Hoàn thiện pháp luật về quản lý tài nguyên nước

- Thứ Năm, 18/11/2021, 09:37 - Chia sẻ
Trước thực trạng biến đổi khí hậu và ô nhiễm nguồn nước diễn ra tương đối nghiêm trọng, cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật về quản lý tài nguyên nước; thu tiền khai thác, sử dụng tài nguyên nước, người gây ô nhiễm môi trường nước; Xây dựng cơ chế kiểm tra, thanh tra, giám sát thường xuyên các hoạt động khai thác, sử dựng tài nguyên nước…Đây là kiến nghị được đưa ra tại Hội thảo “Chính sách để cấp nước an toàn cho khu vực nông thôn: Thực trạng và giải pháp” do Trung tâm Thông tin Tổ chức phi chính phủ tổ chức sáng 16.11.

"Báo động đỏ" an ninh nguồn nước khu vực nông thôn

Phát biểu tại Hội thảo Phó Chủ tịch Hiệp hội Tưới tiêu Việt Nam TS. Đào Trọng Tứ cho biết, đến cuối năm 2019, tỷ lệ người nông dân được sử dụng nước hợp vệ sinh là 88,5% (so với 32% người dân ở nông thôn được tiếp cận tới nguồn nước hợp vệ sinh năm 1999). Tỷ lệ người dân ở khu vực nông thôn sử dụng nước sạch đạt QCVN 02;2009/BYT đạt 51%. Trong đó, 44% dân số nông thôn với hơn 18,5 triệu người được cấp nước từ công trình tập trung. Tuy nhiên, hiện còn 56% dân số nông thôn (36,3 triệu người) vẫn sử dụng công trình cấp nước quy mô nhỏ hộ gia đình. Chỉ có 6 tỉnh, thành có tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100% là tỉnh Thái Bình, Hải Dương, TP. Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Quang cảnh Hội thảo

“Cả nước mới chỉ có 16.573 công trình cấp nước tập trung. Trong đó, 12% công trình không hoạt động, 16,7% công trình hoạt động kém hiệu quả, 37,8% công trình hoạt động trung bình và chỉ có 33,5% công trình bền vững. Các công trình có quy mô công suất dưới 300 m3/ngày đêm chiếm hơn 80%. Nhưng phần lớn các công trình này được đầu tư đã lâu, hệ thống chưa hoàn chỉnh, các công trình cấp nước tập trung ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc được áp dụng mô hình cộng đồng quản lý. Do đó, chất lượng nước cung cấp cho bà con khó bảo đảm”, TS. Đào Trọng Tứ nêu rõ thực trạng.

Các chuyên gia cũng chỉ rõ, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch chưa cao là do nhiều công trình cấp nước hoạt động chưa hiệu quả. Trong số 16.342 công trình cấp nước hiện nay, chỉ có 33,5% công trình hoạt động bền vững; 37,8% công trình hoạt động ở mức trung bình; còn lại 16,7% công trình hoạt động kém hiệu quả và 12% công trình đã ngừng hoạt động. Theo phân tích của Viện Nguồn lực Thế giới (WRI) tình trạng căng thẳng về nước sẽ xảy ra trong một tương lai gần. Việc cung cấp nước đầy đủ, bảo đảm an toàn, đúng chất lượng cho người dân đang là vấn đề thời sự của nhiều nước hiện nay.

TS. Đào Trọng Tứ phát biểu tại Hội thảo
TS. Đào Trọng Tứ phát biểu tại Hội thảo

“Mỗi năm, có khoảng 9 nghìn người tử vong do nguồn nước và vệ sinh kém, gần 250 nghìn người nhập viện vì bị tiêu chảy cấp bởi nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm, khoảng 200 người người mắc bệnh ung thư mỗi năm mà một trong những nguyên nhân chính là do ô nhiễm nguồn nước. Theo một nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam, đã đưa ra cảnh báo, hiện có khoảng 44% trẻ em bị nhiễm giun và 27% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng mà nguyên nhân chính là do thiếu nước sạch và kém về vệ sinh. Đặc biệt, hiện có khoảng 21% dân số đang sử dụng nguồn nước bị nhiễm Asen. 30% dân số chưa nhận thức được tầm quan trọng của sử dụng nước an toàn. WHO xếp Việt Nam vào số những nước có tình trạng an ninh nguồn nước đáng báo động, nhất là ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, đáng lo ngại là trên thực tế vẫn còn một bộ phận dân cư bất chấp những con số báo động đỏ này”, TS. Đào Trọng Tứ nhấn mạnh.

