chủ yếu ở những khúc sông, suối nhỏ, các thủy vực găn liền với khu cụm công nghiệp, các làng nghề và các khu đô thị. Các nguồn ô nhiễm khác bao gồm từ các hoạt động nông nghiệp, các khu dân cư. Do tính chất đa dạng của các chất gây ô nhiễm và độ bao phủ xuyên biên giới của nước, việc kiểm soát ô nhiễm nước trở lên phức tạp bao giờ hết. Để giải quyết thực trạng này không những cần hệ thống giám sát chuyên nghiệp, nguồn vốn đủ mà còn cần một chế tài mạnh và rõ ràng, kết hợp được giữa công nghệ và quản lý, có tính thực thi cao.


Nguồn: tinmoitruong.vn
Hoàn thiện khung pháp lý

Mặc dù, vấn đề ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm nước đã được thể chế hóa tại nhiều văn bản pháp luật; từ Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, Luật Tài nguyên nước sửa đổi năm 2013 đến các nghị định về quản lý lưu vực sông, phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản hay xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường… nhưng tình trạng ô nhiễm nước trong nhiều năm qua vẫn chưa có văn bản cụ thể, chuyên biệt quy định về kiểm soát ô nhiễm nước nên đã dẫn đến những tác hại không đáng có trong sản xuất, đời sống và sức khỏe người dân.

Nếu xét trong tổng thể mối quan hệ về tầm quan trọng của các thành tố môi trường, nước cần được xem là đối tượng chính sách đặc biệt cần được quan tâm bởi đặc thù ở dạng lỏng, khi bị ô nhiễm thì tốc độ lan truyền rất nhanh. Theo đó, đa phần ý kiến tại hội thảo đều nhất trí với quan điểm, cần pháp điển hóa, hệ thống hóa các quy định rải rác thành một văn bản nhất quán, thống nhất quy định về bảo vệ môi trường nước, kiểm soát ô nhiễm môi trường nước. Hướng tới xây dựng Luật Ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm nước trên nguyên tắc: quản lý môi trường nước dựa trên kết quả cuối cùng và quy định rõ trách nhiệm quản lý; ưu tiên xử lý các điểm ô nhiễm công nghiệp và đô thị; ưu tiên công đoạn ngăn ngừa trong quy trình 3 công đoạn ngăn ngừa và kiểm soát nguồn nước trước khâu phát hiện ngăn chặn và xử lý, phục hồi; thể hiện nguyên tắc công bằng trách nhiệm giữa Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng.

Cụ thể, cần có quy định về ngăn ngừa ô nhiễm nước, bao gồm đánh giá về tác động môi trường (ĐTM) đối với các dự án, công trình liên quan đến nguồn nước; quy hoạch, phân vùng sử dụng, bảo vệ hệ thống nước mặt ở địa phương; yêu cầu khi phê duyệt các dự án có xả thải nước ra môi trường; xây dựng, xác định tiêu chuẩn chất lượng nước, cam kết bảo vệ môi trường; báo cáo giám sát môi trường định kỳ và theo dõi biến động môi trường nước, quan trắc chất lượng nước; hoạt động ngăn ngừa ô nhiễm nước cho một vùng nước và quy định trách nhiệm bảo vệ môi trườâng nước của chính quyền địa phương…

Bên cạnh đó, triệt để khâu xử lý thông qua các quy định cụ thể về nội dung công nghệ và sử dụng công nghệ trong xử lý, kiểm soát ô nhiễm nước; nếu cần thiết, xây dựng một cơ sở dữ liệu về công nghệ xử lý ô nhiễm nước, khuyến khích ứng dụng công nghệ trong xử lý chất thải. Ngoài ra, công khai thông tin giám sát ô nhiễm và chất lượng nước nhằm đẩy mạnh vai trò giám sát, phát hiện ô nhiễm nước; thúc đẩy người dân, các tổ chức xã hội và cộng đồng tham gia ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm nguồn nước. Đặc biệt, phải có quy định chi tiết vai trò của các bộ, ngành và chính quyền địa phương ban hành các quy định cụ thể về giám sát, quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn của chủ thể giám sát, đối tượng chịu sự giám sát, hình thức giám sát dựa vào kết quả và hiệu quả ngân sách cũng như trách nhiệm của quản lý nhà nước, giám sát việc công bố thông tin về ô nhiễm nước và chất lượng nước; đồng thời quy định trách nhiệm giải trình của chính quyền và địa phương…

Trước tình hình mức độ ô nhiễm nước ngày càng gia tăng do không kiểm soát được nguồn ô nhiễm hiệu quả, hoàn thiện khung pháp lý thông qua việc ban hành Luật Ngăn ngừa và kiểm soát nguồn ô nhiễm nước là cần thiết và cấp thiết.

Bạch Dương