Nhiều thách thức trong bảo đảm an ninh nguồn nước

Theo nhận định của các chuyên gia, hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đang ngày càng coi trọng việc bảo đảm an ninh nguồn nước, vì đây là loại hình an ninh phi truyền thống và tài nguyên nước được xác định là tài nguyên chiến lược thứ hai, sau con người. Ở nước ta, trong những năm gần đây, nguồn tài nguyên nước và việc bảo đảm an ninh nguồn nước đã được chú trọng. Tuy nhiên, việc bảo đảm an ninh nguồn nước và sản xuất, cung cấp nước sạch cho khu vực nông thôn đang phải đối mặt với không ít thách thức. Với đặc thù là quốc gia đang phát triển chịu tác động rất lớn từ hạn hán, xâm nhập mặn, bão, lũ, ngập lụt có xu thế ngày càng cực đoan, nhất là với khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn sử dụng hơn 80% tổng lượng nước, Việt Nam dễ bị tổn thương trước tác động của thiên tai liên quan đến nước.

Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam GS. TS Trần Hiếu Nhuệ nhận định, hiện công tác nước sạch nông thôn vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: cơ chế chính sách chưa hoàn thiện, thiếu tính đồng bộ, một số chính sách chưa phù hợp với đặc thù cấp nước nông thôn, đặc biệt vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chính sách khuyến khích xã hội hóa nước sạch nông thôn chưa thực sự thu hút được các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, quản lý vận hành... “Năm 2019 - 2020, mức độ hạn hán, xâm nhập mặn cao hơn cả mùa khô năm 2015 - 2016, đã ảnh hưởng đến 10/13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, có thời điểm chiều sâu ranh mặn 4g/l và phạm vi xâm nhập mặn vào sâu trong đất liền từ 80 -100 km khiến 167 công trình cấp nước tập trung bị sụt giảm công suất, khoảng 96 nghìn hộ dân tương đương 430 nghìn nhân khẩu đang sinh sống tập trung tại bảy tỉnh ven biển gồm Bến Tre, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Long An và Trà Vinh bị ảnh hưởng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng.”, GS. TS Trần Hiếu Nhuệ dẫn chứng.

GS. TS Trần Hiếu Nhuệ phát biểu tại Hội thảo
GS. TS Trần Hiếu Nhuệ phát biểu tại Hội thảo

Nhiều chuyên gia cũng chỉ rõ, hiện nay ở Việt Nam, thị truờng nước sạch nông thôn chưa hình thành rõ ràng. Các chính sách khuyến khích đầu tư và cơ chế tín dụng hiện hành chưa thu hút được sự tham gia của các thành phần kinh tế trong xã hội, đặc biệt là khu vực tư nhân. Điều này khiến nhiều công trình không đủ kinh phí đảm bảo quản lý, vận hành, duy tu bảo dưỡng và sửa chữa dẫn đến công trình bị xuống cấp, thậm chí ngưng hoạt động. Chất lượng nước, chất lượng xây dựng các công trình còn thấp, chưa đạt được các yêu cầu đặt ra.

“Hiện nay, các quy hoạch nguồn nước chủ yếu dựa vào các hệ thống sông ngòi, kênh mương nội địa trong khi nguồn nước này có xu hướng bị ô nhiễm nghiêm trọng. Quy hoạch cơ bản mới chỉ thông qua thống kê số liệu dân sinh kinh tế để tính toán xác định quy mô công suất đầu tư công trình, chưa có đánh giá khả năng nguồn nước, kết nối đô thị. Quy hoạch cơ bản mới chỉ thông qua thống kê số liệu dân sinh kinh tế để tính toán xác định quy mô công suất đầu tư công trình, chưa có đánh giá khả năng nguồn nước, kết nối đô thị…”, bà Nguyễn Thị Vân Anh đại diện Trung tâm nước sạch, vệ sinh, môi trường nông thôn, chỉ ra một số bất cập trong công tác quy hoạch nước sạch nông thôn.

Để khắc phục những hạn chế tồn tại, các chuyên gia cho rằng, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, cần chú trọng các giải pháp mang tính chính sách như: Cần tăng cường quản lý khai thác bảo đảm bền vững nguồn tài nguyên nước quốc gia; Tăng cường quản lý tài nguyên nước một cách có hiệu quả và phát triển tài nguyên nước một cách bền vững. 

nguyên phó Chủ tịch kiêm Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra Liên hiệp Hội Việt Nam TS. Phan Tùng Mậu
Nguyên Phó Chủ tịch kiêm Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Liên hiệp Hội Việt Nam TS. Phan Tùng Mậu phát biểu tại Hội thảo

“Cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật về quản lý tài nguyên nước; thu tiền khai thác, sử dụng tài nguyên nước, người gây ô nhiễm môi trường nước; Xây dựng cơ chế kiểm tra, thanh tra, giám sát thường xuyên các hoạt động khai thác, sử dựng tài nguyên nước….”, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Liên hiệp Hội Việt Nam TS. Phan Tùng Mậu nêu ý kiến.

Đức Hiệp